12/02/2020 12:52
Khẩn trương lên phương án xử lý dịch cúm gia cầm H5N6
Trước tình hình dịch cúm gia cầm H5N6 có nguy cơ lây lan rộng tại Nghệ An, Đoàn công tác của Chi cục Thú y vùng 3 (quản lý 6 tỉnh từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên Huế) đã kiểm tra thực tế tại vùng dịch huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An để nắm bắt tình hình dịch và lên phương án xử lý dịch nhanh nhất.
Đoàn đã kiểm tra tại các hộ dân ở xã Quỳnh Hồng, Quỳnh Hậu, Quỳnh Bá (xuất hiện ổ dịch H5N6) của huyện Quỳnh Lưu. Đây là những xã có số lượng nuôi gia cầm lớn của huyện.
Tại buổi kiểm tra, đoàn công tác nhận thấy, khu vực các xã bị dịch cúm gia cầm H5N6 tại các xã Quỳnh Hồng, Quỳnh Bá, Quỳnh Hậu đều sử dụng nguồn nước từ kênh, mương chảy về các hộ gia đình cho chăn nuôi gia cầm. Còn hiện tượng người dân vứt xác gia cầm chết xuống dòng nước. Nhiều hộ chăn nuôi vẫn chưa thực sự chú trọng đến việc phòng dịch mà chỉ làm qua loa.
Vì thế, nguồn nước có nguy cơ ô nhiễm khi các hộ khác dùng nước đó cho gia cầm. Điều này có thể làm lây lan dịch.Bên cạnh đó, nguồn nhân lực đúng chuyên muôn ở các địa phương còn thiếu và ít. Lực lượng thú y địa phương giao cho cán bộ bán chuyên trách về nông nghiệp nên không có chuyên môn về phòng chống dịch, giám sát, hoạt động tại cơ sở.
4 tỉnh xuất hiện dịch cúm gia cầm do chủng virus A/H5N6. |
Tại buổi kiểm tra ở huyện Quỳnh Lưu, ông Lê Đình Huệ, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thú y vùng 3 cho biết, một số việc cần làm ngay để hạn chế dịch lây lan là phải chấn chỉnh xử lý môi trường, đặc biệt là môi trường kênh, mương ruộng đồng chảy qua nhiều xã; tuyên truyền người dân không vứt xác động vật ra sông; tăng cường kiểm tra giám sát và làm nghiêm chỉ đạo chống dịch; lập chốt chặn, vệ sinh tiêu độc, tiêm phòng đàn gia cầm trong mùa dịch và định kỳ.
Tại xã Quỳnh Bá, đoàn đã đến hộ gia đình anh Phan Văn Thắng tại xóm 2, xã Quỳnh Bá, huyện Quỳnh Lưu. Gia đình anh Thắng mỗi tháng xuất 90.000 con vịt giống cho các địa phương. Tại buổi kiểm tra, đoàn đã hướng dẫn gia đình cách phòng trừ dịch, khử trùng, tiêu độc chuồng trại; nhắc nhở gia đình thực hiện nghiêm các biện pháp chống dịch; khi phát hiện dịch phải cách ly, phong tỏa vùng vật nuôi và báo ngay cho cơ quan chức năng. Gia cầm nuôi của anh Thắng cũng được các nhân viên thú y lấy mẫu kiểm tra.
Bước đầu Nghệ An đã triển khai hiệu quả phòng chống dịch cúm gia cầm H5N6 phát hiện ổ dịch, xử lý ổ dịch, lấy mẫu xét nghiệm được kịp thời. Tỉnh đã chủ động được nguồn hóa chất, vắc xin phòng dịch.
Tại tỉnh Nghệ An đến thời điểm này mới phát hiện dịch cúm gia cầm H5N6 ở một số xã thuộc huyện Quỳnh Lưu. Đây là huyện có đàn gia cầm lớn lên đến 2 triệu con.
Theo Cục Thú y, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đến nay cả nước có 8 ổ dịch cúm gia cầm do chủng virus A/H5N6 gây ra, buộc phải tiêu hủy hàng chục nghìn con gia cầm tại 4 tỉnh, thành phố Hà Nội, Quảng Ninh, Thanh Hóa và Nghệ An.
Cụ thể, tỉnh Quảng Ninh có 1 ổ dịch cúm gia cầm A/H5N6 xảy ra tại 1 hộ chăn nuôi thuộc xã Dực Yên, huyện Đầm Hà. Tổng số gia cầm mắc bệnh và tiêu hủy toàn bộ đàn gà 3.000 con.
Tỉnh Thanh Hóa có 3 ổ dịch, xảy ra tại 3 xã, 2 huyện (Nông Cống và Quảng Xương) buộc phải tiêu hủy hơn 20.000 con gia cầm. Tỉnh Nghệ An cũng có 3 ổ dịch, xảy ra tại 3 xã, 2 huyện, buộc phải tiêu hủy 344 con gia cầm.
Hà Nội có 1 ổ dịch tại 11 hộ chăn nuôi thuộc xã Phú Nghĩa, huyện Chương Mỹ. Tổng số gia cầm mắc bệnh là 1.860 con, số gia cầm chết và tiêu hủy là 2.397 con.
Theo Cục Thú y, các ổ dịch cúm gia gia cầm đã được kiểm soát tốt, dịch bệnh không xảy ra ở diện rộng. Các ổ dịch cúm gia cầm xuất hiện rải rác, mỗi tỉnh xuất hiện ở 1 - 2 hộ chăn nuôi nhỏ lẻ có gia cầm chưa tiêm phòng vắc xin.
Cục Thú y dự báo, trong thời gian tới, dịch bệnh có thể tiếp tục xảy ra do nhiều nguyên nhân khác nhau như: hiện tổng đàn gia cầm rất lớn với 467 triệu con; điều kiện thời tiết thay đổi bất lợi; nhu cầu vận chuyển, giết mổ, tiêu thụ phục vụ các lễ hội đầu năm tăng cao; việc tổ chức tiêm vắc xin cúm gia cầm cho đàn gia cầm đạt tỷ lệ thấp tại một số địa phương, nhất là đối với chăn nuôi gia cầm nông hộ. Do đó, nguy cơ dịch bệnh cúm gia cầm xuất hiện, lây lan rất cao và có nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng, đặc biệt trong điều kiện dịch bệnh viêm phối cấp do chủng mới Covid-19 gây ra.
Cục Thú Y cũng cho biết, hiện nay, Việt Nam chưa phát hiện trường hợp nhiễm cúm A/H7N9. Tuy nhiên, nguy cơ vi rút cúm A/H7N9 và một số chủng virus khác như A/H5N2, A/H5N8 xâm nhiễm là khá cao. VÌìvậy, Cục đã yêu cầu các chi cục thú y vùng lập đoàn công tác đến các địa phương đang có ổ dịch cúm gia cầm cũng như dịch tả lợn châu Phi, lở mồm long móng; các địa phương có ổ dịch cũ và địa phương có nguy cơ cao để kiểm tra, đôn đốc và hướng dẫn triển khai đồng bộ các giải pháp phòng, chống dịch bệnh.
Các chi cục thú y vùng cũng phải bố trí cán bộ trực, xét nghiệm và nguyên vật liệu xét nghiệm các loại dịch bệnh, đảm bảo việc xét nghiệm kịp thời, chính xác để chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương tổ chức phòng, chống dịch bệnh kịp thời và hiệu quả.
Advertisement
Advertisement
Đọc tiếp