05/02/2020 08:01
Khách hàng vay vốn, gửi tiền tháo chạy từ ngân hàng thương mại Nhà nước sang tư nhân
Thị phần huy động lẫn cho vay chuyển dịch dần từ nhóm ngân hàng thương mại Nhà nước sang nhóm ngân hàng thương mại cổ phần.
Huy động vốn tăng
Theo thống kê của nhóm chuyên gia trường Đại học Ngân hàng TP.HCM, tổng phương tiện thanh toán M2 ở năm 2019 tăng so với cùng kỳ năm trước nhưng vẫn thấp hơn khá nhiều so với cùng kỳ các năm trước 2017. Tính đến ngày 20/12/2019, M2 tăng 12,1% so với cuối năm trước (cùng kỳ 2018, M2 chỉ tăng 11,3%).
Huy động vốn trên thị trường 1 tăng cao và đóng góp nhiều hơn vào mức tăng M2 so với cùng kỳ năm 2018. Tính đến 20/12/2019, huy động vốn thị trường 1 tăng 12,5% so với năm 2018 (cùng kỳ năm 2018 chỉ tăng 11,5%). Như vậy, huy động vốn đóng góp 11,34% vào mức tăng của M2 (so với cùng kỳ năm trước là 10,6%).
Xét theo loại tiền tệ, huy động vốn bằng VND và bằng ngoại tệ của tổ chức kinh tế đều tăng mạnh hơn so với cùng kỳ 2018, trong khi huy động vốn bằng VND và bằng USD của khu vực dân cư diễn biến trái chiều. Cụ thể, huy động vốn bằng VND của khu vực dân cư và tổ chức kinh tế tăng lần lượt 12,22% và 14,42% so với cuối năm trước.
Đối với ngoại tệ, huy động vốn của tổ chức kinh tế tăng 2,36% so với cuối năm 2018, trái ngược với sự suy giảm 5% so với 2018 trong thu hút nguồn vốn này từ khu vực dân cư. Điều này phản ánh niềm tin của người dân đối VND, trái ngược với tâm lý găm giữ ngoại tệ những năm trước đây.
Tỷ lệ huy động vốn ngoại tệ/tổng phương tiện thanh toán (FCD/M2) tiếp tục giảm so với cuối năm trước. Tính đến thời điểm cuối năm 2019, tỷ lệ này đạt 8,34%, giảm so với 8,38% cuối năm 2018. Như vậy, tỷ lệ này vẫn thấp hơn rất nhiều so với các năm 2016 trở về trước, bình quân tỷ lệ FCD/M2 trong giai đoạn 2011-2016 là 11,93%. Điều này minh chứng rõ nét thành công của NHNN trong việc nhất quán đẩy lùi tình trạng đôla hóa nền kinh tế.
Tài sản có nước ngoài ròng (NFA) tiếp tục thể hiện xu hướng tăng liên tiếp từ năm 2015 đến nay. Tính đến thời điểm 20/12/2019, NFA đã tăng gần 37,22% so với đầu năm, đóng góp 6,35% vào mức tăng của tổng phương tiện thanh toán M2.
Đây được xem là mức tăng cao kỷ lục, gấp 2 lần mức tăng so với cùng kỳ năm trước. NFA tăng mạnh phần lớn bắt nguồn từ lượng ngoại tệ Ngân hàng Nhà nước mua ròng trong năm 2019 góp phần đưa doanh thu các ngân hàng liên tục lập những kỷ lục mới.
Tài sản có trong nước ròng (NDA) thể hiện xu hướng giảm tốc nhanh và mạnh từ năm 2016 đến nay, đồng thời thấp hơn mức đóng góp của NFA cùng thời điểm. Tính đến ngày 20/12/2019, NDA đã tăng 7,34% so cuối năm trước và đóng góp 6,09 đpt vào mức tăng M2. Diễn biến này phù hợp với chủ trương kiểm soát chặt chẽ dòng vốn đầu tư trong nền kinh tế từ năm 2017 đến nay.
Dịch chuyển
Kết thúc năm 2019, tổng tài sản của hệ thống ngân hàng khoảng 12,5 triệu tỷ đồng, tương đương với 478 tỷ USD. Tốc độ tăng trưởng tổng tài sản bình quân (CARG) giai đoạn 2016-2019 khoảng 12,4%, cao hơn hẳn so với tốc độ tăng trưởng giai đoạn 2011-2015, khi tái cơ cấu hệ thống tổ chức tín dụng giai đoạn 1 (CARG: 9,9%). So sánh với các quốc gia trong khu vực, quy mô hệ thống ngân hàng Việt Nam đã vươn lên đứng thứ 5/10 quốc gia Đông Nam Á, hiệu suất sinh lời cải thiện mạnh.
Số lượng và thứ bậc của các ngân hàng Việt Nam trên các bảng xếp hạng khu vực và thế giới được cải thiện đáng kể. Lần đầu tiên bên cạnh các ngân hàng thương mại Nhà nước là Vietcombank, Vietinbank và BIDV, có thêm 1 ngân hàng thương mại cổ phần là VPBank có mặt trong danh sách 500 thương hiệu ngân hàng giá trị nhất thế giới do Brand Finance công bố.
Thứ tự các ngân hàng có sự cải thiện mạnh, Vietinbank đạt vị trí 242 (năm 2017 là 310), Vietcombank đạt vị trí 325 (năm 2017 là 368) và BIDV ở vị trí 307 (năm 2017 là 351).
Theo đánh giá của tạp chí Asian Banker, Việt Nam có 14 ngân hàng trong nhóm 500 ngân hàng khu vực Châu Á-Thái Bình Dương, thứ bậc của các ngân hàng tiếp tục có sự cải thiện, có 3 ngân hàng nằm trong nhóm 100 ngân hàng mạnh nhất khu vực, tăng thêm 2 ngân hàng so với năm 2017. Đáng chú ý, Vietcombank có bước nhảy mạnh từ vị trí 48 (năm 2017) lên 29, nằm trong nhóm 30 ngân hàng mạnh nhất.
Khách hàng vay vốn, gửi tiền tháo chạy từ ngân hàng thương mại Nhà nước sang tư nhân. |
Thị phần huy động lẫn cho vay chuyển dịch dần từ nhóm ngân hàng thương mại Nhà nước sang nhóm ngân hàng thương mại cổ phần. Khó khăn tăng vốn đáp ứng Basel II đã tác động đáng kể đến việc mở rộng thị phần tín dụng của các ngân hàng thương mại Nhà nước trong thời gian qua, đặc biệt với Vietinbank và Agribank (thị phần giảm khoảng 0,3% so với năm 2015).
Điều đáng nói là những vướng mắc này đã được dự báo trước nhưng việc tháo gỡ diễn ra chậm, trong khi một số ngân hàng thương mại cổ phần đã chủ động nắm bắt cơ hội để đẩy mạnh tăng trưởng và mở rộng thị phần cả tín dụng lẫn huy động.
Advertisement
Advertisement
Đọc tiếp