20/01/2021 20:51
'Kẻ khóc người cười' làm ăn trong dịch COVID-19
Doanh thu của Burberry - thương hiệu thời trang sang trọng của Anh - đã giảm 9% trong 3 tháng cuối năm 2020 do đại dịch COVID-19 khiến nhiều cửa hàng của hãng phải đóng cửa. Burberry cũng cảnh báo nguy cơ lớn hơn trong những tháng tới do các biến thể của virus SARS-CoV-2 lây lan nhanh chóng.
Làn sóng lây nhiễm thứ nhất của dịch COVID-19 hồi năm ngoái đã kéo tụt 45% doanh thu của hãng trước khi phục hồi nhờ nhu cầu đã tăng mạnh trở lại ở Trung Quốc đại lục và Hàn Quốc. Những đợt bùng phát mới hiện đang gây ra những bất trắc mới. Con số giảm 9% nói trên tệ hơn mức giảm 6% trong quý trước đó.
Burberry cảnh báo 15% cửa hàng hiện đang phải đóng cửa và 36% đang hoạt động cầm chừng.Burberry dự báo "hoạt động kinh doanh sẽ tiếp tục bị ảnh hưởng khi chúng ta kết thúc tài khóa". Tuy nhiên, hãng bày tỏ tin tưởng sẽ phục hồi sau khi dịch được kiềm chế vì các nhãn hàng của Burberry vẫn được giới trẻ ưa chuộng và nhu cầu tại Trung Quốc đại lục và Hàn Quốc vẫn lớn.
Doanh số bán hàng trên mạng hằng quý tại hai nước này tăng trưởng hơn 50%, trong khi tại châu Âu, Trung Đông, Ấn Độ và châu Phi, con số này giảm 37%. Tính trên toàn khu vực châu Á - Thái Bình Dương, doanh thu của Burberry tăng trưởng 11%.
Cùng ngày, "đại gia" hóa chất BASF của Đức cho biết dự báo sẽ thua lỗ 191 triệu euro trong năm 2020 do đại dịch COVID-19, song vẫn hy vọng vì đã phục hồi trong quý IV.
Công ty có trụ sở tại Ludwigshafen này cho biết đại dịch đã ảnh hưởng tới nhiều ngành công nghiệp, trong đó BASF là một phần quan trọng trong chuỗi dây truyền cung ứng - từ hàng không đến sản xuất ô tô. Tuy nhiên, mức thua lỗ trong năm 2020 vẫn thấp hơn dự báo của giới chuyên gia.
Tháng 7/2020, BASF thông báo kế hoạch sa thải 2.000 việc làm vào cuối năm 2022 nhằm tiết kiệm 200 triệu euro. Nhưng công ty đang phục hồi trong 3 tháng cuối năm 2020, lợi nhuận đã tăng hơn 60% so với cùng kỳ năm trước, đạt 932 triệu euro.
Các mảng hóa dầu, hóa chất đều tăng nhanh hơn dự báo. Sự đảo chiều đi lên trong ngành sản xuất ô tô và sự phục hồi kinh tế của Trung Quốc hồi cuối năm đã giúp BASF phục hồi trong giai đoạn này.
Trong một diễn biến khác, ngày 20/1, hãng sản xuất vi mạch hàng đầu thế giới ASML của Hà Lan cho biết đã đạt tăng trưởng mạnh trong năm 2020 bất chấp đại dịch COVID-19, nhờ nhu cầu thiết bị dịch vụ mạng tại nhà đã giúp các xưởng sản xuất của hãng duy trì hoạt động.ASML là công ty chuyên sản xuất các hệ thống sử dụng công nghệ bán dẫn để làm các loại chip điện tử dùng cho điện thoại di dộng và xe ô tô, được xem là một "ông lớn" trong ngành công nghệ viễn thông.
ASML cho biết lãi ròng trong năm 2020 tăng 37%, đạt 3,5 tỷ euro, nhờ doanh số bán hàng tăng hơn 18%, đạt 14 tỷ euro.Giám đốc ASML Peter Wennink cho biết: "Đối với ASML, năm 2020 là một năm tăng trưởng mạnh, cả về doanh thu và lợi nhuận".
ASML dự kiến tiếp tục đạt tăng trưởng trong năm nay với doanh thu quý I đạt từ 3,9 - 4,1 tỷ euro.Trong phiên giao dịch sáng nay, cổ phiếu của ASML đã tăng 1,9%, lên mức 448,35 euro.
(Nguồn: TTXVN)
Advertisement
Advertisement
Đọc tiếp