09/04/2021 15:46
JPMorgan: Hai yếu tố sẽ giúp giá dầu tiếp tục tăng
JPMorgan cho biết, có 2 yếu tố có thể giúp giá dầu thô tiếp tục tăng trong năm nay.
Đà tăng của giá dầu đang diễn ra trong bối cảnh triển vọng toàn cầu được cải thiện khi các nền kinh tế lớn thúc đẩy các chiến dịch tiêm chủng vắc xin Covid-19 trên diện rộng.
“Tôi cho rằng giá dầu có thể tăng cao hơn một chút trong môi trường hiện tại, mặc dù không đến mức giá 80 USD hay 90 USD/thùng, nhưng có khả năng giá dầu sẽ tăng thêm 5 USD hoặc 10 USD nữa từ vùng giá hiện tại”, Kerry Craig, chiến lược gia thị trường toàn cầu tại JPMorgan Asset Management nói với CNBC vào thứ Sáu (19/2).
Vào buổi chiều theo giờ giao dịch châu Á ngày thứ Sáu (19/2), giá dầu Brent tương lai chuẩn quốc tế giao dịch ở mức 62,91 USD/thùng. Trong khi đó, giá dầu thô WTI tương lai của Mỹ giao dịch ở mức 59,34 USD/thùng. Theo đó, giá dầu thô tương lai Brent và WTI đều đã tăng hơn 20% trong năm nay.
Chỉ trong tuần này, một cơn bão mùa đông lạnh giá ở miền Nam nước Mỹ đã dẫn đến mất điện trong nhiều ngày ở Texas, tàn phá cơ sở hạ tầng năng lượng và làm mất đi hàng triệu thùng dầu mà mỗi ngày có thể sản xuất.
Mặc dù vậy, giá dầu đã điều chỉnh trong 2 ngày gần đây sau khi tăng lên mức cao nhất trong hơn một năm sau khi các công ty năng lượng của Texas bắt đầu chuẩn bị cho việc khởi động lại các mỏ dầu và khí đốt bị đóng băng do thời tiết băng giá.
Động lực chính khiến giá dầu tăng
Kerry Craig cho biết, có hai yếu tố có thể sẽ thúc đẩy giá dầu trong tương lai.
Thứ nhất, nhu cầu về dầu dự kiến sẽ tăng lên khi nền kinh tế toàn cầu phục hồi sau ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Tuy nhiên, điều đó sẽ bị “hạn chế ở một mức độ nhất định” do khả năng các chuyến du lịch quốc tế quay trở lại sớm là rất thấp. “Du lịch là một nguồn cầu quan trọng”, ông cho biết.
Về phía nguồn cung, "chúng tôi vẫn dựa vào các thành viên OPEC để giữ cho nguồn cung tương đối hạn chế và tôi cho rằng vẫn còn một câu hỏi về lượng cung so với lượng cầu”, ông đánh giá.
OPEC đã tìm cách điều hướng nguồn cung dầu để vượt qua giai đoạn hỗn loạn lịch sử bao gồm sự sụt giảm chưa từng có về giá dầu cũng như cú sốc về nhu cầu nhiên liệu lớn trong bối cảnh đại dịch.
Mối quan hệ giữa Mỹ và Iran
Hôm thứ Năm (18/2), Mỹ cho biết đã sẵn sàng trao đổi với Iran về việc cả hai quốc gia quay trở lại thỏa thuận hạt nhân năm 2015 nhằm ngăn chặn Tehran (thủ đô của Iran) mua vũ khí hạt nhân.
Khi mối quan hệ giữa Mỹ và Iran bớt căng thẳng, điều này có thể làm tăng triển vọng đảo ngược các lệnh trừng phạt do chính quyền Mỹ trước đó áp đặt lên Iran. Tuy nhiên, các nhà phân tích không kỳ vọng các lệnh trừng phạt dầu mỏ Iran sẽ sớm được dỡ bỏ.
Nhà phân tích Kevin Solomon của StoneX cho biết: “Bước đột phá này làm tăng khả năng chúng ta có thể thấy Iran sớm quay trở lại thị trường dầu mỏ, tuy nhiên còn nhiều điều phải thảo luận và một thỏa thuận mới sẽ không phải là bản sao của thỏa thuận hạt nhân năm 2015”.
Chủ đề liên quan
Advertisement
Advertisement
Đọc tiếp