21/10/2021 12:46
JICA đẩy mạnh đầu tư dự án giao thông, hỗ trợ Việt Nam phục hồi kinh tế
JICA sẽ hỗ trợ nâng cao năng lực hạ tầng giao thông bên cạnh sự hỗ trợ về y tế, nguồn nhân lực giúp Việt Nam phục hồi kinh tế hậu Covid-19.
Tăng cường dự án nâng cấp cầu yếu, đường cao tốc
Sáng nay (21/10), Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) tại Việt Nam đã tổ chức họp báo giữa kỳ năm tài khóa 2021.
Ông Shimizu Akira, Trưởng đại diện Văn phòng JICA Việt Nam cho biết, trong tài khóa 2020, (từ 1/4/2020 - 31/3/2021), số tiền cam kết cho vay đối với các dự án tại Việt Nam là 49,9 tỷ yên (khoảng hơn 10.000 tỷ đồng), hợp tác kỹ thuật không hoàn lại là 4,3 tỷ yên (khoảng 874 tỷ đồng) và viện trợ không hoàn lại là 2,1 tỷ yên (khoảng 427 tỷ đồng). Tổng cộng có khoảng 100 dự án lớn nhỏ.
Thời gian tới, ông Shimizu Akira cho biết, gần đây, Chính phủ Việt Nam đã chủ trương cân bằng giữa phòng, chống dịch Covid-19 và phát triển kinh tế. Các hợp tác của JICA cũng sẽ được tiến hành phù hợp với các chủ trương này.
Bên cạnh việc hợp tác hỗ trợ nâng cao năng lực hệ thống y tế để ngăn chặn nguy cơ Covid-19 lây lan diện rộng, phát triển nguồn nhân lực, JICA cũng sẽ triển khai thêm các dự án tăng cường kết nối giao thông giữa các địa phương, cải tạo, xây dựng lại nhiều cây cầu yếu trên các tuyến quốc lộ như cầu trên tuyến đường sắt Bắc Nam, cầu Kẻ Nậm (Nghệ An)...
“Các dự án hoàn thành sẽ giúp tăng cường kết nối Asean, thúc đẩy cung ứng hàng hóa và giúp người dân đi lại thuận tiện hơn. Đồng thời, tạo điều kiện thu hút các dự án đầu tư nước ngoài vào các địa phương.
JICA cũng sẽ tiếp tục thực hiện các dự án hạ tầng giao thông như đường cao tốc ở các khu đô thị vệ tinh, giúp Việt Nam có điều kiện phục hồi kinh tế sau Covid-19 và góp phần cải thiện đời sống cho người dân”, ông Shimizu Akira nói.
Đồng thuận các cấp thực thi nâng cao hiệu quả giải ngân vốn
Trả lời câu hỏi của PV Báo Giao thông về dự án đầu tư xây dựng cầu Đại Ngãi vượt sông Hậu trên địa bàn hai tỉnh Sóc Trăng và Trà Vinh được Thủ tướng Chính phủ Việt Nam phê duyệt quyết định chủ trương đầu tư với tổng mức đầu tư hơn 8.000 tỷ đồng, sử dụng vốn vay ODA của Chính phủ Nhật Bản thông qua JICA nhưng đến nay vẫn có sự chậm trễ, Trưởng đại diện Văn phòng JICA Việt Nam cho biết, đây là dự án giao thông quan trọng tăng cường kết nối khu vực ĐBSCL với các tỉnh phía Nam. Thời gian tới, JICA sẽ tiếp tục nghiên cứu và hỗ trợ thực hiện dự án.
Tuy vậy, lộ trình triển khai các công việc tại dự án này vẫn chưa được đưa ra cụ thể.
Tiếp tục trả lời PV về nguyên nhân khiến việc giải ngân vốn ODA tại Việt Nam còn chậm trễ, ông Shimizu Akira thừa nhận và cho rằng, thủ tục đối với các dự án của JICA tại Việt Nam tương đối phức tạp, đôi khi một điều chỉnh nhỏ cũng cần có sự xem xét, phê duyệt của lãnh đạo cấp cao nên tiến độ giải ngân chưa được đảm bảo. Ngay cả việc sử dụng quỹ dự phòng cũng cần có sự phê duyệt của lãnh đạo cấp cao chứ không sử dụng được ngay trong những trường hợp cần thiết.
Tuy nhiên, thời gian qua, Chính phủ Việt Nam đã xác định những tồn tại hiện có và nỗ lực điều chỉnh một số quy định, nghị định, văn bản quy phạm pháp luật liên quan để cải thiện tình hình này.
“Khi Chính phủ Việt Nam có sự điều chỉnh quy định, điều chúng tôi mong muốn là có được sự đồng thuận ở cấp thực thi để đảm bảo hiệu quả dự án.
Văn phòng JICA Việt Nam cũng sẽ tích cực thảo luận, trao đổi với Chính phủ Việt Nam về các quy định liên quan để có sự thống nhất cao trong triển khai các dự án ”, ông Shimizu Akira khẳng định.
Đại diện Văn phòng JICA Việt Nam cho biết, khoảng 70% các tuyến đường quốc lộ của Việt Nam được đầu tư cải tạo thông qua hợp tác vốn vay ODA Nhật Bản.
Một số dự án xây dựng hạ tầng giao thông sử dụng vốn ODA đã và đang được JICA triển khai, gồm: Dự án Xây dựng đường sắt đô thị TP.HCM (Tuyến số 1: Bến Thành - Suối Tiên); Dự án Đầu tư xây dựng cầu cạn đoạn Mai Dịch - Nam Thăng Long thuộc đường vành đai 3 TP.Hà Nội; Dự án Tín dụng ngành GTVT để cải tạo mạng lưới đường quốc gia lần thứ hai; Dự án Tăng cường năng lực đảm bảo an ninh an toàn trên biển Việt Nam,...
Chủ đề liên quan
Advertisement
Advertisement
Đọc tiếp