Advertisement

Nhận bản tin

Liên hệ quảng cáo

Email: banbientap@baocungcau.net

Hotline: 0917 267 237

icon logo

Quên mật khẩu?

Có tài khoản? Đăng nhập

Vui lòng nhập mật truy cập tài khoản mới khẩu

Thay đổi email khác
icon

IPO Lọc hóa dầu Bình Sơn là sân chơi của các Tập đoàn năng lượng quốc tế

Chứng khoán

06/01/2018 09:21

Các Tập đoàn năng lượng quốc tế đang tính mua lại 49% cổ phần của Công ty Lọc hóa dầu Bình Sơn để đặt chân vào thị trường xăng dầu Việt Nam.

Chiếm 30% thị phần xăng dầu

Ngày 17/1 tới, Công ty TNHH MTVLọc hóa dầu Bình Sơn (BSR) sẽ bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO). BSR là đơn vị duy nhất vận hành Nhà máy lọc dầu Dung Quất, nhà máy lọc dầu đầu tiên tại Việt Nam. Hiện tại, vốn điều lệ BSR là 31.000 tỉ đồng.

Theo Quyết định 1978/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt phương án cổ phần hóa BSR, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam sẽ chỉ nắm giữ 43% vốn điều lệ của BSR (tương đương1.333 triệu cổ phần), cổ phần bán ưu đãi cho người lao động trong doanh nghiệp chiếm 0,21% vốn điều lệ. 

Có 241.556.969 cổ phần sẽ được bán đấu giá công khai, chiếm 7,79% vốn điều lệ. 1.519.244.812 cổ phần bán cho nhà đầu tư chiến lược, chiếm 49% vốn điều lệ. Nhà đầu tư nước ngoài có thể sở hữu tối đa 49% vốn điều lệ theo quy định. 

Năm 2017, BSR chiếm 16% doanh thu toàn PVN. Nộp ngân sách Nhà nước chiếm 10% PVN. Đặc biệt, BSR đóng góp 33% lợi nhuận toàn PVN. 

Công ty Lọc hóa dầu Bình Sơn là đơn vị duy nhất vận hành Nhà máy lọc dầu Dung Quất
Công tyLọc hóa dầu Bình Sơn là đơn vị duy nhất vận hành Nhà máy lọc dầu Dung Quất

Giá khởi điểm chào bán là 14.600 đồng/cổ phiếu. Với mức giá này, số tiền thu được từ đợt cổ phần hóa ước tính là 160 triệu USD. Giá mục tiêu là 14.822-16.260 đồng/cổ phiếu.

9 tháng đầu năm 2017, BSR chiếm 28% thị phần xăng dầu.Lọc hóa dầu Bình Sơn đang bán xăng dầu qua 27 đại lý. Các sản phẩm chính như Gasoline, Diesel D.O thì BSR chiếm thị phần trên 30%. Công suất thiết kế của BSR là 6,5 triệu thùng dầu thô/năm. Nguyên liệu dầu đầu vào chủ yếu đến từ nguồn cung trong nước với 92%.

Tình hình tài chính của Bình Sơn được đánh giá lành mạnh. Doanh thu thuần đạt 54.387 tỉ đồng trong 9 tháng đầu năm 2017. Lợi nhuận đạt 5.430 tỉ đồng, biên lợi nhuận ròng xấp xỉ 10%. Chỉ số thanh toán hiện hành cao là 2,5.

Ông Trần Ngọc Nguyên, Tổng giám đốc Công ty TNHH MTVLọc hóa dầu Bình Sơn cho biết, hiện dự án nâng cấp mở rộng Nhà máy Lọc dầu Dung Quất đã hoàn thành thiết kế kỹ thuật tổng thể, đang chuẩn bị lựa chọn nhà thầu EPC. 

Sau khi dự án hoàn thành vào cuối năm 2021, công suất lọc dầu Dung Quất sẽ tăng từ 6,5 triệu tấn dầu thô/năm hiện nay lên 8,5 triệu tấn dầu thô/năm, đáp ứng tới 60% nhu cầu tiêu thụ xăng dầu trong nước. 

“Với công nghệ của dự án có thể chế biến tới 300 loại dầu thô so với 15 loại như hiện nay. Như vậy, giá sản phẩm Dung Quất sẽ rất cạnh tranh nhờ sử dụng được rộng rãi nguồn dầu thô giá rẻ trong và ngoài nước”, ông Nguyên nói. 

Theo tính toán của BSR, một người lao động trong công ty một năm làm ra trên 50 tỉ đồng doanh thu, trên 5 tỉ đồng lợi nhuận và nộp ngân sách gần 7 tỉ đồng, sản xuất 4.000 tấn sản phẩm.

Tuy nhiên, trong báo cáo phân tích về cơ hội đầu tư vào BSR của Công ty Cổ phần Chứng khoán Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BSC), những rủi ro đối với nhà đầu tư cũng đã được chỉ ra. 

Theo BSC, cạnh tranh sẽ ngày càng gia tăng khi Nhà máy Lọc hoá dầu Nghi Sơn chính thức có sản phẩm thương mại bởi công suất của Nhà máy Lọc hoá dầu Nghi Sơn là 10 triệu tấn dầu thô/năm, tương đương với 50% nhu cầu hiện tại cả nước. Ngoài ra, Lọc dầu Nghi Sơn còn có hợp đồng bao tiêu toàn bộ sản phẩm với Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) trong thời gian dài. 

Thêm vào đó, chi phí đầu tư cho Lọc dầu Dung Quất hoàn thành mở rộng nâng cấp nhà máy lên tới 1,8 tỉ USD thì chi phí khấu hao hàng năm lên tới 4.200 tỉ đồng cũng là con số mà các nhà đầu tư vào Dung Quất cần cân nhắc. 

Một rủi ro khác chính là rủi ro về tỷ giá bởi giá nguyên liệu đầu vào là dầu thô, giá bán sản phẩm đầu ra của BSR đều neo theo tỉ giá USD trong khi kết quả kinh doanh của BSR lại được tính bằng tiền VND. 

Ngoài ra, phân tích của BSC cũng cho thấy việc BSR đầu tư hơn 65%, tương đương với 742 tỉ đồng vào Công ty Cổ phần Nhiên liệu Sinh học Dầu khí miền Trung trong khi công ty này đang trong tình trạng thua lỗ cũng chính là rủi ro mà nhà đầu tư cần cân nhắc kỹ lưỡng. 

Nhà đầu tư ngoại sốt sắng

Với những tiềm năng phát triển dài hạn cũng như cơ hội đặt chân thực sự vào thị trường xăng dầu Việt Nam, nhiều Tập đoàn năng lượng lớn trên thế giới đang muốn sở hữu khối lượng lớn cổ phiếu của BSR. 

Ông Darrell Ec, đại diện Tập đoàn năng lượng Vitol Asian Pte với lịch sử 50 năm phát triển cho biết, hiện Vitol đang quan tâm tới thị trường lọc hoá dầu tại Việt Nam bởi đây là thị trường có tiềm năng phát triển lớn.

Mua được 49% cổ phần của BSR, các Tập đoàn năng lượng quốc tế sẽ thật sự đặt chân vào thị trường xăng dầu Việt Nam.
Mua được 49% cổ phần của BSR, các Tập đoàn năng lượng quốc tế sẽ thật sự đặt chân vào thị trường xăng dầu Việt Nam.

Theo đánh giá của Vitol, Việt Nam sẽ có nhiều nhà máy lọc hoá dầu trong tương lai nhưng với tốc độ tăng trưởng nhu cầu tiêu dùng xăng dầu của Việt Nam ở mức cao như hiện nay thì việc đầu tư vào các nhà máy lọc dầu như Bình Sơn sẽ là cơ hội tốt để các công ty nước ngoài mở rộng phạm vi hoạt động tại thị trường xăng dầu Việt Nam cũng như tham gia sâu vào lĩnh vực dầu khí nhiều tiềm năng. 

“Vì vậy, Vitol Asian Pte mong muốn là nhà đầu tư chiến lược của BSR để có cơ hội thực sự tham gia vào thị trường xăng dầu Việt Nam”, ông Darell nhấn mạnh. 

Cùng quan điểm này, bà Nguyễn Thanh Phượng, đại diện tại Việt Nam của Tập đoàn năng lượng SNT (Hoa Kỳ) cho biết, với kinh nghiệm về lọc dầu, thăm dò khai thác dầu khí và thương mại dầu khí lâu đời trên thế giới, SNT đã cân nhắc giữa cơ hội và rủi ro để quyết định sẽ mua tới 49% cổ phần của BSR. 

Theo bà Phượng, với thực tế hoạt động sản xuất kinh doanh của BSR hiện nay và tiềm năng phát triển dài hạn trong tương lai của BSR sau khi mở rộng nâng cấp Nhà máy Lọc dầu Dung Quất, SNT nhìn thấy cơ hội tốt để tham gia vào những khâu có lợi nhuận tốt nhưng vẫn chưa được khai thác tốt tại BSR. 

“Hiện tại, BSR mới phát triển tốt ở khâu sản phẩm lọc dầu trong khi khâu hoá dầu lại chưa phát triển tương ứng. Vì vậy, lợi nhuận của sản phẩm hoá dầu mới chỉ chiếm tỉ trọng rất nhỏ là 2% trong tổng lợi nhuận của BSR. Số lợi nhuận này hoàn toàn có thể nâng lên mức 30-40% nếu các tập đoàn năng lượng thế giới như SNT trở thành đối tác chiến lược của BSR”, bà Phượng nói.

Cũng theo bà Phượng, nếu mua được 49% cổ phần của BSR thì đây cũng sẽ là cơ hội tăng trưởng lợi nhuận lớn cho SNT bởi việc sở hữu một nhà máy lọc dầu sẽ giúp cho doanh nghiệp thương mại như STN có thể mua được nguồn dầu thô rẻ hơn rất nhiều so với một công ty không sở hữu nhà máy lọc dầu. 

Ngoài ra, với triển vọng tăng trưởng kinh tế ổn định và bền vững của Việt Nam trong những năm tới đây, SNT thực sự muốn đầu tư lâu dài vào lĩnh vực dầu khí và các sản phẩm lọc hoá dầu tại Việt Nam, bà Phượng chia sẻ. 

Lý giải về sự hấp dẫn của cổ phiếu BSR với các nhà đầu tư nước lớn, chuyên gia tài chính Nguyễn Trí Hiếu phân tích, tỉ số lợi nhuận/vốn chủ sở hữu (ROE) của BSR tăng từ 14% năm 2014 lên hơn 21% năm 2017. Chỉ số thanh toán ngắn hạn tức thời của BSR với tỉ lệ 0,7/1 ở năm 2014 đã xuống 0,9/1 trong năm 2016. Hai chỉ số quan trọng này cho thấy BSR đủ tiền mặt để trang trải các chi phí, cùng đó là các tài sản ngắn hạn/nợ ngắn hạn đều ở mức thanh khoản cao.

Báo cáo của Mackenzie cho thấy thị trường xăng dầu của Việt Nam còn nhiều tiềm năng phát triển do tốc độ tăng trưởng kinh tế cao. Tiêu thụ xăng dầu trên đầu người ở Việt Nam vẫn ở mức thấp so với khu vực. Nhu cầu đối với sản phẩm lọc hóa dầu ở Việt Nam sẽ tăng trưởng với mức trung bình 5,6%/năm trong giai đoạn 2015-2025.

NGUYỄN DUY
iconChia sẻ icon Chia sẻ
icon Chia sẻ

Advertisement