23/02/2018 17:17
Indonesia đang tìm mọi cách đưa xe hơi vào Việt Nam
Các nhà sản xuất xe hơi của Indonesia đang phải đối mặt với một tương lai ảm đạm trong xuất khẩu theo quy định của Việt Nam.
Cuối năm 2017, chính phủ Việt Nam đã ban hành Nghị định số 116/2017 / NĐ-CP về sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu và bảo hành xe hơi, một động thái thắt chặt nhập khẩu xe từ ngày 1/1/2018 trở đi. Điều này đã tạo ra một hàng rào đối với các hãng xe có sản phẩm nhập vào Việt Nam, theo nhận định của tờ The Straits Times, Singapore.
Thị trường xe hơi tại Việt Nam đang còn nhiều tiềm năng nhưng không phải dễ dàng cho các nhà sản xuất nước ngoài. Ảnh: The Straits Times |
Theo nghị định này, các nhà nhập khẩu xe tại Việt Nam hiện nay cần phải có giấy chứng nhận Phương tiện kiểu loại (Vehicle Type Approval - VTA) xác nhận chi tiết chất lượng, an toàn và bảo vệ môi trường của xe đến. VTA phải do cơ quan có thẩm quyền của nước xuất khẩu cấp.
Thêm vào đó, một mẫu sẽ được lựa chọn từ mọi lô xe nhập khẩu để kiểm tra phát thải, chất lượng và an toàn kỹ thuật. Việc kiểm tra sẽ được lặp lại trong lô hàng tiếp theo, thậm chí trên cùng một mẫu xe.
Liên quan đến việc này, Tổng thư ký Hiệp hội Các nhà sản xuất ô tô Indonesia (Gaikindo) Kukuh, cho biết "Quy định mới này tạo ra chi phí bổ sung, kiểm tra hoàn toàn có thể mất từ một đến hai tháng, trong khi các xe khác từ lô hàng sẽ phải ở lại cảng và phải trả hàng ngày để lưu kho".
Quy định mới đã khiến Gaikindo gửi Bộ Công nghiệp nước này thư “kêu cứu” vào cuối tháng 1/2018, đại ý rằng bốn nhà sản xuất xe tại Indonesia là Toyota, Suzuki, Daihatsu và Hino đã ngừng sản xuất 9.337 xe,vốn dĩ đã được dự trù sản xuất đế cung cấp vào thị trường Việt Nam.
Vài năm qua, Indonesia đã xuất khoảng 30.000 xe vào Việt Nam mỗi năm, với bốn nhà sản xuất xe nói trên, được xem là các nhà xuất khẩu xe lớn nhất tại nước này.
Cùng liên quan đến Nghị định 116 của Việt Nam, Bộ Công nghiệp Indonesia Airlangga Hartarto cho biết văn phòng của ông đã gửi Bộ Giao thông Vận tải của Việt Nam một thông báo không đồng tình.
Chủ tịch Gaikindo là Jongkie Sugiarto cho biết các nhà sản xuất Indonesia không gặp vấn đề gì trong việc đáp ứng yêu cầu chất lượng của Việt Nam, tuy nhiên, việc kiểm tra mẫu sẽ là một rắc rối. "Việc kiểm tra là rất khó bởi vì nó phải được thực hiện trên mỗi mô hình, trong mỗi chuyến hàng. Nếu (thử nghiệm) không thành công, (Việt Nam) sẽ trả lại lô hàng", ông nói.
Theo số liệu của Cơ quan Thống kê Trung ương Indonesia (BPS), xuất khẩu xe hơi của Indonesia vào Việt Nam từ tháng 1 đến tháng 11/2017 đã đạt 241,2 triệu USD, tăng đáng kể so với mức 17,78 triệu USD năm 2016.
Đại diện bộ Thương mại Indonesia nói rằng, nếu các nhà sản xuất không xuất khẩu được xe vào Việt Nam, Indonesia có thể sẽ mất khoảng 85 triệu USD trong giai đoạn từ tháng 12/2017 đến tháng 3/2018. Người này cũng cho biết, Indonesia đã quyết định cử một phái đoàn tới Việt Nam trong tháng này để bàn thảo những gì liên quan đến xuất nhập khẩu xe hơi vào Việt nam.
Tại Việt Nam, Nghị định 116 được cho là có ý nghĩa nỗ lực để bảo vệ các công ty sản xuất, lắp ráp xe trong nước nhằm phát triển công nghiệp xe hơi. Vingroup, công ty bất động sản lớn nhất của Việt Nam hồi năm 2017 đã đầu tư vào một thương hiệu xe hơi địa phương mang tên Vinfast. Gần đây, công ty đã bổ nhiệm Pininfarina để thiết kế mô hình thiết kế xe hơi Ý. Pininfarina được biết đến với việc thiết kế những chiếc xe cho các thương hiệu cao cấp như Ferrari, Bentley và Maserati.
Advertisement
Advertisement