27/05/2021 08:38
Huawei muốn thương thảo lại với chính quyền Mỹ
Bức thư của Phó chủ tịch Huawei Vincent Peng, đăng trên Nikkei cho thấy tập đoàn này muốn được nối lại quan hệ hợp tác với các công ty Mỹ.
Tháng 5/2019, chính quyền Mỹ đưa Huawei vào danh sách hạn chế. Các doanh nghiệp Mỹ không được bán linh kiện sản xuất smartphone, thiết bị công nghệ cho công ty có tên trong danh sách này.
Một năm sau, Mỹ tiếp tục áp đặt hạn chế khiến TSMC ngừng sản xuất chip cho Huawei. Những quyết định được đưa ra bởi Mỹ xem Huawei là mối đe dọa an ninh quốc gia, liên kết với chính phủ Trung Quốc cho các hoạt động gián điệp, tấn công mạng vào Mỹ.
Hơn 4 tháng sau khi Tổng thống Joe Biden nhậm chức, Phó chủ tịch Huawei Vincent Peng đã có bài viết chia sẻ quan điểm trên Nikkei, nêu ra những tác động của lệnh cấm với nền kinh tế thế giới, ngỏ ý muốn chính quyền Mỹ nối lại hợp tác.
Lệnh cấm từ Mỹ có thể khiến kinh tế toàn cầu suy giảm
Đầu tháng 5, chính quyền ông Biden đã ký lệnh hành pháp nhằm tăng cường khả năng phòng thủ của Mỹ trước các cuộc tấn công mạng. Chính sách được đưa ra sau vụ lây nhiễm phần mềm tống tiền (ransomware) khiến đường ống dẫn nhiên liệu lớn nhất của Mỹ tê liệt trong nhiều ngày, cũng như vụ tấn công thông qua Microsoft Exchange và công ty SolarWinds gây tổn hại cho các cơ quan chính phủ.
Theo Vincent Peng, điều đó có thể mang đến lợi ích cho cả Mỹ và Trung Quốc nếu Mỹ đưa ra cách tiếp cận thực tế hơn với an ninh mạng, chấp nhận sự cạnh tranh từ các công ty nước ngoài thay vì áp đặt chính sách theo chủ nghĩa bảo hộ như hiện nay.
Phó chủ tịch Huawei ngỏ ý muốn nối lại hợp tác với Mỹ sau 2 năm bị liệt vào danh sách hạn chế. Ảnh: Financial Times. |
"Nếu chính quyền ông Biden chấp nhận cạnh tranh, các công ty Mỹ và Trung Quốc có thể tiếp tục con đường vững chắc, giúp củng cố nền kinh tế gắn bó giữa 2 nước trong thập kỷ qua. Tuy nhiên nếu Tổng thống Biden đi theo con đường của ông Trump, chỉ cho phép cạnh tranh phù hợp với mục tiêu chính trị của Mỹ, toàn cầu sẽ rơi vào trạng thái phân mảnh kinh tế và công nghệ", phó chủ tịch Huawei nhận định.
Theo ông Peng, việc tách chuỗi cung ứng của Mỹ khỏi Trung Quốc sẽ ảnh hưởng đến một số công ty như Huawei, đã ghi nhận doanh thu ở nước ngoài sụt giảm trong năm 2020 do lệnh cấm. Tuy nhiên về lâu dài, nó sẽ khiến tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Mỹ giảm 190 tỷ USD, theo tổ chức nghiên cứu The Rhodium Group.
Lệnh cấm còn có thể tác động đến vị thế dẫn đầu của Mỹ trong lĩnh vực bán dẫn và các công nghệ khác, doanh thu thấp hơn buộc các doanh nghiệp cắt giảm chi phí nghiên cứu và phát triển (R&D).
Tuy nhiên, phó chủ tịch Huawei cho rằng thiệt hại không chỉ dành cho Mỹ và Trung Quốc. Theo ước tính của Economist Intelligence Unit, việc tách Trung Quốc khỏi giao thương với các nước thuộc nhóm tình báo Five Eyes - gồm Australia, Canada, New Zealand, Anh và Mỹ - sẽ khiến kinh tế toàn cầu thiệt hại hơn 50.000 tỷ USD.
Lệnh cấm Huawei từ Mỹ có thể ảnh hưởng đến kinh tế thế giới. Ảnh: CGTN. |
"Ngay cả Hội đồng Tình báo Mỹ cũng cảnh báo việc chia tách thế giới thành nhiều khối kinh tế, an ninh sẽ gây 'tổn thất tài chính lớn cho các quốc gia và tập đoàn khi chuỗi cung ứng bị đứt gãy, thị trường thu hẹp và sự suy giảm trong các lĩnh vực từng sinh lời, bao gồm du lịch'", ông Peng cho biết.
"Chúng tôi sẵn sàng thảo luận với Mỹ"
Những lệnh trừng phạt của Mỹ không thực sự dành cho Huawei mà là cả Trung Quốc, đối thủ có khả năng đe dọa vị thế kinh tế và quân sự của Mỹ. Tuy quan hệ Mỹ - Trung có thể chưa bớt căng thẳng, ông Peng nhận định chính quyền Tổng thống Biden đang áp dụng cách tiếp cận đa phương so với người tiền nhiệm, mở ra hy vọng về sự thay đổi chính sách đối với Huawei và các hãng công nghệ có trụ sở ngoài nước Mỹ.
Theo Reuters, Huawei sẽ ra mắt hệ điều hành Harmony phiên bản mới cho smartphone vào ngày 2/6. Đây được coi là bước đi quan trọng để hãng giảm thiệt hại đối với bộ phận kinh doanh smartphone.
Tài liệu nội bộ cũng cho thấy nhà sáng lập Nhậm Chính Phi đã kêu gọi nhân viên tập trung vào phần mềm, định hướng công ty sẽ tự chủ và độc lập hơn nhằm chống lại các lệnh trừng phạt của Mỹ. Dù vậy, Huawei sẵn sàng ngồi lại với Mỹ để bàn bạc, nối lại quan hệ hợp tác vì lợi ích của cả 2.
Phó chủ tịch Huawei khẳng định sẵn sàng thảo luận với Mỹ về bất cứ chủ đề. Ảnh: AP. |
"Chúng tôi hiểu rằng chính quyền Mỹ đang bận rộn đối phó dịch Covid-19 và cố gắng khôi phục nền kinh tế. Nhưng chúng tôi hy vọng đến thời điểm thích hợp, họ sẽ ngồi lại trò chuyện với chúng tôi. Để xoa dịu lo ngại của Mỹ về sản phẩm và công nghệ của Huawei, chúng tôi sẵn sàng chịu sự kiểm soát nghiêm ngặt nhất.
Chúng tôi chấp nhận thảo luận về bất cứ chủ đề, bao gồm thiết lập dây chuyền sản xuất tại Mỹ, cho phép các bên độc lập thử nghiệm thiết bị Huawei, cấp phép công nghệ mạng 5G cho công ty hoặc tổ chức của Mỹ", phó chủ tịch Huawei cho biết thỏa thuận 5G có thể bao gồm mã nguồn phần mềm, thiết kế phần cứng, công nghệ liên quan đến sản xuất, lên kế hoạch và thử nghiệm.
"Chúng tôi hy vọng thay vì gộp nhiều vấn đề khác nhau của Trung Quốc với mục đích thương thảo như người tiền nhiệm, Tổng thống Biden sẽ xem xét độc lập từng vấn đề dựa trên giá trị của chúng... Tương lai tốt đẹp được xây dựng bởi sự hợp tác, không một công ty hay quốc gia có thể làm điều đó một mình. Mỹ và Trung Quốc cần tìm cách cạnh tranh và hợp tác bất chấp sự khác biệt", ông Peng chia sẻ.
Advertisement
Advertisement
Đọc tiếp