19/02/2021 06:29
Huawei chuyển sang chăn nuôi lợn bằng trí tuệ nhân tạo
Huawei cho biết họ đang khởi động một dự án nuôi lợn trí tuệ nhân tạo (AI) trong bối cảnh các lệnh trừng phạt của Mỹ đang diễn ra đã ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh điện thoại thông minh.
Gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc Huawei Technologies Co đã khởi động một dự án nuôi lợn bằng AI, khi công ty đẩy mạnh vào các lĩnh vực tăng trưởng mới trong khi mảng kinh doanh điện thoại thông minh gặp khó khăn dưới các lệnh trừng phạt thương mại liên tục của Mỹ.
Duan Aijun, chủ tịch mảng kinh doanh thị giác máy của Huawei, đã đưa ra thông báo trên trang blog Weibo mà không giải thích chi tiết.
Động thái mới nhất của Huawei - nhà sản xuất thiết bị viễn thông lớn nhất thế giới và nhà cung cấp điện thoại thông minh lớn nhất Trung Quốc, cho thấy công ty đang tiếp tục tìm kiếm các nguồn doanh thu mới sau khi hoạt động kinh doanh điện thoại di động của họ bị tê liệt do các hạn chế thương mại của Mỹ cắt đứt quyền truy cập vào các ứng dụng và dịch vụ của Google.
Trước đó Huawei đã từ bỏ một số bộ phận, chẳng hạn tháng 11/2020, bán thương hiệu điện thoại bình dân Honor cho một liên minh gồm 30 đại lý và môi giới.
Công ty có trụ sở tại Thâm Quyến hiện đang chuyển sang nhiều lĩnh vực tăng trưởng mới, bao gồm dịch vụ đám mây, phương tiện thông minh và thiết bị đeo, cũng như tìm cách nâng cấp các ngành truyền thống như khai thác than và chăn nuôi lợn.
Với một 50% số lợn hơi trên thế giới, Trung Quốc có ngành chăn nuôi lợn lớn nhất thế giới, đang nhanh chóng phát triển từ một loạt doanh nghiệp nhỏ, sân sau thành chăn nuôi quy mô lớn, hiện đại hóa đòi hỏi sự hỗ trợ của công nghệ cao.
JD.com, NetEase và Alibaba Group Holding, chủ sở hữu của tờ South China Morning Post, đều đã tìm cách nâng cấp công nghệ cho ngành chăn nuôi lợn của Trung Quốc.
Người sáng lập kiêm giám đốc điều hành Huawei, ông Ren Zhengfei, tuần trước cũng đã thông báo về việc ra mắt phòng thí nghiệm đổi mới khai thác thông minh ở Taiyuan, thủ phủ của trung tâm than phía bắc của tỉnh Sơn Tây, Trung Quốc.
Trong cuộc họp, ông Ren cho biết công ty đã khởi động chương trình "tự lực sản xuất", được gọi là "Nanniwan", theo đó công ty đang mạo hiểm vào khai thác than, sắt thép và âm nhạc, trong khi mở rộng các danh mục mà công ty đã có các sản phẩm tiêu dùng như TV, máy tính và máy tính bảng.
Dự án “Nanniwan” của Huawei, được hiểu là kế hoạch tự giải cứu sản xuất của Huawei. Sau đó, “Giải pháp Nuôi lợn Thông minh của Huawei” đã được đưa vào chương trình nghị sự.
Nhà sáng lập kiêm Giám đốc điều hành Huawei Ren Zhengfei nói rằng Huawei có thể tồn tại mà không cần dựa vào mảng kinh doanh điện thoại di động của mình.
Ông Ren nói: “Chúng tôi vẫn có thể tồn tại ngay cả khi không dựa vào doanh số bán điện thoại," và nói thêm rằng rất khó có khả năng Mỹ loại bỏ công ty khỏi cái gọi là danh sách thực thể cấm các công ty Mỹ hợp tác với công ty công nghệ Trung Quốc mà không được chấp thuận.
Tham vọng của Huawei trở nên rõ ràng hơn khi công ty mở rộng nhiệm vụ của Richard Yu Chengdong, người đứng đầu nhóm kinh doanh tiêu dùng của công ty, bao gồm các dịch vụ đám mây và trí tuệ nhân tạo (AI) vào tháng trước.
Việc cải tổ lại ban lãnh đạo có thể củng cố các động thái của công ty vào các thị trường tăng trưởng mới.
Công ty cũng tập trung nghiên cứu và phát triển thiết bị đeo tay của mình vào chăm sóc sức khỏe, tiết lộ ba chương trình nghiên cứu sức khỏe vào tháng trước về quản lý tăng huyết áp, nhiệt độ cơ thể và bệnh tim mạch vành.
Trọng tâm mới có thể giúp công ty bắt kịp Xiaomi, nhà cung cấp thiết bị đeo được lớn thứ hai thế giới sau Apple.
Phương tiện thông minh là một danh mục khác trên radar của Huawei.
Gã khổng lồ công nghệ lần đầu tiên xuất hiện trong ngành vào tháng 4/2019, khi công bố kế hoạch trở thành nhà cung cấp cơ sở hạ tầng.
Một tháng sau, công ty chính thức thành lập một đơn vị kinh doanh mới dành riêng cho các giải pháp xe thông minh.
Vào tháng 11/2020, công ty đã sáp nhập mảng kinh doanh xe thông minh vào phân khúc tiêu dùng dưới sự lãnh đạo của Yu, kiến trúc sư của sự vươn lên dẫn đầu về điện thoại thông minh toàn cầu của Huawei trong hai thập kỷ qua.
Advertisement
Advertisement
Đọc tiếp