Advertisement

icon icon img
Nhận bản tin

Liên hệ quảng cáo

Email: banbientap@baocungcau.net

Hotline: 0917 267 237

icon logo

Quên mật khẩu?

Có tài khoản? Đăng nhập

Vui lòng nhập mật truy cập tài khoản mới khẩu

Thay đổi email khác
icon

Hốt bạc nhờ hốt rác cho Samsung Việt Nam

Doanh nghiệp

25/11/2020 19:43

Trong 4 năm gần đây, đối tác xử lý rác thải cho Samsung Việt Nam, Công ty Môi trường Thuận Thành lãi luỹ kế hơn 1.100 tỷ đồng.

Không chỉ các công ty cung cấp linh kiện mới kiếm lãi khủng, nhiều đối tác phục vụ việc sản xuất kinh doanh của Samsung Việt Nam cũng được “hốt bạc”. Từ cung ứng dịch vụ y tế, khám chữa bệnh cho công nhân, cung ứng bao bì, logistics… kể cả “đổ rác” cũng ăn nên làm ra nếu bắt tay với nhà sản xuất đến từ Hàn Quốc. Công ty Cổ phần Môi trường Thuận Thành (Thuận Thành EJS) là một điển hình.

Trúng thầu hàng loạt gói xử lý rác thải

Thuận Thành EJS được thành lập vào ngày 29/4/2009, có trụ sở tại Gia Đông, Thuận Thành, Bắc Ninh. Ngành nghề kinh doanh chính của Thuận Thành EJS là tái chế phế liệu. Ban đầu, công ty này có người đại diện theo pháp luật là ông Vũ Văn Đắc (sinh năm 1966). Vốn điều lệ ban đầu là 15 tỷ đồng do ông Đắc góp 52%, ông Nguyễn Trọng Khánh góp 38% và bà Nguyễn Thị Thoa góp 10%.

Thuận Thành EJS được xem là một trong những
Thuận Thành EJS được xem là một trong những "anh cả" của ngành xử lý rác thải phía Bắc. Ảnh minh hoạ: INET

Đến tháng 4/2013, vốn điều lệ được nâng lên 50 tỷ đồng. Ông Đắc và ông Khánh góp thêm tiền tương ứng để giữ nguyên tỷ lệ góp vốn, trong khi bà Thoa chỉ góp thêm 500 triệu để có 4%. Cổ đông mới tham gia thời điểm này là ông Đặng Trần Anh với 3 tỷ đồng, chiếm 6%.

Tháng 5/2014, vốn điều lệ của Thuận Thành EJS được nâng lên 80 tỷ đồng. Tất cả 4 cổ đông đều đồng thuận góp thêm tiền để giữ nguyên lượng sở hữu như cũ. Đến tháng 1/2015, cổ đông lẻ thoái sạch vốn, 3 cổ đông sáng lập tiếp tục bơm tiền vào khoảng trống.

Tháng 6/2016, Thuận Thành EJS lần thứ 4 tăng vốn điều lệ, lần này tăng lên tới 200 tỷ đồng. Lúc bấy giờ, tỷ lệ nắm giữ của các cổ đông là ông Đắc 55%, ông Khánh 40% và bà Thoa 5%. Gần đây, tháng 4/2020, ông Vũ Văn Đắc rời ghê tổng giám đốc và người đại diện pháp luật. 2 vị trí này được giao lại cho ông là Vũ Mạnh Tiến (sinh năm 1979).

Thuận Thành là đối tác xử lý rác thải của Samsung Việt Nam. Ảnh: Nhịp Sống Kinh Tế
Thuận Thành là đối tác xử lý rác thải của Samsung Việt Nam. Ảnh: Nhịp Sống Kinh Tế

Thuận Thành EJS được biết đến là đối tác xử lý rác thải cho Samsung Việt Nam. Ngoài ra, công ty này còn kiếm tiền ở nhiều địa phương khác khi là bên thực hiện nhiều gói thầu xử lý rác thải. Có thể kể đến như: Dịch vụ vận chuyển và xử lý rác thải y tế năm 2020 tại Bệnh viện Phụ Sản Hà Nội (giá trúng thầu 2,6 tỷ đồng); Cung cấp dịch vụ thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải y tế nguy hại tại Bênh viện Bưu điện (giá trúng thầu 1,51 tỷ đồng); Thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải nguy hại năm 2019 tại dự án của Công ty Nhiệt điện Mông Dương (giá trúng thầu 749 triệu đồng),…

Hốt rác cho Samsung, Thuận Thành EJS hốt bạc

Nói Thuận Thành EJS nhờ Samsung mà “đổi đời” là sai vì chính bản thân công ty này vốn đã có danh tiếng không hề nhỏ. Theo Báo Nhân dân, trong số các công ty xử lý rác thải công nghiệp ở phía Bắc, Công ty Môi trường Thuận Thành là một trong số các doanh nghiệp lớn nhất. Sớm tham gia lĩnh vực vẫn được coi là non trẻ này từ năm 2009, công ty này được xem như "anh cả”.

Tuy vậy, nói Samsung giúp Thuận Thành EJS “lớn nhanh như Thánh Gióng” lại chẳng sai. Những năm gần đây, công ty của doanh nhân Vũ Văn Đắc là đối rác lớn giúp Samsung giải quyết vấn đề xử lý rác thải ở hai khu công nghiệp tại Bắc Ninh và Thái Nguyên.

Theo số liệu công bố mới đây từ Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bắc Ninh, trung bình mỗi ngày trên địa bàn tỉnh phát sinh khoảng 900 tấn chất thải sinh hoạt. Trong đó, nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt của Công ty Môi trường Thuận Thành xử lý 100 - 105 tấn rác. 

Hốt rác giúp công ty này hốt bạc. Năm 2016, doanh thu Thuận Thành EJS đạt 1.052 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 406 tỷ đồng. Đến năm 2017, doanh thu tăng lên hơn 1.200 tỷ nhưng lợi nhuận lại giảm xuống còn 379 tỷ đồng. Tuy vậy, ở giai đoạn này, Thuận Thành EJS vẫn “kếch xù” khi làm 10 đồng, lãi tận 3-4 đồng. Đây là biên lợi nhuận ròng vượt trội so với nhiều ngành nghề.

Hai năm tiếp theo, công ty này ghi nhận hơn 1.500 tỷ đồng doanh thu nhưng các chi phí trực tiếp (chủ yếu là giá vốn) tăng vọt dẫn đến lợi nhuận của năm 2018 và 2019 giảm đáng kể xuống còn 152 tỷ và 168 tỷ đồng, tương ứng tỷ suất lợi nhuận chỉ còn khoảng hơn 10%.

Dẫu vậy, lũy kế trong 4 năm gần nhất, Thuận Thành EJS đạt tổng cộng 1.104 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế. Đáng nói, doanh thu và lợi nhuận của Công ty Môi trường Thuận Thành thật sự ấn tượng nếu so với các doanh nghiệp đầu ngành trong lĩnh vực xử lý rác như Công ty TNHH MTV Môi trường Đô thị TP.HCM, Công ty TNHH MTV Môi trường Đô thị Hà Nội, CTCP Đầu tư phát triển Tâm Sinh Nghĩa.

Ông Vũ Văn Đắc muốn xử lý cho thủ đô?

Bên cạnh Thuận Thành, doanh nhân Vũ Văn Đắc cũng sở hữu Công ty TNHH Môi trường Ngôi Sao Xanh. Doanh nghiệp này là chủ dự án đầu tư xây dựng Khu liên hợp xử lý chất thải công nghiệp, chất thải rắn sinh hoạt phát điện (chỉ thực hiện xử lý chất thải rắn sinh hoạt trong phạm vi thu gom rác thải trên địa bàn thành phố Bắc Ninh và huyện Quế Võ).

Được biết, Ngôi Sao Xanh ra đời vào năm 2017, là đứa con chung của Công ty Thuận Thành (sở hữu 87,5%) và Công ty Cổ phần Môi trường và Công trình đô thị Bắc Ninh. Chính Thuận Thành vào năm 2016 đã là nhà đầu tư chiến lược của Môi trường và Công trình đô thị Bắc Ninh và hiện nắm 24,57% cổ phần tại đây.

Thời gian trước, Ngôi Sao Xanh và Thuận Thành từng vướng lùm xùm về nghi vấn các xe vận chuyển rác thải của hai công ty trên di chuyển ra khu vực giáp ranh giữa phường Vân Dương, phường Đại Phúc, thành phố Bắc Ninh rồi đổ xuống kênh tiêu thủy lợi sông Ngũ Huyện Khê, thành phố Bắc Ninh sau đó chảy ra sông Cầu. Tuy nhiên, thông tin trên được phía Môi trường Thuận Thành bác bỏ.

Ông Vũ Mạnh Tiến, Tổng Giám đốc Thuận Thành EJS khẳng định: “Công ty có đủ năng lực trong vấn đề xử lý chất thải và được Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp phép. Hiện nay, 100% các xe chuyên dụng của công ty được lắp GPS và kết nối trực tuyến đến các cơ quan giám sát của Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bắc Ninh theo dõi đi đúng lộ trình thu gom theo quy định. Bởi vậy, các xe chở chất thải của công ty đều được giám sát chặt chẽ”.

Thuận Thành EJS khẳng định có đủ năng lực trong vấn đề xử lý chất thải. Ảnh: Thuận Thành EJS
Thuận Thành EJS khẳng định có đủ năng lực trong vấn đề xử lý chất thải. Ảnh: Thuận Thành EJS

Gần đây, Thuận Thành cùng đối tác Nhật Bản JFE Engineering Corporation đã được UBND tỉnh Bắc Ninh phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án Đầu tư xây dựng Nhà máy xử lý chất thải rắn sinh hoạt công nghệ cao phát năng lượng.

Tổng vốn đầu tư dự án là 1.348 tỷ đồng với diện tích 4,8 ha, dự kiến hoàn thành và đi vào hoạt động từ quý IV/2023. Công suất xử lý chất thải rắn của nhà máy tối đa là 500 tấn/ngày đêm; công suất phát điện từ 11 đến 13 MW (có thể vượt tải 10%).

Không bành trướng hoạt động kinh doanh ở quê nhà Bắc Ninh, doanh nhân Vũ Văn Đắc còn muốn tham gia vào lĩnh vực xử lý rác ở thủ đô. Thông qua Môi trường Ngôi Sao Xanh, ông sở hữu 26,45% cổ phần Công ty Cổ phần Môi trường đô thị Gia Lâm và 14% cổ phần Công ty Cổ phần Môi trường đô thị Sóc Sơn.

TẤT ĐẠT
iconChia sẻ icon Chia sẻ
icon Chia sẻ

Advertisement