24/10/2020 13:26
HoREA: Tầng lánh nạn phòng cháy làm tăng giá bán căn hộ
Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) cho rằng, không nên tính tầng lánh nạn vào tổng diện tích sàn xây dựng khi tính hệ số sử dụng đất.
HoREA vừa có công văn gửi Thủ tướng Chính phủ, Bộ Xây dựng và UBND thành phố, đề nghị bổ sung các quy định chi tiết về tầng lánh nạn tại các tòa nhà cao tầng để đảm bảo tính khả thi và phù hợp.
Theo Hiệp hội, Nhà nước rất quan tâm đến công tác đảm bảo an toàn phòng cháy, chữa cháy, trước hết là ưu tiên công tác cứu hộ và cứu nạn. Luật Phòng cháy chữa cháy (PCCC) và nhiều quy định về an toàn phòng cháy, chữa cháy cứu hộ và cứu nạn, đặc biệt là đối với các tòa nhà cao tầng, đã được ban hành.
Các đô thị lớn rất dễ xảy ra tình trạng cháy chung cư. Ảnh: YouTube/Sen Vàng |
Luật PCCC quy định: “Công trình cao tầng phải có giải pháp chống cháy lan, chống tụ khói, lan truyền khói và hơi độc do cháy sinh ra; bảo đảm các điều kiện thoát nạn an toàn nhằm cứu người, tài sản khi có cháy xảy ra; trang bị hệ thống tự động phát hiện cháy, trang bị phương tiện, hệ thống chữa cháy bảo đảm khả năng tự chữa cháy; sử dụng vật liệu xây dựng khó cháy; không sử dụng vật liệu trang trí nội thất, vật liệu cách âm, cách nhiệt dễ cháy”.
Còn Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nhà chung cư ban hành kèm theo Thông tư 21/2019/TT-BXD có nêu, đối với nhà có chiều cao 100-150m cần phải bố trí tầng lánh nạn, gian lánh nạn. Quy chuẩn yêu cầu, tầng lánh nạn cách nhau không quá 20 tầng, không cho phép bố trí các căn hộ hoặc một phần căn hộ, văn phòng trên tầng lánh nạn và không cho phép bố trí các hoạt động thương mại trên tầng lánh nạn. Chủ đầu tư có thểsử dụng tầng kỹ thuật hoặc một phần tầng kỹ thuật làm gian lánh nạn.
Ngoài ra, còn nhiều văn bản khác quy định về tiêu chuẩn PCCC. Tuy nhiên, ông Lê Hoàng Châu cho rằng, vẫn còn nhiều bất cập trong các văn bản quy phạm pháp luật.
Thang chữa cháy khó thể tiếp cận các toà nhà cao tầng. Ảnh: PCCC Đà Nẵng |
Cụ thể, HOREA thống kê được ngày càng có nhiều tòa nhà cao trên 150m như Landmark 81 cao hơn 461m, Kaengnam Landmark 72 cao 336m, Lotte Center Hà Nội cao 272m,… Hiệp hội đề nghị Bộ Xây dựng chủ trì phối hợp với Bộ Công an và Bộ Khoa học Công nghệ nghiên cứu các quy chuẩn, tiêu chuẩn quốc tế và kinh nghiệm các nước về phòng cháy chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ đối với nhà cao tầng có chiều cao trên 150m, để bổ sung Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn cháy cho nhà và công trình.
Bên cạnh đó, ông Châu nhận thấy quy định “tầng lánh nạn cách nhau không quá 20 tầng” đối với nhà có chiều cao 100-150m là bất cập. Theo HoREA, tòa nhà có chiều cao 100-150m thường có khoảng 30-50 tầng. Nếu đúng quy định “tầng lánh nạn cách nhau không quá 20 tầng”, thì tòa nhà phải có 1 hoặc 2 tầng lánh nạn, tùy theo chiều cao tòa nhà.
HoREA đề nghị sửa đổi, bổ sung điểm a Khoản 2.9.4 Mục 2 Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nhà chung cư như sau: “Nhà có 30-40 tầng bố trí 1 tầng lánh nạn; Nhà có 41-50 tầng bố trí 2 tầng lánh nạn”.
Nếu tính diện tầng lánh nạn vàohệ số sử dụng đất có thể làm tăng giá căn hộ chung cư. Ảnh: Tin Nhanh Chứng Khoán |
Ngoài ra, việc tầng lánh nạn không được bố trí căn hộ, văn phòng, hoặc diện tích kinh doanh thương mại, sẽ dẫn đến làm tăng chi phí đầu tư, giảm số lượng căn hộ hoặc giảm diện tích kinh doanh, giảm “quy mô dân số” của dự án. Từ đó, dẫn đến làm tăng giá bán căn hộ và làm tăng giá bán các diện tích kinh doanh khác, mà người tiêu dùng và nhà đầu tư thứ cấp phải gánh chịu khi mua nhà và diện tích kinh doanh của dự án.
“Để giảm bớt thiệt hại cho chủ đầu tư dự án và người mua căn hộ nhà chung cư cao tầng, Hiệp hội nhận thấy, không nên tính diện tích sàn tầng lánh nạn vào tổng diện tích sàn xây dựng của dự án khi tính hệ số sử dụng đất và nên cộng thêm chiều cao tầng lánh nạn vào chiều cao tối đa của công trình thì hợp lý hơn”, ông Châu đề xuất.
Chủ đề liên quan
Advertisement
Advertisement
Đọc tiếp