10/10/2017 11:00
HoREA muốn sửa Luật Đất đai để giao đất 99 năm cho các đặc khu kinh tế
HoREA kiến nghị cần bổ sung Điều 151 Luật Đất đai 2013 để điều chỉnh quy định sử dụng đất đối với đặc khu kinh tế là 99 năm để phù hợp với tình hình phát triển mới hiện nay.
Ngày 9/10, Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) đã có văn bản góp ý một số nội dungkhi sửa đổi, bổ sung Luật Đất đai 2013 để thực hiện Nghị quyết TW6 khóa XI về đổi mới chính sách pháp luật đất đai.
Bản kiến nghị của HoREA với trọng tâm là việc giao đất cho các đặc khu kinh tế. Hiện nay, Nhà nước đang chỉ đạo thành lập các đặc khu kinh tế với môi trường đầu tư và kinh doanh đặc biệt thuận lợi cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước, dự kiến sẽ giao quyền sử dụng đất có thời hạn tối đa đến 99 năm.
Tuy nhiên, điều này chưa được quy định trong Luật Đất đai 2013. Do vậy, HoREA kiến nghị sửa đổi, bổ sung Điều 151 Luật Đất đai 2013 để điều chỉnh quy định sử dụng đất đối với đặc khu kinh tế để phù hợp với tình hình phát triển mới hiện nay.
Ngoài ra, HoREA cũng đề xuất đất sử dụng cho du lịch cũng là một loại hình của đất phi nông nghiệp vào chương X Luật Đất đai 2013 để quản lý thống nhất, tạo điều kiện phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn.
“Đất sử dụng cho du lịch chỉ được sử dụng cho mục đích phục vụ du lịch nghỉ dưỡng mà thôi, không được biến tướng thành khu nhà ở của các hộ gia đình để tránh làm quá tải hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội của khu vực”, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoREA nói.
Không ủng hộ việc hình thành nhà ở cho các hộ gia đình nhưng HoREA muốn cho phép người mua sản phẩmcondotel trong các dự án du lịch nghỉ dưỡng được cấp Giấy chứng nhận quyền sở hữu và quyền sử dụng đất ổn định lâu dài, tương tự như quy định tại khoản 3 điều 126 Luật Đất đai 2013 đã cho phép người mua nhà ở trong các dự án nhà ở thì được cấp Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất.
Vế tài chính đất đai, HoREA cho rằng đây là vấn đề rất lớn trong pháp luật đất đai, cần phải được xem xét giải quyết tổng thể, trước hết là tiền sử dụng đất đối với các dự án nhà ở. Tiền thuê đất đối với đất phi nông nghiệp trong đó có đất được quy hoạch phát triển các khu thương mại, dịch vụ, các khu du lịch, dự án condotel để đảm bảo mức thu hợp lý và không bị thất thoát nguồn thu ngân sách Nhà nước.
HoREA cũng kiến nghị cho phép chủ đầu tư được chuyển nhượng toàn bộ hoặc một phần dự án kể từ thời điểm sau khi đã hoàn thành giải phóng mặt bằng dự án. Hiện tại, chuyển nhượng dự án bất động sản cũng là một điểm nghẽn của thị trường bất động sản nhưng chưa có giải pháp hợp lý và hiệu quả để xử lý triệt để vấn đề này.
“Việc chuyển nhượng dự án là hoạt động giữa các nhà đầu tư với nhau, chưa phải là bán nhà ở cho người mua nhà. Nếu bên chuyển nhượng chưa hoàn tất các thủ tục đầu tư, xây dựng thì bên nhận chuyển nhượng dự án sẽ tiếp tục thực hiện hoàn tất các công việc này”, ông Châu nói
Đo đó, HoREA kiến nghị sửa đổi khoản (1.b) Điều 194 Luật Đất đai và sửa đối khoản 2 Điều 49 Luật Kinh doanh bất động sản để cho phép chủ đầu tư được quyền chuyển nhượng toàn bộ hoặc một phần dự án kể từ thời điểmđã hoàn thành giải phóng mặt bằng. Coi chuyển nhượng dự án, một phần dự án là hoạt động bình thường trong quá trình đầu tư kinh doanh theo nhu cầu của các doanh nghiệp.
Ông Lê Hoàng Châu cho biết thêm, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng, có hiệu lực từ ngày 15/8. Trong đó có cơ chế xử lý tài sản bảo đảm là dự án bất động sản chưa có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. HoREA cho rằng, phải sửa đổi Luật Đất đai và Luật Kinh doanh bất động sản về chuyển nhượng dự án bất động sản theo cơ chế đã được xác lập tại Nghị quyết này.
Advertisement
Advertisement
Đọc tiếp