10/08/2017 09:53
HoREA đề xuất 9 giải pháp về đánh thuế với bất động sản
Việc ban hành Luật thuế tài sản chỉ thực sự hợp lý khi đồng thời sửa đổi chính sách và cơ chế thu tiền sử dụng đất theo quy định của Luật Đất đai hiện nay đang rất bất cập.
Sáng ngày 10/8, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) cho biết, vừa gửi kiến nghị lên Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính, Bộ Xây dựng… để góp ý xây dựng Luật Thuế tài sản.
Theo HoREA, Luật Thuế sử dụng đất phi nông nghiệp có hiệu lực từ đầu năm 2012 đã quy định các loại đất phi nông nghiệp. Trong đó có đất ở tại đô thị là đối tượng chịu thuế, áp dụng thuế suất 0,03% trên bảng giá đất đối với diện tích đất ở trong hạn mức.
Áp dụng thuế suất 0,07% đối với phần diện tích đất ở vượt không quá ba lần hạn mức và áp dụng thuế suất 0,15% đối với phần diện tích đất ở vượt trên ba lần hạn mức. Giá đất tính thuế được tính theo bảng giá đất của thành phố lại chỉ bằng khoảng 30-40% giá đất thực tế trên thị trường nên mức thuế phải nộp rất thấp dẫn đến nguồn thu ngân sách cũng rất thấp, chỉ chiếm 0,03% GDP và 0,15% tổng thu ngân sách Nhà nước.
Chẳng hạn, căn nhà 100m2 ở đường Đồng Khởi, quận 1 có giá 194 triệu đồng/m2 theo bảng giá đất, giá tính thuế là 194 triệu x 100m2 = 19,4 tỉ đồng. Mức thuế mà người sử dụng đất ở phải nộp hàng năm là 19,4 tỉ đồng x 0,03% = 5,82 triệu đồng/năm. Ở nước ta cho đến nay chưa đánh thuế tài sản nhà ở.
Bên cạnh chức năng tạo nguồn thu ngân sách Nhà nước, thuế còn là công cụ điều tiết nền kinh tế và điều tiết hành vi sản xuất, đầu tư kinh doanh. Tuy nhiên, việc ban hành Luật thuế tài sản chỉ thực sự hợp lý khi đồng thời sửa đổi chính sách và cơ chế thu tiền sử dụng đất theo quy định của Luật Đất đai hiện nay đang rất bất cập.
“Tiền sử dụng đất không phải là một sắc thuế, cũng không phải là phí nhưng thực sự là một khoản thu lớn trong ngân sách của địa phương, là gánh nặng của doanh nghiệp và người mua nhà, không minh bạch, tạo ra cơ chế xin cho”, ông Châu nói.
Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM cho biết thêm, tiền sử dụng đất chiếm tỷ trọng lớn trong giá thành nhà ở. Cụ thể, tiền sử dụng đất chiếm khoảng 10% đối với nhà chung cư, 30% đối với nhà phố, 50% đối với biệt thự.
Do đó, nếu ban hành Luật thuế tài sản mà không sửa đổi chính sách và cơ chế thu tiền sử dụng đất thì sẽ không hợp lý. HoREA đề nghị thay đổi cách tính tiền sử dụng đất hiện nay, cần chuyển đổi thành sắc thuế sử dụng đất khi Nhà nước giao đất hoặc cho phép chuyển mục đích sử dụng đất.
Việc áp dụng thuế sử dụng đất khi Nhà nước giao đất hoặc cho phép chuyển mục đích sử dụng đất trong những năm đầu sẽ có tác động làm giảm nguồn thu tiền sử dụng đất thuộc ngân sách cấp tỉnh nhưng sẽ giúp cho doanh nghiệp và người tiêu dùng giảm gánh nặng tiền sử dụng đất, giúp làm giảm giá thành nhà ở, doanh nghiệp có thể tiên lượng chi phí thuế sử dụng đất khi đầu tư dự án.
Từ đó, HoREA đề xuất 9 giải pháp để xây dựng Luật Thuế tài sản.
Một là, không thu thuế này đối với nhà ở xã hội, nhà cấp 4 trở xuống ở nông thôn. Trước mắt không thu thuế này đối với nhà ở tái định cư, nhà ở thương mại có giá trị dưới 1 tỉ đồng.
Hai là, không thu thuế này đối với các hộ gia đình nghèo dù đã có một căn nhà nhưng đang ở chật chội nay mua thêm nhà thứ 2, thứ 3 nhưng tổng diện tích các căn hộ nhỏ này không vượt quá 77m2.
Ba là, trong giai đoạn đầu nên áp dụng mức thuế suất vừa phải, phù hợp với sức dân.
Bốn là, đối với người có từ căn nhà thứ 2 trở đi thì áp dụng thuế suất bậc thang tùy theo số lượng và giá trị tài sản.
Năm là, trong trường hợp xuất hiện nguy cơ thị trường bất động sản sốt bong bóng, đề nghị Quốc hội giao cho Chính phủ thẩm quyền ban hành thuế suất chống đầu cơ, đánh thuế cao đối với trường hợp chuyển nhượng nhà, đất ngay sau khi mua để giúp ổn định nhanh thị trường bất động sản.
Sáu là, về lộ trình ban hành Luật Thuế tài sản, HoREA đề nghị Bộ Tài chính vẫn thực hiện lộ trình ban hành Luật này trước năm 2020 như đã dự kiến trước đây.
Bảy là, ban hành sắc thuế sử dụng đất khi Nhà nước giao đất hoặc cho phép chuyển mục đích sử dụng đất thay thế chính sách và cơ chế thu tiền sử dụng đất hiện nay để đảm bảo tính đồng bộ và sự thống nhất của pháp luật.
Tám là, cần hoàn thành nhanh việc cấp sổ đỏ cho các bất động sản nhà, đất.
Chín là, cần xây dựng, hoàn thiện hệ thống cơ sở dữ liệu nhà, đất quốc gia, liên thông các ngành, các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và được cập nhật theo thời gian thực. Đặc biệt cần phải hoàn thành thật nhanh, thật chuẩn xác việc cấp thẻ căn cước công dân. Xác định mã số định danh cá nhân, để biết rõ người đang sở hữu nhà ở, sử dụng đất ở.
Advertisement
Advertisement
Đọc tiếp