30/10/2018 11:25
Họp Quốc hội ngày 30/10: Các đại biểu quan tâm đến vấn đề phòng, chống tham nhũng
Sáng nay (30/10) các đại biểu Quốc hội đã đặt câu hỏi chất vấn nhiều vấn đề liên quan đến việc phòng, chống tham nhũng.
Cụ thể, liên quan đến vấn đề phòng, chống tham nhũng, đại biểu Trần Văn Mão chất vấn Tổng thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái về công tác phòng, chống tham nhũng. Dẫn báo cáo thẩm tra của Uỷ ban Tư pháp cho rằng, bên cạnh tham nhũng vặt thì tham nhũng tại các doanh nghiệp sân sau, nhóm lợi ích đang gây bức xúc, ông Mão nêu câu hỏi: "Giải pháp của Thanh tra Chính phủ là gì để đẩy lùi bức xúc này?",
Ông Lê Minh Khái khẳng định với kết quả đạt được thời gian qua thì tham nhũng đã được ngăn chặn, đẩy lùi, chiều hướng thuyên giảm; tuy nhiên tình hình vẫn diễn biến phức tạp do vậy các cơ quan chức năng tiếp tục xem đây là trọng tâm, tập trung đẩy mạnh các giải pháp phòng chống.
Đại biểu Trần Văn Mão cho rằng Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái chưa trả lời "trúng" câu hỏi ông đặt ra. Ảnh: Dân trí |
Về giải pháp, ông Lê Minh Khái đề cập đến việc tuyên truyền để người dân nắm vững pháp luật; sửa đổi, bổ sung Luật phòng, chống tham nhũng với nhiều giải pháp về phòng ngừa, về xử lý việc kê khai tài sản không đúng...
Cũng liên quan đến vấn đề này, Trưởng ban Dân nguyện của Quốc hội, bà Nguyễn Thanh Hải cho hay, từ đầu nhiệm kỳ đến nay, công tác giải quyết khiếu nại đã có một số kết quả nổi bật, đặc biệt là trong giải quyết kiến nghị của cử tri về thanh tra, xử lý vi phạm; phòng, chống tham nhũng. Một số vụ việc đặc biệt nghiêm trọng đã được xử lý như vụ AVG, vi phạm đất đai ở Đà Nẵng, cảng Quy Nhơn, Khu đô thị Thủ Thiêm, vụ đánh bạc trên Internet...
Tuy nhiên, theo bà Hải, chống “tham nhũng vặt” còn chưa thực sự hiệu quả. Cử tri đánh giá cao kết quả đạt được trong phòng chống tham nhũng, đặc biệt là công tác thu hồi tài sản tham nhũng trong các vụ án lớn, tuy nhiên hiện tượng đòi “hối lộ”, “lót tay”, “phong bì” mà người dân phải đối diện hàng ngày khi thực hiện một số thủ tục hành chính ngày càng có những biểu hiện tinh vi, biến tướng, gây bức xúc trong dư luận, ảnh hưởng đến lối sống, đạo đức xã hội, nhưng chậm được phát hiện, xử lý qua thanh tra kiểm tra của cơ quan nhà nước.
Vì vậy, Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ tổ chức Hội nghị toàn quốc về Công tác giải quyết kiến nghị cử tri xem xét, đánh giá toàn diện công tác này. Ngoài ra, bên cạnh việc xử lý các vụ tham nhũng lớn, cần quan tâm và có giải pháp hiệu quả, quyết liệt hơn nữa trong chống “tham nhũng vặt”, coi đây là một nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới.
Về vấn đề giải quyết khiếu tố, khiếu nại, đại biểu Ngọ Duy Hiểu nêu chất vấn về việc tiếp công dân và giải quyết khiếu nại tố cáo. Trả lời, ông Lê Minh Khái cho biết, thời gian qua Chính phủ đã chỉ đạo các bộ ngành, địa phương tập trung làm tốt các công việc liên quan đến lĩnh vực này; đến nay tuy số đơn khiếu nại tăng, nhưng đoàn khiếu nại đông người năm 2018 không tăng so với năm 2017.
Thanh tra Chính phủ đã tham mưu đề xuất nhiều giải pháp để cải thiện tình hình, trong đó có việc tuyên truyền, phổ biến, hoàn thiện pháp luật về tiếp công dân; phối hợp với các đơn vị để tiếp công dân và giải quyết khiếu nại tố cáo.
"Giải pháp đột phá là phải giải quyết dứt điểm từ cơ sở", ông Khái nói và cho biết theo quy định thì giải quyết lần 1, lần 2 là hết thẩm quyền, người dân có thể kiện ra toà hành chính, "nhưng hiện giải quyết lần 2 rồi người dân ngại ra toà mà tổ chức khiếu nại vượt cấp".
"Chúng tôi đã ban hành kế hoạch trong đó phân cấp rõ giữa trung ương và địa phương, nếu được Thủ tướng chấp nhận thì việc giải quyết khiếu nại tố cao thời gian tới sẽ có hiệu quả hơn", ông Khái nhấn mạnh.
Báo cáo trước Quốc hội, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao Lê Minh Trí cho hay, kết quả giải quyết án về tham nhũng, kinh tế chuyển biến tích cực; số vụ án được phát hiện, khởi tố tiếp tục tăng, trong đó có nhiều vụ án đặc biệt nghiêm trọng.
"Việc xử lý nghiêm minh, triệt để hơn theo đúng quan điểm chỉ đạo của Đảng không có vùng cấm, không có ngoại lệ", ông Trí nêu.
Theo ông Trí, vai trò, trách nhiệm công tố của Viện kiểm sát được thể hiện rõ hơn, nhất là việc áp dụng các biện pháp tố tụng trong đấu tranh làm rõ hành vi, xác định tội danh, thu hồi tài sản, do đó, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ và hiệu quả hơn trong đấu tranh xử lý tội phạm về tham nhũng, kinh tế.
Viện kiểm sát đã tập trung chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ giải quyết các vụ án tham nhũng, kinh tế lớn; trong thời gian ngắn, đã kết thúc điều tra, truy tố, đưa ra xét xử nghiêm minh các vụ án tham nhũng, kinh tế do Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng theo dõi, chỉ đạo như: vụ Phạm Công Danh, vụ Trịnh Xuân Thanh, vụ Đinh La Thăng; việc xử lý các vụ án xảy ra tại: Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN); Tổng Công ty Xây lắp dầu khí Việt Nam (PVC); một số Ngân hàng Thương mại cổ phần Việt Nam...
"Kết quả giải quyết các vụ án được dư luận đồng tình ủng hộ, tạo hiệu ứng tích cực trong xã hội, củng cố thêm niềm tin của nhân dân vào công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng của Đảng, Nhà nước", Viện trưởng Lê Minh Trí nói.
Advertisement
Advertisement
Đọc tiếp