17/09/2020 13:03
Hơn một nửa lao động nữ mất việc, ‘vết sẹo’ lớn cho kinh tế Mỹ
Phụ nữ và lao động cao tuổi là nhóm bị ảnh hưởng hơn cả trong dịch COVID-19 ở Mỹ, để lại “vết sẹo” lớn cho nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Judith Ramirez vừa nhận được lá thư khiến cô rất kinh hãi. Khách sạn Honolulu, nơi cô làm việc, từng cho cô nghỉ tạm thời vào tháng 3 trong thời gian giãn cách xã hội phòng COVID-19, và hứa sẽ gọi lại sau khi công việc kinh doanh bắt đầu, nhưng giờ đây đưa ra quyết định cho cô nghỉ việc vĩnh viễn.
Dịch bệnh đã gia tăng ở Hawaii trong mùa hè, và các hạn chế kiểm dịch đối với du khách đã được nâng cao, một đòn giáng mạnh vào các khách sạn phụ thuộc vào ngành du lịch của bang. Cả nước Mỹ cũng đối mặt với tình trạng tương tự.
Hơn một nửa phụ nữ mất việc làm
Theo các phân tích riêng biệt về dữ liệu việc làm chi tiết hàng tháng của các nhà kinh tế lao động và Reuters, 6 tháng sau khi đại dịch bắt đầu, bằng chứng về thiệt hại lâu dài hơn đối với thị trường lao động Mỹ đang xuất hiện.
Tỷ lệ nghỉ hưu đang tăng dần, phụ nữ ít có cơ hội hòa nhập trở lại với thị trường việc làm, và xu hướng “nghỉ việc tạm thời” biến thành nghỉ việc vĩnh viễn như Ramirez, có thể ảnh hưởng đến sự phục hồi kinh tế Mỹ trong ngắn hạn, cũng như triển vọng của đất nước này trong dài hạn. Tăng trưởng kinh tế phụ thuộc vào số lượng lao động làm việc. Nếu càng nhiều người nghỉ việc hoặc tạm thời nghỉ việc vì chăm sóc trẻ em, hoặc các vấn đề sức khỏe và an toàn, thì tốc độ tăng trưởng sẽ chậm hơn.
Kathryn Anne Edwards, nhà kinh tế lao động tại RAND Corp, cho biết: “Trong những tháng đầu tiên của cuộc suy thoái, chúng tôi tập trung nhiều hơn vào việc có bao nhiêu việc làm có thể quay trở lại, bao nhiêu việc làm có thể được duy trì. Giờ thì câu hỏi chuyển thành có bao nhiêu thiệt hại đã diễn ra”.
Người lao động xếp hàng bên ngoài Trung tâm nghề nghiệp Kentucky để nhận hỗ trợ. thất nghiệp. Ảnh: Reuters |
Động lực tăng trưởng kinh tế Mỹ đang giảm rất nhiều, nhất là ở hai nhóm phụ nữ và người lao động lớn tuổi. Đây từng là nhóm thúc đẩy sự gia tăng lực lượng lao động trước đại dịch. Nhiều nghiên cứu chỉ ra, phụ nữ và lao động lớn tuổi đã hỗ trợ tăng trưởng kinh tế mạnh hơn dự kiến trong năm 2018 và 2019, đồng thời giúp cho tỷ lệ thất nghiệp xuống thấp, từ đó tạo động lực để thu hút mọi người trở lại làm việc.
Nhưng hai nhóm này có thể đang bị bỏ lại phía sau. Dữ liệu của Bộ Lao động Mỹ, cho thấy phụ nữ và công nhân từ 65 tuổi trở lên chiếm tỷ lệ không cân đối trong số 3,7 triệu người không còn làm việc, hoặc tích cực tìm kiếm việc làm kể từ khi đại dịch xảy ra.
Những người từ 65 tuổi trở lên chiếm chưa tới 7% lực lượng lao động trong tháng 2/2020, nhưng 17% trong số đó đã bị mất việc vào tháng 8. Phụ nữ trước đây chiếm 47% lực lượng lao động, nhưng tới 54% trong số này đã không còn việc làm.
Phụ nữ khó xin lại việc, người già phải nghỉ hưu sớm
Bằng chứng ban đầu về rắc rối dài hạn đang bắt đầu xuất hiện trong Điều tra Thực trạng Dân số (CPS) hàng tháng.
Theo phân tích dữ liệu CPS của giám đốc nghiên cứu kinh tế Bắc Mỹ - Nick Bunker, sau khi phụ nữ rút khỏi lực lượng lao động trong những tháng đầu đại dịch tăng vọt, đặc biệt là để hoàn thành trách nhiệm với gia đình, việc quay trở lại công việc của họ đã chậm lại so với những tháng trước đại dịch.
Phân tích của Bunker cho thấy, tỷ lệ phụ nữ và nam giới chuyển từ có việc làm sang không tham gia lực lượng lao động, đã tăng vọt vào tháng 4/2020. Tuy nhiên, số phụ nữ viện lý do chăm sóc con cái hoặc trách nhiệm gia đình tăng 178%, nhưng số nam giới viện lý do này ít hơn một nửa.
Trong khi đó, tỷ lệ phụ nữ chuyển từ chăm sóc gia đình sang trở lại làm việc đã giảm xuống mức thấp 5% vào tháng 4 từ mức 6,6% của năm 2019. Mặc dù tỷ lệ này đã tăng lên 5,8% vào tháng 7/2020, nhưng cũng thấp hơn so với nam giới. “Dữ liệu chỉ ra rằng, lao động nghỉ việc vì lý do gia đình trở thành lý do quan trọng nhất, so với thời điểm trước đại dịch”, Bunker nói.
Lao động nữ mất việc cũng làm mất đi động lực tăng trưởng kinh tế lớn cho nước Mỹ. Ảnh: Pew Research Center |
Trung tâm Nghiên cứu về Hưu trí tại Đại học Boston phân tích dữ liệu CPS cho thấy, tỷ lệ người lao động từ 65 tuổi trở lên bỏ việc đang tăng. Đây là rủi ro COVID-19 gây ra cho người lớn tuổi.
Nghiên cứu của trung tâm kết luận rằng, gần 1/5 nhóm tuổi đó đang làm việc vào tháng 7/2019, đã nghỉ hưu vào tháng 7 năm nay. Tỷ lệ này cao hơn so với 17% của năm trước. Tỷ lệ những người lao động tự coi mình là “đã nghỉ hưu” thay vì chỉ đơn thuần là nghỉ việc, cũng tăng đều đặn trong những tháng gần đây, từ 14,2% trong tháng 4 lên 19,5% vào tháng 6.
Anqi Chen, trợ lý giám đốc nghiên cứu, cho biết: “Đó là điều mà chúng tôi lường trước có thể xảy ra, những người sắp nghỉ hưu có thể phải nghỉ hưu sớm”.
“Vết sẹo” cho kinh tế Mỹ
Tình hình này đang làm dấy lên các cuộc tranh luận rằng, việc thất nghiệp tăng cao có thể dẫn đến “vết sẹo” kinh tế dài hạn như thế nào cho nước Mỹ.
Cuộc suy thoái kinh tế 2007-2009 ảnh hưởng nhiều đến cánh mày râu, do các ngành xây dựng và sản xuất bị ảnh hưởng thường do nam giới thống trị. Đại dịch COVID-19 lại gây ra tình trạng nhiều người mất việc làm hơn trong các dịch vụ tập trung ở phụ nữ. Đại dịch khiến các trường học, nhà giữ trẻ và viện dưỡng lão đóng cửa.
Nhiều lao động lớn tuổi đành phải nghỉ hưu sớm vì khó xin việc. Ảnh: Equitable Growth |
Theo Reuters, con đường trở lại việc làm của họ có thể ngày càng khó khăn hơn. Trong số 7,6 triệu người bị “nghỉ việc tạm thời" tính đến tháng 6, con số đã tìm được việc làm vào tháng 7 chỉ là 2,4 triệu. Đáng nói, có đến 2,8 triệu người chính thức rời lực lượng lao động hoàn toàn, hoặc không còn mong đợi gì về việc có việc làm trở lại.
Ramirez cho biết cô đang tìm kiếm việc làm, nhưng không nhiều nơi tuyển dụng trước tình trạng nhu cầu du lịch giảm mạnh so với trước đại dịch, và nhiều cửa hàng bán lẻ đóng cửa. Một số doanh nghiệp cho biết họ có một danh sách nhân viên dày đặc đang chờ được gọi làm việc trở lại.
“Tôi chỉ nhận lại được câu trả lời rằng: ‘Ở đây không có tuyển dụng’. Mọi người đang không biết người lao động như chúng tôi đang gặp khó khăn thế nào”, Ramirez chia sẻ.
Advertisement
Advertisement
Đọc tiếp