28/10/2020 19:10
Hơn 56.000 ngôi nhà tốc mái, hư hỏng sau khi bão số 9 quét qua
Riêng tỉnh Quảng Ngãi có đến 53.000 căn nhà hư hỏng. Trên các tuyến đường, cây xanh ngã đổ hàng loạt.
Theo báo cáo của Ban Chỉ huy tiền phương ứng phó với bão số 9, tính đến 17h ngày 28/10, có 56.163 ngôi nhà bị tốc mái. Trong đó, riêng Quảng Ngãi có đến 53.390 nhà. Ban Chỉ huy đang đề nghị Quảng Ngãi phân loại cụ thể mức độ thiệt hại.
Tỉnh Bình Định có 2.588 nhà tốc mái, Gia Lai 109 căn, Phú Yên 44 và Kon Tum 32 nhà.
Nhiều trường học hư hỏng sau bão số 9. Ảnh: VGP |
Nhiều trường học hư hỏng sau bão số 9. Ảnh: QN |
Số nhà sập hoàn toàn là 34 căn, trong đó lớn nhất là Bình Đình với 23 căn tại Bình Định, Quảng Ngãi có 9 căn.
Tỉnh Quảng Ngãi có 31 trụ sở cơ quan, 28 điểm trường học bị tốc mái, hư hỏng. Gia Lai và Kon Tum có 7 điểm trường bị hư hỏng.
Có 360 xã bị mất điện. Trong đó lớn nhất vẫn là Quảng Ngĩa với 145 xã, Bình Định 97 xã, Đà Nẵng 11 xã/phường; Quảng Nam 56 xã phường và Phú Yên 51 xã.
Thông tin tại buổi họp khẩn của Ban chỉ đạo tiền phương ứng phó với bão số 9, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho biết: “Bão đã làm sập những nhà yếu, tốc mái hầu hết nhà cấp 4 và những công trình có mái lợp; cây cối đổ rất nhiều, thiệt hại nặng nề, đặc biệt ở Quảng Ngãi và một số địa phương”.
Chiều nay, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Đặng Văn Minh đã ban hành công điện yêu cầu các địa phương, cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh tiếp tục tổ chức thực hiện nghiêm túc các chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh trong những ngày vừa qua, về công tác ứng phó bão số 9 và mưa lũ sau bão. Tổ chức thống kê, khắc phục thiệt hại ngay sau bão tan, đồng thời triển khai ngay các biện pháp phòng, chống lũ sau bão.
Công điện yêu cầu Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố tập trung kiểm tra, rà soát và kịp thời huy động lực lượng tổ chức sơ tán, di dời các hộ dân vùng trũng thấp, vùng có nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất, vùng có nguy cơ bị chia cắt.
Quốc lộ 1 đoạn qua phường Phổ Thạnh, thị xã Đức Phổ, Quảng Ngãi nhiều mái tôn lớn nằm chắn ngang đường. Ảnh: Zing |
Sở GD&ĐT tùy theo tình hình thực tế bão, mưa, lũ tại huyện, thành phố chủ động cho học sinh nghỉ học để đảm bảo an toàn.
Chiều 28/10, sau khi đi vào đất liền các tỉnh từ Đà Nẵng đến Phú Yên, bão số 9 đã suy yếu thành áp thấp nhiệt đới.
Hồi 16 giờ, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở khoảng 15,2 độ Vĩ Bắc; 107,4 độ Kinh Đông, trên khu vực biên giới Việt Nam-Lào. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6-7, tức 40-60km/giờ, giật cấp 9. Bán kính gió mạnh từ cấp 6, giật từ cấp 8 trở lên khoảng 110km tính từ tâm áp thấp nhiệt đới.
Dự báo trong 12 giờ tới, áp thấp nhiệt đới di chuyển theo hướng Tây, mỗi giờ đi được 20-25km, và suy yếu thành một vùng áp thấp trên khu vực Thái Lan.
Chiều tối và tối nay, vùng biển ngoài khơi từ Đà Nẵng đến Phú Yên (bao gồm cả huyện đảo Lý Sơn) có gió mạnh cấp 7, giật cấp 9; biển động; sóng biển cao từ 2-4m.
Vịnh Bắc Bộ và vùng biển từ Quảng Trị đến Thừa Thiên Huế (bao gồm cả đảo Cồn Cỏ) có gió đông bắc mạnh cấp 7, giật cấp 9; biển động mạnh; sóng biển cao từ 3-4m.
Vùng biển từ Khánh Hòa đến Bình Thuận có gió mạnh cấp 6, giật cấp 8; biển động; sóng biển cao từ 2-4m.
Chiều tối và tối nay, ở các tỉnh/thành phố từ Thừa Thiên Huế đến Bình Định, Kon Tum, Gia Lai có gió mạnh cấp 6-7, giật cấp 9. Ngoài ra, do ảnh hưởng của hoàn lưu phía Bắc áp thấp nhiệt đới, kết hợp với không khí lạnh, vùng ven biển các tỉnh từ Quảng Bình, Quảng Trị, có gió mạnh cấp 6, giật cấp 8.
Trong tối và đêm nay, ở Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Kon Tum, Gia Lai có mưa vừa, mưa to với tổng lượng mưa phổ biến 40-70mm. Từ ngày mai, (29/10) mưa giảm.
Từ đêm nay đến ngày 31/10, ở khu vực từ Nghệ An đến Quảng Bình có mưa rất to với tổng lượng mưa phổ biến 200-400mm/đợt. Riêng Nam Nghệ An và Hà Tĩnh có nơi trên 500mm;
Thanh Hóa có mưa vừa, có nơi mưa to với tổng lượng mưa phổ biến 50-150mm.
Advertisement
Advertisement
Đọc tiếp