14/01/2021 11:42
Hơn 300 công ty lữ hành quốc tế xin đóng cửa năm 2020
Khối lữ hành phải chịu thiệt hại nặng nề bởi dịch COVID-19. Trong năm 2020, có tới 338 doanh nghiệp lữ hành quốc tế xin thu hồi giấy phép kinh doanh, tăng 3 lần so với năm 2019.
Tại Diễn đàn Lữ hành toàn quốc 2021, ông Vũ Thế Bình, Phó chủ tịch thường trực Hiệp hội Du lịch Việt Nam, cho biết du lịch Việt Nam năm 2020 đã giảm gần 80% lượng khách quốc tế, giảm 50% khách nội địa và giảm 90% khách Việt Nam đi du lịch nước ngoài. Đồng thời, khoảng 40-60% lao động ngành du lịch bị mất việc làm hoặc cắt giảm ngày công.
Trong số các doanh nghiệp du lịch chịu ảnh hưởng của dịch COVID-19, khối lữ hành chịu thiệt hại nặng nề khi là đơn vị trung gian, thực hiện các dịch vụ cho du khách. Nhiều đơn vị lữ hành đã đóng cửa, dừng hoạt động; không ít nơi phải chấm dứt hợp đồng với người lao động.
Lữ hành cần thể hiện được vai trò dẫn dắt, khôi phục thị trường du lịch. Ảnh: Zing |
Cụ thể, trong năm 2020, có tới 338 doanh nghiệp lữ hành quốc tế xin thu hồi giấy phép kinh doanh, tăng 3 lần so với năm 2019; có 201 doanh nghiệp xin cấp giấy phép mới, giảm hơn 1/3 lần. Tổng thu từ khách du lịch năm 2020 đạt 312.200 tỷ đồng, giảm gần 60% so với cùng kỳ năm 2019.
Hiện cả nước có 3.339 doanh nghiệp lữ hành, trong đó có 2.519 doanh nghiệp lữ hành quốc tế, 820 doanh nghiệp lữ hành nội địa.
Lữ hành cần thể hiện được vai trò dẫn dắt, khôi phục thị trường du lịch.
Đề xuất một số chính sách hỗ trợ, bà Nguyễn Thị Lê Hương, Phó tổng giám đốc Công ty Vietravel, cho rằng cần tiếp tục chính sách miễn giảm thuế phí cho các doanh nghiệp ngành du lịch trong năm 2021.
Theo đó, hỗ trợ cho các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch chậm nộp thuế thu nhập cá nhân, thuế GTGT năm 2021 trong khoảng thời gian 6-12 tháng; giảm 50% thuế thu nhập doanh nghiệp và thuế GTGT trong năm 2020; tiếp tục giảm tiền điện, nước, phí dịch vụ Internet.
Cần có chính sách hỗ trợ tài chính cho doanh nghiệp du lịch vay ưu đãi để phục hồi hoạt động kinh doanh. Về các gói vay tài chính từ ngân hàng, đa phần các ngân hàng vẫn đang đàm phán cho vay tiếp với điều kiện phải có tài sản thế chấp trong khi các công ty lữ hành không dựa trên tài sản cụ thể (như vận chuyển, lưu trú, dịch vụ...) mà dựa trên tài sản vô hình như thương hiệu, tài nguyên khách hàng, uy tín là chủ yếu.
“Các công ty lữ hành đang rất cần nguồn tiền để giải quyết khó khăn nhưng lại không thể tiếp cận được các gói vay ưu đãi. Ngay cả chấp nhận vay với lãi suất cao nhưng vẫn không được phép vay vì du lịch vẫn là ngành nằm trong nhóm rủi ro cao và doanh nghiệp lữ hành thường không có tài sản thế chấp”, bà Hương nói.
Ngoài ra, đại diện Vietravel nhìn nhận cần có thêm những chính sách và cơ chế đặc thù cho ngành du lịch trong tình hình mới; giải pháp với ngành du lịch địa phương; chính sách kích cầu; truyền thông an toàn.
Cũng tại diễn đàn, Thứ trưởng Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng nhấn mạnh trong thời gian tới, doanh nghiệp lữ hành phải tái cấu trúc, tái cơ cấu lại trong việc quản trị; thấu hiểu nhu cầu của khách hàng, hành xử văn hóa trong doanh nghiệp.
Các doanh nghiệp lữ hành cần tập trung vào phân khúc du lịch nội địa, trong đó phải tìm phân khúc riêng, tìm kiếm sản phẩm du lịch khác biệt dành cho những khách hàng khác nhau. Lữ hành cùng các đơn vị phải tạo ra sản phẩm mới kết nối, định hướng, liên kết, từ đó thay đổi tư duy không chạy theo số lượng và mà đầu tư vào chất lượng.
Đồng thời, giao Tổng cục Du lịch bám sát hoạt động của doanh nghiệp, nắm chắc các hoạt động và đồng hành với doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, tham gia quyết liệt, triển khai có hiệu quả những nội dung mà Hiệp hội Lữ hành Việt Nam khởi động với doanh nghiệp lữ hành trong năm 2021.
Advertisement
Advertisement
Đọc tiếp