17/08/2020 14:39
Hơn 1.400 doanh nghiệp Nhật muốn mở rộng sản xuất tại Việt Nam
Khoảng 1.400 doanh nghiệp Nhật Bản sẽ đầu tư vào Việt Nam. Đây được xem là cách đa dạng hóa chuỗi cung ứng và "né" chiến tranh thương mại Mỹ - Trung.
Tờ Kyodo đưa tin, theo Tổ chức Ngoại thương Nhật Bản, ngày càng nhiều công ty nước này đang mở rộng kinh doanh ở Đông Nam Á và thu nhỏ hoạt động tại Trung Quốc do căng thẳng giữa Bắc Kinh và Washington một mực leo thang.
Tổ chức Ngoại thương Nhật Bản đã thực hiện một khảo sát vào cuối năm ngoái dưới sự cho phép của chính phủ nước này để tìm hiểu về tâm lý đầu tư của các doanh nghiệp. Cuộc khảo sát được thực hiện trên 9.975 công ty Nhật Bản quan tâm nhiều đến hoạt động kinh doanh ở nước ngoài. Tổ chức Ngoại thương Nhật Bản nhận được câu trả lời của 3.562 doanh nghiệp.
Trong đó, 41% công ty Nhật Bản đang xem xét mở rộng hoạt động tại Việt Nam trong 3 năm tới, tăng 5,5% so với cuối năm 2018. Tỷ lệ này tương đương với khoảng 1.400 doanh nghiệp Nhật Bản muốn đầu tư vào Việt Nam.
Nhật Bản sẽ tiếp tục trợ cấp để khuyến khích các nhà sản xuất trong nước chuyển tới Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam. Ảnh: Nikkei Asian Review |
Ngoài ra, có 36,3% doanh nghiệp Nhật Bản được hỏi đưa ra câu trả lời tương tự cho Thái Lan, tăng 1,5%. Còn phương án thúc đẩy đầu tư vào Trung Quốc tuy chiếm đến 48,1% nhưng đã giảm 7,3%.
Khảo sát này chỉ rõ: “Kể từ năm 2018, một cuộc đối đầu gia tăng giữa Mỹ và Trung Quốc đã thúc đẩy đầu tư của các công ty Nhật Bản vào Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN). Khoảng cách giữa lượng đầu tư của Nhật Bản vào ASEAN và Trung Quốc đã mở rộng lên 20,4 tỷ yên (191 triệu USD) vào năm 2019 từ 10,2 tỷ yên vào năm 2017”.
Đáng nói, cuộc khảo sát trên được đưa ra trước khi đại dịch COVID-19 bùng nổ và chính phủ Nhật tung các gói hỗ trợ tài chính.
Hoà cùng xu hướng tổ chức lại chuỗi cung ứng toàn cầu, nhiều doanh nghiệp đã có động thái “thoái Trung” trong thời gian qua. Một nhà sản xuất thép, kim loại màu và các bộ phận kim loại ở khu vực Tokyo cho biết họ đã chuyển một phần sản xuất ở Trung Quốc sang Thái Lan và chuyển hàng xuất khẩu đi Mỹ từ Trung Quốc sang Thái Lan.
Một nhà sản khác ở vùng Shikoku cho biết, họ đang có kế hoạch chuyển các mặt hàng xuất khẩu đi Mexico từ Trung Quốc sang Việt Nam.
Tháng rồi, quyết định của Nhật Bản về việc hỗ trợ 87 công ty với tổng số tiền lên đến 653 triệu USD để mở rộng dây chuyền sản xuất tại quê nhà hoặc ở Đông Nam Á đã làm dấy lên cuộc tranh luận lớn. Tờ Bưu Điện Hoa Nam Buổi Sáng (SCMP) cho rằng, nền kinh tế lớn thứ ba thế giới đang cố gắng tách khỏi Trung Quốc.
Sử dụng khoản trợ cấp từ chính quyền ông Shinzo Abe, 57 trong số các công ty sẽ mở thêm nhà máy tại Nhật Bản. Còn 15 doanh nghiệp chọn mở rộng sản xuất tại Việt Nam. Theo chính quyền Nhật Bản, danh sách đợt hai các công ty nhận trợ cấp cũng đang được lập, với các đặc điểm tương tự như danh sách đợt đầu.
Thương chiến và dịch COVID-19 đã khiến đầu tư ra nước ngoài của Nhật Bản tìm cách đa dạng hoá. Ảnh: TTXVN |
Trong khi đó, khoảng 80% các công ty Nhật Bản hoạt động ở nước ngoài dự báo rằng doanh số bán hàng sẽ giảm vào năm 2020 so với năm trước do nhu cầu thị trường chung bị thu hẹp sau đại dịch COVID-19. Ở châu Á, 91,4% công ty Nhật Bản hoạt động ở Ấn Độ, 89,4% ở Malaysia, 88,4% ở Thái Lan, 85,3% ở Philippines và 84,4% ở Indonesia cũng đưa ra dự báo như vậy.
Theo tờ Kyodo, đại dịch COVID-19 cũng đã làm giảm đáng kể đầu tư của Nhật Bản vào thị trường châu Á. Trong 5 tháng đầu năm 2020, đầu tư của Nhật Bản vào Indonesia giảm 75% so với cùng kỳ năm trước, trong khi giảm 35,5% đối với toàn ASEAN.
Trong một cuộc khảo sát khác hồi tháng 4/2020 của Tổ chức Ngoại thương Nhật Bản về 424 công ty Nhật Bản có cơ sở ở miền Đông Trung Quốc, 86% số người được hỏi cho biết, họ không có kế hoạch thay đổi chuỗi cung ứng của mình hoặc chuyển sang các nước khác. Còn trong số 361 người được hỏi ở miền nam Trung Quốc, 22,3% các công ty Nhật Bản cho biết, họ sẽ mở rộng hoạt động kinh doanh trong tương lai ở Trung Quốc. Chỉ có 8,6% đối tượng cho biết họ sẽ thu hẹp quy mô hoạt động ở nước này, trong khi 69,1% công ty lựa chọn phương án “chưa rõ ràng". “Các công ty Nhật Bản đang theo dõi chặt chẽ mối quan hệ đang thay đổi giữa Mỹ và Trung Quốc, nhưng chiến lược kinh doanh của họ dựa trên nền kinh tế và thị trường của mỗi quốc gia. Đối với họ, vấn đề giữa Trung Quốc và Mỹ không phải là thứ có sức ảnh hưởng quan trọng”, Kawabuchi nhận định. |
Advertisement
Advertisement