15/06/2020 08:52
Hơn 1.300 công ty vật tư y tế Trung Quốc đăng ký địa chỉ liên lạc không xác thực tại Mỹ
Theo điều tra riêng của báo Wall Street Journal vừa công bố ngày 12/6, hơn 1.300 công ty vật tư y tế của Trung Quốc đăng ký bán thiết bị và đồ bảo hộ y tế vào thị trường Mỹ trong suốt thời gian diễn ra đại dịch COVID-19 đã đăng ký với Cơ quan Quản lý Dược phẩm và Thực phẩm Mỹ (FDA) địa chỉ liên lạc không xác thực tại Mỹ.
Theo luật pháp của Mỹ, các nhà sản xuất vật tư y tế nước ngoài phải có cơ quan đại diện và người đại diện tại Mỹ để làm đầu mối cho FDA có thể liên lạc khi cần.
Ít nhất có 1.300 công ty Trung Quốc lấy tên tập đoàn CCTC Service Inc là cơ quan đại diện của họ tại Mỹ. Tuy nhiên, địa chỉ công ty CCTC Service Inc mà các công ty Trung Quốc dùng để đăng ký đại diện cho mình ở Wilmington, Delaware thực ra là một ngôi nhà 3 phòng ngủ mà cả chủ nhà lẫn người thuê nhà không biết gì về công ty CCTC hay bất kỳ công ty Trung Quốc nào khác.
Như vậy, trong lúc cả nước Mỹ mải đối phó với đại dịch, những lỗ hổng pháp lý của cơ quan FDA đã bộc lộ trong quá trình cấp phép sử dụng khẩn cấp đối với các sản phẩm y tế. Hiện FDA chưa bình luận gì về thông tin điều tra này của Wall Street Journal.
Ảnh minh hoạ. |
Hồi tháng Năm vừa qua, FDA đã phải rút giấy phép của vài chục nhà sản xuất Trung Quốc xuất khẩu khẩu trang theo kiểu N95 chỉ sau một tháng cấp phép.
Tuần trước, các công tố viên liên bang đã lên tiếng cáo buộc một nhà sản xuất Trung Quốc cung cấp thông tin đơn vị đại diện tại Mỹ là công ty CCTC hoàn toàn không có thật. Trong cáo buộc đó, một điều tra viên của FDA đã tố cáo trước phiên tòa liên bang tại quận Brooklyn, New York, rằng công ty CCTC đại diện đó không hề hồi âm email của FDA và nhiều khả năng là công ty “ma”.
Ông David Lennarz, Chủ tịch tập đoàn Registrar, chuyên đại diện hỗ trợ các công ty hoàn thành thủ tục đăng ký theo yêu cầu của FDA, cho rằng thực sự có lỗ hổng pháp lý trong công tác quản lý của FDA.
Trong khi đó, có tới gần 10.000 loại khẩu trang và máy thở được đăng ký với FDA chỉ trong thời gian từ tháng Ba đến tháng Năm vừa qua và hầu hết là sản phẩm của các nước ngoài.
Theo điều tra của báo Wall Street Journal, những thông tin về công ty CCTC đầu tiên là liên quan tới công ty Shenzhen CCT Testing Technology Co có trụ sở tại Trung Quốc, công ty từng đại diện cho nhiều công ty của Trung Quốc tại Mỹ.
Ông Tony Mo, quản lý cấp cao của công ty Shenzhen CCT Testing Technology (CCTC), khẳng định rằng công ty của ông không phải công ty ma. Công ty này thu phí 700 USD (ngoài khoản phí thường niên của FDA khoảng 5.000 USD) làm đại diện tại Mỹ cho các công ty Trung Quốc theo yêu cầu của FDA, chịu trách nhiệm cung cấp thông tin liên lạc và tiến hành các thủ tục đơn giản đăng ký bán khẩu trang và vật tư y tế.
Theo ông Mo, công ty của ông thuê lại một đại lý chuyên đăng ký công ty ở Mỹ để hỗ trợ việc đại diện tại Mỹ. Vì vậy, công ty Shenzhen CCT Testing Technology được đại lý đó cho địa chỉ ở Delaware khoảng 2 năm trước mà không hề biết gì về địa chỉ đó cũng như những người sống ở đó.
Ông Mo cũng giải thích việc công ty mình không hồi âm thư điện tử của các điều tra viên FDA bởi tưởng đó là thông tin giả. Ông này cũng cho biết công ty CCTC Services được ghi trong rất nhiều hồ sơ của FDA thực ra chưa bao giờ được thành lập chính thức ở Mỹ.
Năm nay, công ty của ông ở Trung Quốc mới quyết định sẽ có mặt chính thức tại Mỹ và vừa đăng ký tên là công ty CCTC Services United Inc., có trụ sở tại Colorado hồi tháng Năm. Theo dữ liệu của FDA thì CCTC Services United Inc, thành lập ngày 13/5/2020, hiện đại diện cho khoảng 50 công ty.
Tuy nhiên, ông Mo cho biết hiện đang yêu cầu các công ty khách hàng của mình tự tìm đại diện tại Mỹ, bởi việc đại diện thay mặt như hiện nay quá nhiều trách nhiệm khiến công ty của ông không đảm bảo được.
Bà Vernessa Pollard, một luật sư từng làm việc cho FDA, cho rằng việc các nhà sản xuất nước ngoài đăng ký công ty đại diện tại Mỹ mà không có thông tin liên lạc thực là một vấn đề rất đáng quan ngại, bởi nếu có vấn đề gì với sản phẩm nhập khẩu, hay sản phẩm bị thu hồi thì công ty đại diện tại Mỹ chính là nơi FDA phải liên lạc đầu tiên để đàm phán.
(Nguồn: TTXVN)
Chủ đề liên quan
Advertisement
Advertisement