08/03/2018 09:16
Hơn 10 năm, Đồng Nai vẫn chưa di dời được Khu công nghiệp Biên Hoà I
Di dời Khu công nghiệp Biên Hoà I là bảo vệ sông Đồng Nai, nguồn cung cấp nước sinh hoạt cho hơn 20 triệu dân ở TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương…
Doanh nghiệp không muốn đi
Hơn 10 năm trước, Đồng Nai đề ra chủ trương di dời tất cả doanh nghiệp ra khỏi Khu công nghiệp Biên Hòa I. Mục đích của việc này là biến diện tích đất của khu công nghiệp này thành địa điểm thương mại dịch vụ. Thực hiện mục tiêu phát triển đô thị, mở rộng cửa ngõ phía Đông Biên Hoà và giải quyết tình trạng ô nhiễm sông Đồng Nai. Tuy nhiên, nhiều năm đã trôi qua, việc di dời vẫn dậm chân tại chỗ.
Khu công nghiệp Biên Hòa I nằm ở phường An Bình, TP.Biên Hoà được xây dựng từ năm 1963 trên diện tích 323ha và là khu công nghiệp được xây dựng sớm nhất ở Việt Nam.
Theo lộ trình chuyển đổi được Tổng công ty Phát triển Khu công nghiệp (Sonadezi) đưa ra, việc di dời dự kiến sẽ hoàn thành vào năm 2025. Năm 2013, Sonadezi đã đưa ra đề án thực hiện việc chuyển đổi công năng Khu công nghiệp Biên Hoà I nhưng chưa phù hợp với thực tế nên đề án không thể triển khai.
Khu công nghiệp Biên Hoà I nằm sát sông Đồng Nai. |
Theo ông Phan Đình Thám, Tổng giám đốc Tổng công ty Sonadezi, hiện tại Sonadezi đã đưa ra đề án mới nhằm di dời và chuyển đổi công năng Khu công nghiệp Biên Hoà I.
Điều chỉnh lớn nhất trong đề án lần này so với năm 2013 là thay đổi cơ cấu sử dụng đất. Theo đó, đề án mới sẽ tăng diện tích đất hành chính và bổ sung thêm đất dành cho quốc phòng, giảm diện tích đất thương mại dịch vụ.
Cụ thể, sau khi doanh nghiệp di dời khỏi Khu công nghiệp Biên Hoà I, nơi đây sẽ có 6ha phục vụ mục đích quốc phòng an ninh. Diện tích đất dành cho khu hành chính tăng từ 2,7ha lên hơn 19ha. Đất dành cho nhà ở và thương mại dịch vụ giảm xuống, trong đó giảm mạnh nhất là đất dành cho công trình thương mại dịch vụ từ 64ha xuống còn khoảng 50ha.
Khảo sát của Tổng Công ty Sonadezi cho thấy, trong 83 đơn vị đang hoạt động tại Khu công nghiệp Biên Hoà I thì có 32 doanh nghiệp muốn tiếp tục sản xuất kinh doanh ở vị trí cũ, không muốn di dời. Hiện đã có 18 doanh nghiệp di dời nhưng vẫn duy trì cơ sở tại Khu công nghiệp Biên Hòa I dưới hình thức cho thuê lại đất.
Theo các doanh nghiệp đang hoạt động tại Khu công nghiệp Biên Hoà I, từ khi có đề án chuyển đổi công năng Khu công nghiệp Biên Hoà I, doanh nghiệp không thể mở rộng sản xuất, việc hiện đại hoá công nghệ gặp nhiều khó khăn.
Khi di dời, Đồng Nai đưa ra chính sách hỗ trợ nhưng nhiều công ty do đặc thù nên khi chuyển đi là phải đầu tư lại từ đầu, chi phí rất lớn. Ngoài ra, đến địa điểm mới, doanh nghiệp sẽ phải ngừng sản xuất, nhiều khả năng sẽ mất khách hàng. Bởi khách hàng của các công ty là nhà cung cấp, phân phối chứ không phải người tiêu dùng thông thường.
Doanh nghiệp chuyển đi, nhiều công nhân do đã có cuộc sống ổn định, hàng ngày họ không thể di chuyển hàng chục km để đi làm, nguy cơ công nhân rời bỏ doanh nghiệp là rất lớn. Nếu công ty tổ chức xe đưa rước sẽ đẩy chi phí sản xuất, giá thành sản phẩm lên cao, hàng của họ không cạnh tranh được trên thị trường.
Ở Đồng Nai đang xảy ra tình trạng khan hiếm lao động, đến nơi mới, doanh nghiệp sẽ rất khó tuyển đủ công nhân, đặc biệt là người có kinh nghiệm.
Đề án không đạt yêu cầu
Ông Cao Tiến Dũng, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Đồng Nai cho rằng, dự án chuyển đổi công năng Khu công nghiệp Biên Hoà I có tổng vốn trên 5.000 tỷ đồng nên phải trình xin ý kiến của Thủ tướng Chính phủ.
Theo Luật Đầu tư, để di dời Khu công nghiệp Biên Hoà I, Đồng Nai phải trình đề án lên Bộ Kế hoạch và Đầu tư, sau đó Bộ này sẽ trình Thủ tướng quyết định chủ trương đầu tư. Để đề án được chấp thuận, Tổng Công ty Sonadezi phải làm một đề án chặt chẽ, có tính khả thi cao.
Doanh nghiệp sợ mất lao động nên không muốn di dời ra khỏi Khu công nghiệp Biên Hoà I. |
Theo ông Trần Văn Vĩnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai, việc chuyển đổi công năng Khu công nghiệp Biên Hòa I diễn ra rất chậm. Đề án nêu trên của Tổng công ty Sonadezi vẫn còn nhiều khuyết điểm, chưa đáp ứng được yêu cầu.
Có những vấn đề rất quan trọng như có bao nhiêu doanh nghiệp đang thuê đất tại Khu công nghiệp Biên Hoà I, những khó khăn mà các công ty đang gặp phải, những doanh nghiệp nào đã dự kiến di dời, số lượng công nhân doanh nghiệp đang sử dụng là bao nhiêu. Những điều này chưa được nhắc một cách cụ thể trong đề án.
Ông Trần Văn Vĩnh nhấn mạnh, mỗi ngày các doanh nghiệp đang hoạt động tại Khu công nghiệp Biên Hoà I xả hơn 9.000 m3 nước thải, trong đó chỉ có khoảng 1.000 m3 được đấu nối qua Khu công nghiệp Biên Hòa II để xử lý, phần còn lại được các doanh nghiệp tự xử lý rồi xả trực tiếp ra sông Đồng Nai. Ngoài ra, hoạt động của doanh nghiệp còn phát sinh chất thải, khí thải làm ô nhiễm môi trường.
Chuyển đổi công năng Khu công nghiệp Biên Hoà I là để bảo vệ môi trường, bảo vệ sông Đồng Nai, nguồn cung cấp nước sinh hoạt cho hơn 20 triệu dân ở TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương và Bà Rịa-Vũng Tàu.
Để đẩy nhanh tiến độ thực hiện đề án, tỉnh Đồng Nai yêu cầu Tổng công ty Sonadezi và các sở ngành liên quan tiến hành khảo sát kỹ thông tin của các doanh nghiệp. Hỗ trợ doanh nghiệp tìm kiếm địa điểm di dời đến. Ngành chức năng sẽ ra thông báo cụ thể về thời hạn phải di dời để các công ty chủ động chuyển đi.
Advertisement
Advertisement
Đọc tiếp