Advertisement

icon icon img
Nhận bản tin

Liên hệ quảng cáo

Email: banbientap@baocungcau.net

Hotline: 0917 267 237

icon logo

Quên mật khẩu?

Có tài khoản? Đăng nhập

Vui lòng nhập mật truy cập tài khoản mới khẩu

Thay đổi email khác
icon

Hơn 1/3 người Việt Nam bị ảnh hưởng việc làm vì COVID-19

Chính sách - Hạ tầng

11/07/2020 12:36

Số liệu từ Tổng cục Thống kê cho biết gần 31 triệu người bị ảnh hưởng về việc làm vì COVID-19. Thu nhập, số người có việc làm giảm kỷ lục.

Tổng cục Thống kê nhận định: “Dịch COVID-19 xuất hiện tại Việt Nam từ tháng 1/2020 đã ảnh hưởng trực tiếp đến tình hình lao động việc làm trong các ngành và tại tất cả các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, trong đó, ảnh hưởng rõ rệt nhất vào quý II/2020”.

72% lao động dịch vụ bị ảnh hưởng

Tính đến tháng 6/2020, cả nước có 30,8 triệu người từ 15 tuổi trở lên bị ảnh hưởng tiêu cực bởi dịch COVID-19 bao gồm những người bị mất việc làm, phải nghỉ giãn việc/nghỉ luân phiên, giảm giờ làm, giảm thu nhập,… Trong đó, số người bị giảm thu nhập chiếm tỷ trọng cao nhất với 57,3% tổng số người bị ảnh hưởng, tương ứng 17,6 triệu người. Khu vực dịch vụ chịu ảnh hưởng nặng nề nhất với 72% lao động bị ảnh hưởng.

So với quy mô dân số hiện nay, có thể hiểu con số trên đơn giản là, cứ 3 người Việt Nam sẽ có ít nhất 1 người bị ảnh hưởng Việt Nam vì COVID-19.

Tổng cục Thống kê tính toán, lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên trong quý II/2020 vào khoảng 53,1 triệu người, giảm 2,2 triệu người so với quý trước và giảm 2,4 triệu người so với cùng kỳ năm trước. Đây là năm ghi nhận mức giảm sâu kỷ lục của lực lượng lao động từ trước đến nay.

Luỹ kế 6 tháng đầu năm, lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên đạt 54,2 triệu người, giảm gần 1,3 triệu người so với cùng kỳ năm trước.

Theo Tổng cục Thống kê, lực lượng lao động nữ luôn là nhóm chịu ảnh hưởng nặng nề hơn so với lực lượng lao động nam trong bối cảnh dịch COVID-19 tác động sâu rộng tới thị trường lao động tại Việt Nam. Trong quý II/2020, lực lượng lao động nữ trong độ tuổi giảm 4,9% so với quý trước và giảm 5,5% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn so với mức giảm của lực lượng lao động nam trong độ tuổi.

Tỷ lệ tham gia lực lượng lao động trong 3 tháng vừa qua là 72,3%, giảm 3,1% so với quý trước và giảm 4,1% so với cùng kỳ năm trước. Tỷ lệ tham gia lực lượng lao động ở khu vực thành thị thấp hơn nông thôn ở tất cả các nhóm tuổi, trong đó chênh lệch nhiều nhất được ghi nhận ở nhóm 15-24 tuổi và nhóm từ 55 tuổi trở lên. “Điều này cho thấy dịch COVID-19 đã tác động làm giảm cung ứng thị trường lao động ở tất cả các nhóm tuổi, đặc biệt là nhóm từ 55 tuổi trở lên tại khu vực thành thị”, đại diện Tổng cục nhận xét.

Người có việc làm giảm nhiều nhất 10 năm qua

Về việc làm, tình hình chung cả nước có nhiều điểm ảm đạm. Lao động từ 15 tuổi trở lên có việc làm trong quý II/2020 chỉ 51,8 triệu người, giảm 2,4 triệu người so với quý trước và giảm gần 2,6 triệu người so với cùng kỳ năm trước. Theo Tổng cục Thống kê, đây là mức giảm nhiều nhất trong vòng 10 năm qua, trừ năm 2015.

Trong đó, lao động giảm chủ yếu ở khu vực nông thôn và lao động nữ. Số người có việc làm ở khu vực nông thôn giảm 1,8 triệu người so với quý trước và gần 2,1 triệu người so với cùng kỳ năm trước. Lao động nữ giảm 1,2 triệu người so với quý trước và giảm 1,5 triệu người so với cùng kỳ năm trước.

Lao động có việc làm trong quý vừa giảm tương ứng so với mức giảm của lực lượng lao động. Tổng cục Thống kê cho rằng, dịch COVID-19 đã làm cho đa số người lao động mất việc phải tạm thời rời khỏi thị trường lao động trong thời gian dịch bệnh lây lan, đặc biệt là trong tháng 4/2020 khi các biện pháp giãn cách xã hội được áp dụng nghiêm túc và triệt để.

Một số ngành có số lao động giảm mạnh so với cùng kỳ năm trước như ngành công nghiệp chế biến, chế tạo (giảm 324.600 người); ngành dịch vụ lưu trú và ăn uống (giảm 156.900 người); ngành giáo dục và đào tạo (giảm 122.700 người); ngành bán buôn và bán lẻ, sửa chữa ô tô, mô tô, xe máy (giảm 120.000 người).

Cộng dồn trong 6 tháng đầu năm 2020, lao động từ 15 tuổi trở lên có việc làm đạt 53 triệu người, giảm gần 1,4 triệu người so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, lao động có việc làm giảm mạnh ở khu vực nông thôn, giảm gần 1,2 triệu người. Lao động nữ giảm 877.400 người, mức giảm này cao gấp 1,8 lần so với lao động nam.

Thu nhập quý II giảm sau 5 năm

Số liệu từ Tổng cục Thống kê cho thấy, thu nhập bình quân tháng của lao động trong quý II/2020 đạt 5,2 triệu đồng, giảm 525.000 đồng so với quý trước và giảm 279.000 đồng so với cùng kỳ năm trước. Đây là năm đầu tiên, thu nhập của lao động trong quý II giảm so với cùng kỳ năm trước, trong 5 năm qua (giảm 5,1%). Trong khi đó, thu nhập bình quân tháng của lao động quý II năm 2019 so với cùng kỳ năm 2018 tăng tới 16,6%.

Thu nhập bình quân tháng của lao động nam là 6,1 triệu đồng, lao động nữ là 4,3 triệu đồng. Lao động ở khu vực thành thị có thu nhập trung bình là 6,7 triệu đồng, con số này của lao động khu vực nông thôn là 4,5 triệu đồng.

Trong số 21 ngành kinh tế, các ngành có thu nhập bình quân tháng của lao động quý II/2020 giảm mạnh nhất so với cùng kỳ năm trước là ngành nghệ thuật, vui chơi, giải trí (giảm 19,2%); ngành dịch vụ lưu trú và ăn uống (giảm 18,3%); ngành vận tải kho bãi (giảm 12,8%); ngành bán buôn và bán lẻ, sửa chữa ô tô, mô tô, xe máy và xe có động cơ khác (giảm 9,1%).

Luỹ kế từ đầu năm đến hết tháng 6/2020, thu nhập bình quân của lao động cả nước đạt 5,5 triệu đồng, giảm 106.000 đồng so với cùng kỳ năm trước. Thu nhập bình quân của lao động nam cao hơn lao động nữ 1,4 lần. Thu nhập bình quân của lao động ở khu vực thành thị cao hơn lao động ở khu vực nông thôn 1,5 lần.

Thanh niên dễ thất nghiệp hơn người trưởng thành

Một trong những con số đáng buồn nhất thuộc báo cáo mới đây của Tổng cục Thống kê là tình hình thất nghiệp. Theo đó, số người thất nghiệp trong độ tuổi lao động quý II/2020 là gần 1,3 triệu người, tăng 192.800 người so với quý trước và tăng 221.000 người so với cùng kỳ năm trước.

Quy đổi, tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động quý này là 2,73%, tăng 0,51% trăm so với quý trước và tăng 0,57% so với cùng kỳ năm trước. Tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi của khu vực thành thị là 4,46%. Theo Tổng cục Thống kê, đây là quý có tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi của khu vực thành thị cao nhất trong vòng 10 năm qua.

Tỷ lệ thất nghiệp của nhóm lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật từ trung cấp trở lên giảm so với quý trước. Trong khi đó, tỷ lệ thất nghiệp của nhóm lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật thấp (sơ cấp) hoặc không có trình độ chuyên môn kỹ thuật tăng.

“Điều này cho thấy khi nền kinh tế gặp cú sốc, lao động có trình độ thấp hoặc không có trình độ gặp nhiều khó khăn hơn về cơ hội việc làm so với lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật bậc trung và bậc cao”, đại diện Tổng cục cho biết.

Đáng nói, số thanh niên từ 15-24 tuổi thất nghiệp trong quý II/2020 là 410.300 người, chiếm 30,7% tổng số người thất nghiệp. Tỷ lệ thất nghiệp thanh niên cao gấp gần 3,6 lần so với tỷ lệ thất nghiệp của dân số trưởng thành (từ 25 tuổi trở lên).

Lao động thanh niên dễ bị tổn thương vì COVID-19 hơn lao động trưởng thành. Ảnh: Tất Đạt
Lao động thanh niên dễ bị tổn thương vì COVID-19 hơn lao động trưởng thành. Ảnh: Tất Đạt

Tổng cộng, số người thất nghiệp trong độ tuổi lao động 6 tháng đầu năm 2020 là gần 1,2 triệu người, tăng 123.900 người so với cùng kỳ năm trước. Tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động 6 tháng đầu năm 2020 là 2,47%, cao gấp 1,14 lần so với cùng kỳ năm trước.

TẤT ĐẠT
iconChia sẻ icon Chia sẻ
icon Chia sẻ

Advertisement