10/10/2016 09:26
Học thêm vì phụ huynh không tin học chính khóa
Tạm bỏ qua những trường hợp “GV cá biệt” ép học sinh (HS) đi học thêm, tôi nghĩ đa phần HS học thêm vì các em và phụ huynh thiếu niềm tin vào việc học chính khóa ở trường.
Học sinh tại TP.HCM tham gia lớp học thêm ngoài giờ tại một trung tâm thuê cơ sở của các trường họcẢNH: ĐÀO NGỌC THẠCH
Mới đây, tại hội nghị công tác giáo dục chính trị tư tưởng của Sở GD-ĐT TP.HCM, ông Lê Hồng Sơn, Giám đốc Sở, cho rằng việc cấm dạy thêm học thêm của thành phố nhằm ngăn chặn việc cố tình trục lợi của một số giáo viên (GV) biến chất. Thật ra, tôi nghĩ điều này còn có nguyên nhân khác.
Tạm bỏ qua những trường hợp “GV cá biệt” ép học sinh (HS) đi học thêm, tôi nghĩ đa phần HS học thêm vì các em và phụ huynh thiếu niềm tin vào hiệu quả của việc học chính khóa ở trường để chuẩn bị cho những kỳ thi quan trọng. Vì vậy, GV chỉ là một mắt xích nhỏ trong việc khiến nạn dạy thêm học thêm tràn lan. Vì có cầu ắt có cung. Nếu HS không có nhu cầu thì GV sẽ chẳng có “đối tác”, chẳng có “khách hàng” để dạy.
HS học thêm ồ ạt, theo tôi cơ bản do vài nguyên nhân sau: Số lượng và chất lượng của các buổi học chính khóa không đảm bảo điểm số so với mục tiêu của HS và kỳ vọng của phụ huynh. Một số GV cố tình “nửa kín nửa hở”, HS nào đi học thêm sẽ được ôn luyện sát và giải hết các câu trong ngân hàng đề thi, khi đi thi chắc chắn sẽ gặp những câu được luyện ở “lò” nên đảm bảo điểm cao. Đi học thêm theo phong trào, vì các bạn ai cũng đi, mình không đi cũng buồn mà lại có nguy cơ bị điểm thấp.
Chẳng thế mà chính ông Chánh văn phòng UBND TP.HCM đã thừa nhận, học thêm là nhu cầu có thật của phụ huynh, HS để tăng cường kiến thức, nhất là đối với những HS cuối cấp.
Nghĩa là kiến thức mà HS nhận được trong các tiết học chính khóa ở trường là không đủ cho những kỳ thi?
Hãy đặt giả định, khi HS về nói với phụ huynh là con phải học thêm môn này, môn kia thì kỳ thi sắp tới con mới được điểm cao, mới tăng cơ hội vào trường chuyên lớp chọn, tôi tin không cha mẹ nào nỡ từ chối đề nghị của con.
Thế thì những người có trách nhiệm phải đi tìm nguyên nhân vì sao dạy thêm học thêm tràn lan từ nhiều phía, chứ không thể đổ hết lên GV. Tôi cho rằng việc dạy thêm và dạy thêm trong thời gian tới vẫn sẽ tái diễn, hoặc công khai hoặc lén lút, khi mà chất lượng và số lượng các buổi học chính khóa ở trường chưa thực sự đảm bảo cho sự kỳ vọng của phụ huynh, HS trong các kỳ thi.
Nguyễn Phước Bảo Khôi
(Giảng viên Trường ĐH Sư phạm TP.HCM)
Advertisement