03/12/2020 18:31
Hoàn thuế thu nhập doanh nghiệp bất động sản: Cần phải ‘sòng phẳng’
Trước Nghị định 126 và Nghị định 132, HoREA nêu ra những bất cập về khai thuế thu nhập và hoàn thuế, nhất là với doanh nghiệp bất động sản.
Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) vừa có văn bản đề nghị xem xét xử lý các bất cập về quy định kê khai thuế thu nhập doanh nghiệp và quy định về hoàn thuế đối với thuế thu nhập mà doanh nghiệp có giao dịch liên kết đã nộp thừa. Những bất cập này được quy định tại Nghị định 126/2020/NĐ-CP ngày 19/10/2020 và Nghị định 132/2020/NĐ-CP ngày 3/11/2020.
Bất cập về khai thuế cho doanh nghiệp bất động sản
HoREA chỉ ra, Điểm b Khoản 6 Điều 8 Nghị định 126/2020/NĐ-CP quy định rằng, chậm nhất đến ngày 31/10 thì doanh nghiệp phải nộp thuế thu nhập doanh nghiệp quý III và số tạm nộp thuế 3 quý đầu năm, không được thấp hơn 75% số thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp theo quyết toán năm.
Trường hợp người nộp thuế nộp thiếu so với số thuế phải tạm nộp 3 quý đầu năm, thì phải nộp tiền chậm nộp tính trên số thuế nộp thiếu, kể từ ngày tiếp sau ngày cuối cùng của thời hạn tạm nộp thuế thu nhập doanh nghiệp quý III đến ngày nộp số thuế còn thiếu vào ngân sách nhà nước.
“Quy định này rất bất cập đối với các doanh nghiệp bất động sản và các doanh nghiệp kinh doanh thương mại, dịch vụ, thường có doanh thu phát sinh đột biến trong quý IV của năm, mà không thể tiên lượng trước trong kế hoạch doanh thu và lợi nhuận cả năm”, Chủ tịch Hiệp hội Lê Hoàng Châu đánh giá. Bởi lẽ, chỉ cần phát sinh một vài thương vụ ngoài kế hoạch, thì doanh nghiệp có thể vi phạm quy định trên đây do doanh thu và lợi nhuận tăng đột biến.
Nhiều doanh nghiệp bất động sản phải đến quý cuối năm mới ghi nhận được doanh thu, nhiều khoản đột biến. Ảnh: Tất Đạt |
Vì lẽ đó, HoREA đề nghị Bộ Tài chính và Tổng Cục Thuế cần quan tâm xem xét khi hướng dẫn thi hành Nghị định 126, có phân biệt trường hợp cố ý khai thấp doanh thu và lợi nhuận để chiếm dụng tiền thuế; hoặc trường hợp ngay tình, không cố ý khai thấp doanh thu và lợi nhuận, đối với các khoản doanh thu, lợi nhuận đột xuất.
Theo đó, các cư quan sẽ không xử phạt đối với trường hợp doanh nghiệp đã nộp báo cáo kế hoạch doanh thu và lợi nhuận quý IV, kèm theo danh mục các dự án, hoặc hoạt động kinh doanh, mà có phát sinh doanh thu và lợi nhuận ngoài kế hoạch đã kê khai đăng ký với ngành thuế.
Cần “sòng phẳng” về tiền hoàn thuế
Bên cạnh đó, HoREA còn chỉ ra, Điểm c Khoản 3 Điều 22 Nghị định 132/2020/NĐ-CP ngày 3/11/2020 cũng là một bất cập. Theo đó, trường hợp người nộp thuế có số tiền thuế thu nhập doanh nghiệp, tiền chậm nộp đã nộp ngân sách nhà nước của năm 2017, năm 2018 lớn hơn số tiền thuế thu nhập doanh nghiệp, tiền chậm nộp đã xác định lại thì phần chênh lệch được bù trừ vào số thuế thu nhập doanh nghiệp từ năm 2020 đến hết năm 2024. Kết thúc thời hạn trên, không xử lý số thuế còn lại chưa bù trừ hết.
Hiệp hội nhận thấy: “Nghị định 132 quy định hoàn thuế đối với mức trần chi phí lãi vay được khấu trừ, mà doanh nghiệp có giao dịch liên kết đã nộp thuế thu nhập doanh nghiệp (thừa) trong năm 2017-2018, với tổng giá trị khoảng 4.875 tỷ đồng.
Nhưng do không quy định doanh nghiệp được hoàn thuế bằng tiền mặt, mà chỉ được bù trừ vào số thuế thu nhập doanh nghiệp từ năm 2020 đến hết năm 2024, nên chưa thật ‘sòng phẳng’ với doanh nghiệp vì số tiền nộp thừa này là tiền của doanh nghiệp và phát sinh các bất cập”.
HoREA cho rằng, việc hoàn thuế thu nhập doanh nghiệp bằng chính tiền mặt sẽ tạo sự "sòng phẳng". Ảnh: Petro Times |
Theo ông Châu, bất cập trước hết là những doanh nghiệp nếu bị lỗ trong năm 2020-2024, thì coi như không được nhận lại tiền hoàn thuế. Đến hết năm 2024 mà vẫn chưa được hoàn thuế hết số tiền thuế được hoàn trả, thì doanh nghiệp cũng sẽ không được nhận số tiền hoàn thuế còn lại.
Vì lẽ đó, Hiệp hội đề nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét chỉ đạo bổ sung thêm quy định trường hợp doanh nghiệp đến hết năm 2024 chưa nhận được tiền hoàn thuế, hoặc còn một phần tiền hoàn thuế, thì số tiền hoàn thuế này sẽ được hoàn trả lại cho doanh nghiệp bằng tiền mặt.
Advertisement
Advertisement
Đọc tiếp