04/04/2020 18:28
Hoãn khoản làm sân bay Long Thành, dùng tiền “kích” kinh tế hậu Covid-19?
Tạm hoãn các khoản đầu tư công chưa cấp bách, ví dụ như sân bay Long Thành để nguồn vốn này sang hỗ trợ doanh nghiệp.
Tạm hoãn các khoản đầu tư công chưa cấp bách, ví dụ như sân bay Long Thành, chuyển các nguồn vốn này sang hỗ trợ doanh nghiệp là một trong các khuyến nghị các nhà khoa học vừa gửi đến Chính phủ.
Các chuyên gia, nhà khoa học của Đại học Kinh tế Quốc dân thực hiện nghiên cứu và báo cáo các kết quả, kiến nghị tới lãnh đạo Chính phủ. |
Báo cáo Đánh giá tác động của Covid-19 đến nền kinh tế và Khuyến nghị chính sách ứng phó với dịch Covid-19 do trường Đại học Kinh tế Quốc dân thực hiện đề cập, ở Chỉ thị số 11 của Thủ tướng Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội ứng phó dịch Covid - 19, sân bay Long Thành cũng đã được nhắc đến.
Tại đây, Thủ tướng yêu cầu Bộ Giao thông vận tải khẩn trương hoàn thành thủ tục và thúc đẩy giải ngân, thực hiện các dự án đầu tư công quy mô lớn, quan trọng, có tác động lan toả, tạo động lực phát triển kinh tế xã hội, như các dự án mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất, Nội Bài, xây dựng mới sân bay Long Thành, đường cao tốc Bắc - Nam phía đông giai đoạn 2017 - 2020, không được chậm trễ như vừa qua.
Khuyến nghị của các nhà khoa học Trường Đại học Kinh tế Quốc dân là, tạm hoãn các khoản đầu tư công chưa cấp bách, ví dụ như sân bay Long Thành được đề cập trong Chỉ thị 11.
Lập luận đưa ra, thực tế, việc đầu tư sân bay là cần thiết, tuy nhiên trong thời gian này nên chuyển các nguồn vốn này sang hỗ trợ các doanh nghiệp. Sau khi nền kinh tế hồi phục sẽ tiếp tục thực hiện đầu tư.
Vẫn trong nhóm giải pháp về tài chính, các chuyên gia khuyến nghị Bộ Tài chính phối hợp với Bộ KH-ĐT có kế hoạch giải ngân chi tiết cụ thể các dự án lớn, quan trọng, chương trình mục tiêu quốc gia, dự án sử dụng vốn ODA và vay ưu đãi nước ngoài.
Đối với các dự án, công trình sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước thì cho phép tiếp tục giải ngân số vốn còn lại của năm 2019 đến hết tháng 6/2020. Đối với các dự án, công trình quan trọng, cấp bách nhưng chưa bố trí được nguồn vốn thì các bộ, ngành và địa phương chỉ đạo các chủ đầu tư khẩn trương hoàn thành các thủ tục đầu tư và chủ động làm việc với Bộ KH-ĐT, Bộ Tài chính để xử lý nguồn vốn, kể cả việc tạm ứng từ ngân sách nhà nước để thực hiện.
Kiến nghị tiếp theo của nhóm nghiên cứu trường Đại học Kinh tế Quốc dân là tạm hoãn thu hồi các khoản vốn ngân sách nhà nước đã ứng trước kế hoạch 2020. Cho phép tiếp tục giải ngân số vốn trái phiếu Chính phủ còn lại của năm 2019 trong năm 2020. Cho phép điều chỉnh tổng mức đầu tư với các dự án sử dụng nguồn trái phiếu Chính phủ đã có trong danh mục được UB Thường vụ Quốc hội và Thủ tướng Chính phủ giao.
Miễn thuế, miễn phí bảo hiểm xã hội
Theo bản khuyến nghị, Nhà nước nên giảm 50% thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2020 với doanh nghiệp vừa và nhỏ, giảm 50% thuế suất thuế giá trị gia tăng cho các hàng hóa dịch vụ gặp khó khăn, giãn nộp thuế giá trị gia tăng trong 6 tháng, xem xét hoàn ngay thuế giá trị gia tăng đầu vào cho doanh nghiệp xuất khẩu trong 3 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ.
Đáng chú ý, các nhà khoa học khuyến nghị miễn thuế thu nhập cá nhân với các khoản thu nhập, trợ cấp và tiền thưởng được trả cho những người làm việc trên tuyến đầu chống đại dịch. Giãn thuế thu nhập cá nhân phải nộp chuyển tới thời kỳ cuối năm 2020.
Các tác giả bản khuyến nghị cũng cho rằng cần miễn phí bảo hiểm xã hội cho các chế độ hưu trí, tử tuất quý 1 và 2/2020, cho các doanh nghiệp chịu ảnh hưởng nghiêm trọng và ngay lập tức như: hàng không, du lịch, khách sạn, giáo dục (khu vực tư).
Nằm trong nhóm giải pháp an sinh xã hội còn một số khuyến nghị khác như, giãn thời gian đóng bảo hiểm xã hội cho những ngành mà sản xuất bị trì trệ, như một số nhà máy dệt may, da giày, sản xuất đồ gỗ,... do lượng công nhân từ các vùng dịch không tiếp tục làm việc. Miễn đóng bảo hiểm thất nghiệp cho những doanh nghiệp bị xếp hạng trong nhóm gặp khó khăn do tình hình dịch bệnh kéo dài.
Khuyến nghị đáng chú ý khác là tiền lương của người lao động bị cách ly sẽ do bảo hiểm xã hội chi trả. Bởi, một số lao động của các doanh nghiệp sản xuất bị yêu cầu phải cách ly tại nhà, trong khoảng thời gian này các doanh nghiệp vẫn phải trả lương mặc dù người lao động không đi làm.
Chủ đề liên quan
Advertisement
Advertisement
Đọc tiếp