05/01/2021 16:07
Hòa Phát của tỷ phú Trần Đình Long bán hết 10 công ty con, chỉ còn giữ công ty nông nghiệp
Công ty CP Tập đoàn Hòa Phát công bố chuyển nhượng toàn bộ vốn cùng lúc tại 10 công ty con. Lý do thoái vốn được đưa ra là tái cơ cấu tổ chức hoạt động.
Ngày 4/1, HĐQT Công ty CP Tập đoàn Hòa Phát (HPG) đã công bố nghị quyết về việc thoái toàn bộ vốn tại 10 công ty con, chỉ giữ lại công ty nông nghiệp.
Cụ thể, tại mảng sản xuất kinh doanh chính là thép, Hòa Phát thông báo rút toàn bộ vốn khỏi tất cả các công ty con. Bao gồm chuyển nhượng toàn bộ hơn 99,96% vốn của tập đoàn tại Công ty TNHH Ống thép Hòa Phát, tương ứng 1.499,5 tỷ đồng.
Chuyển nhượng toàn bộ 100% vốn tại Công ty TNHH Tôn Hòa Phát, tương ứng 2.000 tỷ đồng.
Chuyển nhượng 100% vốn tại Công ty TNHH Thép Hòa Phát Hưng Yên, tương ứng 1.000 tỷ đồng. Chuyển nhượng toàn bộ 699,988 triệu cổ phần tại Công ty CP Thép Hòa Phát Hải Dương, tương ứng 99,99% cổ phần.
Hòa Phát thoái vốn tại một loạt công ty con hoạt động trong lĩnh vực cốt lõi và thành lập Tổng công ty Gang Thép, Ống thép để quản lý xuyên suốt. Ảnh: HPG |
Chuyển nhượng toàn bộ gần 3 tỷ cổ phần tại Công ty CP Thép Hòa Phát Dung Quất, tương ứng 99,33% vốn sở hữu của Tập đoàn Hòa Phát.
Chuyển nhượng toàn bộ gần 99,88% vốn góp của tập đoàn tại Công ty TNHH Chế tạo Kim loại Hòa Phát, tương ứng 399,5 tỷ đồng.
Tại các lĩnh vực khác, Hòa Phát chuyển nhượng toàn bộ 99,96% vốn điều lệ, tương ứng 49,98 triệu cổ phần Công ty CP Đầu tư Khoáng sản An Thông.
Chuyển nhượng toàn bộ gần 99,85% vốn tại Công ty CP xây dựng và Phát triển Đô thị Hòa Phát, tương ứng 129,8 triệu cổ phần. Doanh nghiệp cũng thoái toàn bộ 99,67% vốn điều lệ tại Điện lạnh Hòa Phát, tương ứng 149,5 tỷ đồng.
Trong danh sách thoái vốn còn có lĩnh vực vốn gắn bó từ thời kỳ đầu hoạt động, là Công ty CP Nội thất Hòa Phát. Doanh nghiệp chuyển nhượng toàn bộ 99,6% vốn điều lệ tại Nội thất Hòa Phát, tương ứng gần 4 triệu cổ phần.
Cuối năm 2020, Tập đoàn Hòa Phát đã công bố kế hoạch thoái vốn khỏi ngành nội thất ngay đầu năm 2021. Với lý do cơ cấu hoạt động sản xuất và vì ngành nội thất mang tính chất thủ công, sử dụng nhiều lao động phổ thông, không phù hợp mô hình sản xuất quy mô lớn, sử dụng dây chuyền máy móc của Hòa Phát hiện nay.
Như vậy, chỉ còn Công ty CP Phát triển Nông nghiệp Hòa Phát được tập đoàn giữ lại. Hiện tập đoàn Hòa Phát nắm 99,99% vốn điều lệ của Nông nghiệp Hòa Phát.
Vào đầu tháng 12/2020, HĐQT Tập đoàn Hòa Phát đã quyết định cơ cấu lại mô hình tổ chức, với các Tổng công ty phụ trách từng lĩnh vực hoạt động của tập đoàn.
Mô hình hoạt động mới của Hòa Phát không còn bóng dáng của ngành nội thất, vốn gắn bó suốt 25 năm, tạo nên tên tuổi. Ảnh: HPG |
Theo quyết định, sẽ có 4 Tổng công ty trực thuộc tập đoàn, bao gồm Tổng công ty Gang Thép, Tổng công ty Ống thép và Tôn mạ màu, Tổng công ty Phát triển Nông nghiệp, Tổng công ty Phát triển Bất động sản.
Trong đó, Tổng công ty Phát triển Nông nghiệp Hòa Phát đã thành lập từ năm 2016. Tổng công ty Phát triển Bất động sản với vốn điều lệ 2.000 tỷ đồng, do Hòa Phát nắm 99,9% vốn, cũng đã được thành lập vào ngày 8/12/2020. Bất động sản Hòa Phát sẽ thực hiện quản lý các hoạt động đầu tư, xây dựng, phát triển bất động sản và các hoạt động phụ trợ.
Hai Tổng công ty Gang thép (quản lý các hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh thép xây dựng) và Tổng Công ty Ống thép - Tôn mạ màu (quản lý các hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh ống thép và tôn mạ màu) cũng thực hiện các thủ tục thành lập trong tháng 12/2020.
Đại diện Tập đoàn Hòa Phát cho biết việc tổ chức quản lý theo mô hình Tổng công ty sẽ giúp điều hành hoạt động thống nhất, xuyên xuốt trong từng lĩnh vực sản xuất kinh doanh. Hòa Phát sẽ không còn xác định công nghiệp khác là trụ cột kinh doanh của mình từ năm 2021.
Kết thúc quý III/2020, HPG cho biết lợi nhuận sau thuế đạt 3.785 tỷ đồng, tăng 63% so với cùng kỳ 2019 và là quý có lợi nhuận cao nhất trong lịch sử doanh nghiệp. Lũy kế 9 tháng, lợi nhuận sau thuế đạt 8.845 tỷ đồng, trong đó mảng kinh doanh sắt thép và nông nghiệp có đóng góp lớn nhất.
Thị phần ống thép của Hòa Phát tăng trưởng mạnh trong 5 năm gần đây, cuối năm 2019 chiếm khoảng 32%, đứng vị trí số 1 nội địa. Mảng nông nghiệp cũng tăng tới 172% trong năm 2019. Và 9 tháng đầu năm 2020, nông nghiệp Hòa Phát đạt doanh thu gần 8.000 tỷ đồng và lợi nhuận ròng khoảng 1.350 tỷ đồng.
Trong báo cáo mới đây, Công ty Chứng khoán Mirae Asset (MASVN) đánh giá Hòa Phát là nhóm 3 doanh nghiệp tiếp tục dẫn đầu lợi nhuận toàn ngành, và hưởng lợi lớn nhất trong năm 2021, từ sự tăng giá thép cuộn cán nóng.
Tính đến 30/9/2020, tổng tài sản của HPG ở mức 117.472 tỷ đồng - trong đó đầu tư tài chính ngắn hạn tăng mạnh so với đầu năm từ 1.374 tỷ lên 8.790 tỷ đồng.
Cổ phiếu HPG của Hòa Phát liên tục lập đỉnh trong năm 2020 đưa giá trị tài sản của tỷ phú Trần Đình Long tăng mạnh mẽ. Cập nhật mới nhất của Forbes tại ngày 26/12, tài sản của tỷ phú Trần Đình Long, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Tập đoàn Hòa Phát đã đạt 2 tỷ USD, xếp thứ 1.756 trong danh sách tỷ phú thế giới. Tài sản của nhà sáng lập Thép Hòa Phát đã tăng khoảng 1 tỷ USD trong thời gian 7 tháng tính từ tháng 5/2020. |
Advertisement
Advertisement
Đọc tiếp