Advertisement

Nhận bản tin

Liên hệ quảng cáo

Email: banbientap@baocungcau.net

Hotline: 0917 267 237

icon logo

Quên mật khẩu?

Có tài khoản? Đăng nhập

Vui lòng nhập mật truy cập tài khoản mới khẩu

Thay đổi email khác
icon

Hoa mắt ù tai với gel rửa tay khô diệt khuẩn giữa đại dịch COVID-19

Chính sách - Hạ tầng

26/03/2020 00:39

Dịch COVID-19 đang bùng phát, nước rửa tay khô trở thành mặt hàng được săn lùng, nhưng chọn loại nào khi thị trường tràn ngập sản phẩm khẳng định diệt khuẩn đến 99,9%?

Hoa mắt với gel rửa tay diệt khuẩn 99,9%

Tại các hệ thống siêu thị như AEON, Bách Hóa xanh hay BigC... hiện bày bán khá nhiều thương hiệu nước rửa tay như: Lifebuoy, Vedette, Lamcosme, Lavox, Dr. Lean… có giá dao động từ 27.000-80.000 đồng/chai. Và hầu như tất cả các thương hiệu gel rửa tay này đều có dòng chữ diệt khuẩn 99,9% ngay mặt tiền của sản phẩm.

Tất cả các sản phẩm đều có nguồn gốc xuất xứ nơi sản xuất, thời hạn sử dụng, thành phần sản phẩm và hướng dẫn sử dụng… Tuy nhiên, trước những lùm xùm về vấn đề "giệt khuẩn" những ngày qua, điều người tiêu dùng quan tâm là đơn vị nào kiểm định, và sản phẩm có thực sự tiêu diệt được 99,9% vi khuẩn và đó là những loại vi khuẩn nào? Quan trọng hơn, ở thời điểm người tiêu dùng cần biết là các loại gel rửa tay này có tiêu diệt được virus corona hay không?

Hầu như các sản phẩm đều khẳng định diệt khuẩn được 99,9%. Ảnh: Cẩm Viên
Hầu như các sản phẩm đều khẳng định diệt khuẩn được 99,9%. Ảnh: Cẩm Viên

Chị Trang Linh (32 tuổi, quận Tân Phú, TP.HCM) chia sẻ: “Lúc trước siêu thị bày bán khá nhiều thương hiệu nước rửa tay và gia đình tôi hay dùng Green Cross nhưng tình hình dịch COVID-19 căng thẳng nên nước rửa tay cũng khan hiếm chỉ còn vài sản phẩm trên kệ.

Trên mạng tôi thấy cũng rao bán khá nhiều loại với giá tăng gấp 2, 3 lần mà không rõ nguồn gốc như thế nào nên cứ vào siêu thị mua cho chắc, giá cũng bình ổn. Đối với các loại gel rửa tay tôi nghĩ chỉ dùng tạm thời khi cấp bách, tiện cho việc mang đi xa chứ rửa tay bằng xà phòng tôi nghĩ vẫn an toàn hơn”.

Sản phẩm nước rửa tay khô bán tại siêu thị AEON Tân Phú. Ảnh: Cẩm Viên. 
Sản phẩm nước rửa tay khô bán tại siêu thị AEON Tân Phú. Ảnh: Cẩm Viên. 

Khi được hỏi về sản phẩm nước rửa tay khô 3K Lamcosmé có dòng chữ "diệt khuẩn 99,9%" rõ to ngay mặt trước và sau của sản phẩm, nhân viên bán hàng cho biết: “Nước rửa tay khô 3K Lamcosmé là dòng sản phẩm công thức nghiên cứu từ Pháp với dây chuyền sản xuất tiên tiến. Theo đơn vị sản xuất, toàn bộ nguyên liệu đều được nhập khẩu hoàn toàn từ châu Âu… với tiêu chuẩn khắt khe. Còn đơn vị nào kiểm định về khả năng diệt khuẩn thì không thấy ghi trên sản phẩm”.

Theo PV quan sát kỹ trên nhãn mác của sản phẩm này, không thấy ghi rõ sản phẩm được kiểm định theo quy chuẩn hay quy định nào của Bộ Y tế. Các sản phẩm hầu hết được sản xuất trong tháng 3/2020 và có thời hạn sử dụng đến năm 2023.

Rất nhiều sản phẩm rửa tay được bày bán tại siêu thị nhưng người tiêu dùng khó mà biết loại nào diệt khuẩn hiệu quả. Ảnh: Cẩm Viên. 
Rất nhiều sản phẩm rửa tay được bày bán tại siêu thị nhưng người tiêu dùng khó mà biết loại nào diệt khuẩn hiệu quả. Ảnh: Cẩm Viên. 

Việc kiểm định gel rửa tay có thật sự diệt khuẩn đến 99,9% hay không rầm rộ nổi lên khi người tiêu dùng từng đặt câu hỏi với sản phẩm Gel rửa tay On1 của Công ty CP bột giặt Lix. Ngay sau đó, sản phẩm này bất ngờ "đứt hàng" ở hầu hết siêu thị cũng như trên mạng. Chúng tôi phải tìm đỏ mắt mới thấy một hiệu thuốc Pharmacity ở TP.HCM bán gel rửa tay khô On1.

Theo Sở Y tế Bình Dương, sản phẩm này có công dụng làm sạch, làm thơm, ghi “dùng làm sạch khuẩn nhanh, vô trùng tay hàng ngày” là sai. Đây có lẽ là nguyên nhân khiến sản phẩm này bỗng dưng hết hàng. Ngay sau đó, đơn vi sản xuất đã công bố thông tin thay mẫu mới cho gel rửa tay khô On1 và khẩu hiệu "sạch khuẩn 99,9%" không còn nữa.

Mẫu mới (chai nhỏ) của gel rửa tay khô On1 không còn
Mẫu mới (chai nhỏ) của gel rửa tay khô On1 không còn "sạch khuẩn 99,9%".

Với mẫu mới chuẩn bị được tung ra thị trường, phần giới thiệu công dụng cũng được nhà sản xuất lược bớt nội dung, hiện chỉ còn "Dùng để làm sạch da tay..." thay vì "Dùng để làm sạch khuẩn nhanh, vô trùng tay hàng ngày” như mẫu cũ.

Công ty CP bột giặt Lix cho rằng, các lô hàng sau này công ty đã thay đổi nhãn mác để phù hợp với quy định của pháp luật. Với việc bỏ khẩu hiệu "sạch khuẩn 99,9%" khỏi mẫu mới, nhưng chất lượng sản phẩm không thay đổi, có nghĩa là nhà sản xuất ngầm thừa nhận rằng sản phẩm gel rửa tay khô On1 không thể làm sạch khuẩn nhanh hay ít nhất là không thể làm sạch khuẩn 99,9%?

Cần lưu ý gì khi mua nước rửa tay sát khuẩn?

Nước rửa tay khô là sản phẩm được điều chế dưới dạng dung dịch có thể là dạng xịt hoặc dạng gel dùng để làm sạch tay khi bị dính bẩn, sát khuẩn mà không cần dùng đến nước.

Theo tiêu chuẩn của FDA – Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ, các dòng nước rửa tay khô thường có thành phần bao gồm hóa chất Ethanol, Deionized, Sodium Lactate và các hương liệu … Trong đó, Ethanol là thành phần cơ bản có khả năng giết chết vi sinh vật, vi khuẩn bằng cách làm biến đổi tính chất của lớp vỏ bọc protein khiến virus tê liệt, ngưng hoạt động.

Theo Thạc sĩ Nguyễn Thị Hạnh Hoa, Trung tâm phát triển Khoa học và Công nghệ trẻ TP.HCM, trên nguyên tắc thì nước rửa tay, xà bông cục thường dùng mà công bố kiểm nghiệm diệt khuẩn 99% đều có khả năng làm sạch vi khuẩn trên da dựa trên nguyên lý rửa trôi (tính nhờn của kiềm) kèm với một số chất bổ sung mới như Ion bạc có tính sát khuẩn diệt virus tăng hiệu quả. Để rửa trôi vi khuẩn cần đủ 6 bước, đủ khoảng 30s theo khuyến cáo của Bộ Y tế. Nguyên lý rửa trôi là chính chứ không hẳn làm chết hay tiêu diệt vi khuẩn.

Người tiêu dùng khó mà biết được sản phẩm nào có công dụng sát khuẩn đạt chuẩn trên thị trường. Ảnh: Cẩm Viên.
Người tiêu dùng khó mà biết được sản phẩm nào có công dụng sát khuẩn đạt chuẩn trên thị trường. Ảnh: Cẩm Viên.

Còn nước rửa tay khô làm từ cồn nguyên chất 70% hoặc có thể có các chất phụ gia, hương liệu, chất làm đặc... dùng để rửa tay nhanh hiệu quả diệt virus, vi khuẩn, nguyên tắc là diệt khuẩn nhờ nồng độ cồn cao (virus, vi khuẩn bị nồng độ cồn cao xâm nhập cơ thể sẽ bị vô hiệu gây chết). Với loại này thời gian rửa tay sẽ nhanh hơn nên đa phần nước rửa tay, gel rửa tay khô dùng cồn 70% là hợp lý.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia y tế, không hẳn cứ dùng còn 70% là có thể diệt khuẩn 99,9% như nhiều nhãn hiệu quảng cáo. Khả năng diệt khuẩn của sản phẩm còn phụ thuộc vào chất lượng cồn, vì công dụng của cồn y tế khác cồn công nghiệp. Ngoài ra, vấn đề đạt chất lượng theo tiêu chuẩn nào của cơ quan chức năng cũng rất quan trọng. 

Do đó, người tiêu dùng cần kiểm tra thành phần có đúng cồn 70% không khi mua vì nếu nồng độ cồn quá thấp không có tác dụng mà nồng độ quá cao thì bay hơi nhanh cũng không hiệu quả. Đây là điều kiện cần nhưng chưa đủ vì như đã nói ở trên, quan trọng nhất vẫn là chất lượng cồn và điều kiện kiểm nghiệm. Nhiều sản phẩm có phiếu kiểm nghiệm đặt chuẩn hẳn hoi nhưng không hẳn đã đạt yêu cầu về giệt khuẩn.

Tốt nhất là người tiêu dùng nên chọn mua dung dịch sát khuẩn, nước rửa tay của những cơ sở sản xuất uy tín, nhãn mác rõ ràng (đã được Cục Quản lý Dược, Bộ Y tế cấp phép).

Người tiêu dùng nên đọc kỹ thành phần trước khi mua. Ảnh: Cẩm Viên. 
Người tiêu dùng nên đọc kỹ thành phần trước khi mua. Ảnh: Cẩm Viên. 

Một loại nữa là nước sát trùng, loại này công hiệu mạnh do thành phần là chất có tính oxi hoá được điện phân từ muối ăn. Có khả năng diệt virus, vi khuẩn, nấm mốc khá mạnh. Nên dùng phổ biến để diệt khuẩn môi trường, những nơi ô nhiễm cao và tẩy trùng dụng cụ y tế, lau chùi nhà cửa.

Loại này làm chết vi khuẩn, virus nấm mốc dựa trên nguyên lý oxi hoá làm phá vỡ đặc tính sinh học cấu trúc tế bào virus, vi khuẩn nấm mốc kiểu phản ứng hoá học làm nó biến thành “xác chết”. Tuy nhiên nếu dùng rửa tay thì phải pha loãng ra với tỷ lệ đúng để tránh làm bào mòn da tay. 

Hiện tại Trung tâm Phát triển Khoa học Công nghệ trẻ TP.HCM cùng đội ngũ các nhà khoa học trẻ nghiên cứu thực hiện quy trình công nghệ điện phân nước Envirolte tặng cho cộng đồng dùng để sát khuẩn, phòng dịch. Sản phẩm đã được kiểm định chất lượng quốc tế và được phép sử dụng rộng rãi trong cộng đồng để sát khuẩn, phòng tránh dịch bệnh COVID-19.

Các trường học, cơ sở Đoàn có nhu cầu nhận dung dịch sát khuẩn phòng dịch Covid 19 miễn phí, liên hệ văn phòng của Trung tâm Phát triển khoa học-công nghệ trẻ TP.HCM, tại số 5 Đinh Tiên Hoàng, phường Đa Kao (quận 1). Hiện tại Trung tâm đã phát miễn phí nước rửa tay đến hơn 1.100 đơn vị với gần 40.000 lít dung dịch.

Vừa qua, Bộ Y tế cũng có công văn đề nghị Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương kiểm tra hồ sơ công bố đối với sản phẩm chế phẩm diệt khuẩn tay không dùng nước. Đây được xem là động thái cứng rắn của Bộ Y tế trong bối cảnh dịch bệnh do virus corona (COVID-19) diễn biến rất phức tạp, lợi dụng nhu cầu của người tiêu dùng tăng cao, một số doanh nghiệp đã tung ra thị trường một số sản phẩm dung dịch rửa tay không dùng nước không đảm bảo đối với những quy chuẩn pháp luật.

Cụ thể, để thực hiện đúng các quy định về quản lý trang thiết bị y tế, Bộ Y tế (Vụ Trang thiết bị và công trình y tế) đề nghị Sở Y tế các tỉnh, thành phố phối hợp các nội dung sau: Không tiếp nhận hồ sơ mới đề nghị công bố tiêu chuẩn áp dụng đối với trang thiết bị y tế thuộc loại A đối với các sản phẩm trên; 

Việc phân loại sản phẩm trên là trang thiết bị y tế thuộc loại A và công bố tiêu chuẩn áp dụng trang thiết bị y tế thuộc loại A là không đúng quy định, đề nghị Sở Y tế thực hiện kiểm tra, thu hồi các phiếu tiếp nhận công bố và đăng tải công khai trên cổng thông tin điện tử đồng thời gửi báo cáo về Bộ Y tế (Vụ trang thiết bị và Công trình y tế) trước ngày 22/2/2020.

Tăng cường kiểm tra, giám sát và phối hợp với các đơn vị liên quan để xử lý nghiêm đối với các tổ chức, cá nhân vi phạm trong lĩnh vực y tế theo quy định của pháp luật.

VIÊN VIÊN
iconChia sẻ icon Chia sẻ
icon Chia sẻ

Advertisement