21/02/2024 08:31
Hoa hồi thành nông sản xuất khẩu triệu USD sang Ấn Độ
Việt Nam may mắn sở hữu một trong những sản vật quý hiếm của thế giới là hoa hồi từ cây hồi. Các thị trường như Ấn độ, Trung Đông, Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ và các nước châu Âu là những quốc gia, khu vực tiêu thụ mạnh sản phẩm quý giá này.
Hoa hồi là một sản vật quý chỉ có ở các tỉnh Đông Bắc Việt Nam. Bên cạnh là một cây gia vị được nhiều quốc gia ưa chuộng, hoa hồi còn là một bài thuốc quý đối với những người mắc bệnh xương khớp.
Hoa hồi thực chất là quả, mỗi hoa gồm 5-8 cánh hình thoi xếp thành hình sao hoặc nan hoa. Loài cây này không mất nhiều công chăm sóc, chỉ việc lấy hạt hoặc cây con cắm xuống đất rồi để cây tự lớn.
Thân cây hồi có những hương vị đặc trưng như hạt giống, được ăn như rau. Cây hồi thường cho hoa từ tháng 3 đến tháng 5, đến tháng 7, tháng 9 hoa hồi bắt đầu chín và người dân có thể thu hoạch. Thông thường một cây đại hồi có tuổi đời từ 5 năm trở lên mới được lấy quả, mỗi năm cũng chỉ được thu hoạch 2 vụ nên hoa hồi đã hiếm lại càng quý hơn.
Hạt được chế biến và sử dụng trọng một số sản phẩm thực phẩm. Bột hoa hồi rất thích hợp cho việc làm bánh và là gia vị chủ yếu cho nhiều công thức nấu ăn.
Việc đem hoa hồi xuất khẩu có ý nghĩa chiến lược trong việc tạo đầu ra ổn định cho sản phẩm, giúp lợi nhuận thu được ở mức cao hơn.
Theo số liệu thống kê sơ bộ từ Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam (VPA), xuất khẩu hoa hồi trong tháng 1/2024 đạt 879 tấn với trị giá hơn 4,5 triệu USD, giảm 18,8% so với tháng trước nhưng tăng mạnh 32% so với tháng 1/2023.
Ấn Độ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với 499 tấn, chiếm 57% tỷ trọng. Trong cả năm 2023, nước ta thu về 83 triệu USD từ xuất khẩu hoa hồi, sản lượng đạt 16.136 tấn, tăng mạnh 26% về lượng.
Giá xuất khẩu bình quân năm 2023 đạt 6.376 USD/tấn, giảm 8% so với năm trước. Trong cả năm 2023, Ấn Độ và Trung Quốc giữ vai trò là 2 thị trường lớn nhất với 7.860 tấn và 4.116 tấn, lần lượt chiếm 48,7% và 25,5% thị trường xuất khẩu.
Năm 2023, Prosi Thăng Long vượt qua Nedspice Việt Nam cũng là đơn vị xuất khẩu hoa hồi lớn nhất Việt Nam, chiếm thị phần 14,8%, tương đương 2.396 tấn, tăng gần 183% so với năm 2022.
Được thành lập vào năm 2006, công ty cổ phần Prosi Thăng Long là nhà sản xuất, xuất khẩu và phân phối gia vị và các loại hạt. Ngoài hoa hồi, Prosi Thăng Long tập trung vào các sản phẩm chủ lực là hạt điều, hạt tiêu, quế, dừa nạo sấy.
Các mặt hàng, sản phẩm từ quế hồi và cây dược liệu đang ngày càng được quan tâm và mở rộng thị trường xuất khẩu do những thay đổi trong nhận thức, quan điểm và thị hiếu của người tiêu dùng với lối sống xanh, sạch, tốt cho sức khỏe và hỗ trợ tăng miễn dịch.
Bên cạnh đó, sự phát triển mạnh mẽ của ngành công nghiệp sản xuất dược phẩm, thực phẩm chức năng, chế biến thực phẩm, mỹ phẩm, dược phẩm toàn cầu, sự phổ biến rộng rãi của văn hóa ẩm thực sử dụng hương liệu tự nhiên, truyền thống, mang đậm bản sắc của các quốc gia.
Tỉnh Lạng Sơn của nước ta được mệnh danh 'thủ phủ' của cây hồi với diện tích trồng khoảng 40.000 ha với sản lượng hàng năm hơn 16.000 tấn và giá trị kinh tế trung bình hàng năm đạt trên 1.000 tỷ đồng.
Việt Nam hiện là một trong những quốc gia mạnh về xuất khẩu gia vị với vị trí đứng đầu thế giới về sản xuất và xuất khẩu hồ tiêu, đứng số 1 thế giới về xuất khẩu quế, đứng thứ 2 thế giới về xuất khẩu hoa hồi.
Ngoài ra, các mặt hàng gia vị khác cũng chiếm vị trí khá quan trọng như ớt, đinh hương, gừng, bạch đậu khấu....Các thị trường nhập khẩu gia vị Việt Nam cũng ngày càng đa dạng như Mỹ, EU, Trung Quốc, Ấn Độ và Trung Đông.
Theo Fortune Business Insights, tổng giá trị thị trường sản phẩm từ thảo dược dự kiến có thể đạt 430 tỷ USD vào năm 2028. Trước xu hướng gia tăng nhu cầu nguyên liệu trong các ngành công nghiệp thực phẩm, hóa mỹ phẩm, dược phẩm…cùng nhiều Hiệp định thương mại tự do được ký kết, sản phẩm quế, hồi Việt Nam có thêm động lực, thời cơ phát triển hơn nữa trong thời gian tới.
Có thể thấy, giá trị của hoa hồi, lá hồi nếu qua chế biến sẽ cao hơn hẳn bán sản phẩm tươi nhưng số lượng các hộ dân, tổ hợp tác tham gia chế biến còn nhỏ lẻ. Cùng với đó, sản phầm hồi trên địa bàn tỉnh hiện nay phụ thuộc rất lớn vào thị trường Trung Quốc, Ấn Độ.
Với những tiềm năng của cây hồi, ngoài việc mở rộng diện tích, Việt Nam cần kêu gọi các nhà đầu tư để xây dựng nhà máy chế biến các sản phẩm từ cây hồi. Tập trung chế biến sâu từ hồi, nếu có nhà máy sẽ giúp bao tiêu toàn bộ sản lượng hồi, qua đó, giúp người trồng được hưởng lợi, có đầu ra ổn định, bền vững, tạo ra nhiều sản phẩm để đáp ứng nhu cầu xuất khẩu sang các nước, góp phần đem lại thu nhập cao cho người trồng hồi.
Tin liên quan
Advertisement
Advertisement
Đọc tiếp