Advertisement

Nhận bản tin

Liên hệ quảng cáo

Email: banbientap@baocungcau.net

Hotline: 0917 267 237

icon logo

Quên mật khẩu?

Có tài khoản? Đăng nhập

Vui lòng nhập mật truy cập tài khoản mới khẩu

Thay đổi email khác
icon

Hỗ trợ thuế thời đại dịch, đừng quên nhà đầu tư cá nhân!

Chính sách - Hạ tầng

11/04/2020 08:17

Trong số các đối tượng được Bộ Tài chính đề xuất Chính phủ xem xét gia hạn nộp thuế không có nhà đầu tư cá nhân trên TTCK. Trong khi đó, theo ý kiến từ nhiều thành viên thị trường, nhà đầu tư cá nhân đáng được xem xét giảm, hoãn, thậm chí là miễn 2 sắc thuế đang áp dụng hiện nay.

Ngành “dịch vụ thiết yếu”, nhưng chủ thể chính không có tên trong danh sách hỗ trợ

Muốn vỗ tay không thể chỉ bằng một bàn tay. TTCK duy trì hoạt động với một bên là các doanh nghiệp niêm yết, tổ chức kinh doanh chứng khoán cung cấp hàng hóa, dịch vụ, một bên là các nhà đầu tư.

Trong lúc dịch bệnh làm suy giảm dòng chảy tài chính toàn cầu, thị trường Việt Nam rất cần có các giải pháp duy trì “đôi bàn tay khỏe”, đồng nhịp, mới hy vọng trụ vững và vượt qua khó khăn.

Nhằm hỗ trợ TTCK trong bối cảnh bị tác động tiêu cực bởi dịch Covid-19, sau khi ban hành Thông báo 131/TB-UBCK về triển khai hoạt động TTCK trong mùa dịch Covid- 19 gửi các thành viên thị trường, trong đó khẳng định hoạt động giao dịch trên TTCK là dịch vụ thiết yếu và phải được đảm bảo tổ chức giao dịch an toàn, ổn định, thông suốt trong mọi tình huống, Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước Trần Văn Dũng ký Công văn số 2194/UBCK-VP gửi ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đề nghị đưa chứng khoán vào danh mục ngành "dịch vụ thiết yếu" để tạo điều kiện cho TTCK nói chung, các hoạt động liên quan đến TTCK nói riêng trên địa bàn tỉnh, thành phố được hoạt động bình thường.

Hỗ trợ thuế thời đại dịch, đừng quên nhà đầu tư cá nhân!

Mong muốn TTCK hoạt động thông suốt trong lúc khó khăn, nhưng nhìn lại các giải pháp hỗ trợ nói chung, thuế, phí nói riêng đã và sắp triển khai lại thấy, phía “bàn tay” là nhà đầu tư dường như chưa được quan tâm đúng mức.

Trong gói hỗ trợ về tài khóa lên đến 180.000 tỷ đồng mà Bộ Tài chính vừa trình Chính phủ xem xét ban hành tại dự thảo Nghị định gia hạn thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất, không có đối tượng được hỗ trợ là nhà đầu tư trên TTCK, cụ thể là các nhà đầu tư cá nhân, mặc dù dự thảo bổ sung nhiều đối tượng được hỗ trợ về thuế như hoạt động kinh doanh bất động sản, cá nhân hoạt động sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ ưu tiên phát triển…

“Lúc thị trường phát triển bình thường, chứ đừng nói lúc khó khăn này, nhà đầu tư cá nhân cũng cần được quan tâm đặc biệt, bởi họ đóng vai trò quan trọng đối với sự phát triển của TTCK. Lúc này, càng cần tính toán các giải pháp để hỗ trợ cho họ đi bền cùng thị trường, vượt qua khó khăn do đại dịch Covid-19 gây ra…”, luật sư Phùng Anh Tuấn, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính Việt Nam (VAFI) đề xuất như vậy khi trao đổi với phóng viên Báo Ðầu tư Chứng khoán.

Do ảnh hưởng của đại dịch, nhà đầu tư nước ngoài đang xác lập chuỗi bán ròng dài nhất lịch sử với trên 30 phiên và bán mạnh.

Trong bối cảnh này, sức cầu của nhà đầu tư nội là lực lượng chính tạo nên thanh khoản trên 6.000 tỷ đồng mỗi phiên trên thị trường.

Trong thẩm quyền của mình, Bộ Tài chính đã kịp thời ban hành chính sách miễn, giảm giá một số dịch vụ chứng khoán, nhưng mức hỗ trợ còn rất nhỏ.

Ðiều mà thị trường mong đợi là chính sách giảm thuế cần tính đến nhà đầu tư cá nhân, để ít nhất cũng hạn chế tình trạng lỗ nặng vẫn phải chịu thuế thu nhập, hay tình trạng thuế đánh chồng thuế hiện nay.

Nên miễn, giảm thuế cho nhà đầu tư cá nhân

Tham khảo đề xuất từ nhiều công ty chứng khoán, chuyên gia, nhà đầu tư, Báo Ðầu tư Chứng khoán ghi nhận các ý kiến đều cho rằng, Bộ Tài chính, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước nên đề xuất Chính phủ, Quốc hội giãn, giảm, miễn thuế cho nhà đầu tư cá nhân.

Ở phương án hỗ trợ thiết thực nhất, Chính phủ nên xem xét đề xuất Quốc hội miễn 2 loại thuế cho nhà đầu tư cá nhân.

Theo đó, cùng với miễn 5% thuế khi nhận cổ tức bằng tiền mặt, cần miễn thuế thu nhập từ đầu tư chứng khoán với thuế suất 0,1%/giá trị giao dịch từng lần đang được thu với hoạt động đầu tư trên thị trường cơ sở lẫn thị trường phái sinh.

Chia sẻ với Báo Ðầu tư Chứng khoán, tổng giám đốc một công ty chứng khoán đang niêm yết trên HOSE cho rằng, về nguyên tắc, khi thị trường cơ sở giảm điểm, nhà đầu tư chuyên nghiệp hoàn toàn có thể sử dụng công cụ trên thị trường phái sinh để phòng vệ rủi ro. Thế nhưng họ đã không làm như vậy.

“Ngoài lý do quan ngại rủi ro lớn vì dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến xấu trên phạm vi toàn cầu, còn một nguyên nhân chúng tôi ghi nhận được là thuế đánh vào giao dịch hợp đồng tương lai chỉ số đối với nhà đầu tư hiện nay cao và bất hợp lý.

Về bản chất, đây chỉ là ghi nhận vị thế, chứ không phải thu nhập. Việc đánh thuế vừa cao, vừa không hợp lý khiến cho nhà đầu tư chuyên nghiệp không mặn mà sử dụng sản phẩm phái sinh để phòng vệ rủi ro cho danh mục cổ phiếu mà họ đầu tư. Theo đó, khi xuất hiện rủi ro họ thường chọn giải pháp bán ra, dẫn đến càng khuyếch đại sự suy giảm của thị trường...”, ông nói.

Trong trường hợp chỉ được chọn miễn 1 trong 2 loại thuế trên, nhiều ý kiến cho rằng, Nhà nước nên cho phép miễn 5% thuế đánh vào nhà đầu tư khi nhận cổ tức bằng tiền mặt.

Ðây là giải pháp thiết thực giúp nhà đầu tư thêm lý do để nắm giữ cổ phiếu dài hạn, ở lại với thị trường vượt qua khó khăn để hưởng cổ tức, tránh bán tháo thêm gây áp lực lên đà giảm đã quá sâu vừa qua.

Ðề xuất giảm, giãn, miễn thuế là mong muốn chung của nhiều nhà đầu tư, nhưng mức cụ thể như thế nào thì có nhiều quan điểm.

Ông Nguyễn Hòa Bình, nhà đầu tư tại Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) cho biết, thực ra khoản nộp thuế không phải quá lớn, nhưng quan trọng nhất nhà đầu tư cần được chia sẻ và có niềm tin rằng, Quốc hội, Chính phủ đang ứng xử với TTCK đúng như vị thế “ngành dịch vụ thiết yếu”.

“Theo tôi, để giảm cả thì khó, nhưng giảm ít nhất 50% mức thuế thu nhập cá nhân đối với giao dịch chứng khoán, tức là giảm từ 0,1%/giá trị chuyển nhượng từng lần về 0,05%... là việc nên làm. Chúng tôi theo dõi thông tin hàng ngày và chờ đợi thông điệp từ Chính phủ, Quốc hội”, ông Bình nói.

Cần tính toán giải pháp tổng thể trước đề xuất hỗ trợ nhà đầu tư cá nhân về thuế

Bà Nguyễn Thị Cúc, Chủ tịch Hội tư vấn Thuế Việt Nam.

Thực ra, thông qua giải pháp miễn, giảm giá dịch vụ trong lĩnh vực chứng khoán mà Bộ Tài chính đã triển khai, thì một phần đã hỗ trợ cho nhà đầu tư cá nhân trong lúc thị trường khó khăn này.

Liên quan đến các giải pháp hỗ trợ về thuế, hiện nay theo đề xuất của Bộ Tài chính tại dự thảo Nghị định gia hạn thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất, các biện pháp hỗ trợ về giãn thuế mới tập trung đối với thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế giá trị gia tăng, mà chưa có thuế thu nhập cá nhân.

Bởi vậy, muốn áp dụng biện pháp hỗ trợ về thuế thu nhập cá nhân đối với nhà đầu tư chứng khoán, đòi hỏi nhà quản lý phải tính toán, cân nhắc mang tính tổng thể về các giải pháp giãn thuế thu nhập cá nhân nếu cần đối với nhiều đối tượng, trong đó có nhà đầu tư cá nhân trên TTCK, khi đó mới có lý lẽ thuyết phục để đề xuất áp dụng với nhiều đối tượng, chứ không riêng nhà đầu tư cá nhân trên TTCK.

Nên giảm ít nhất 50% thuế thu nhập cá nhân đối với thu nhập chứng khoán...

Ông Nguyễn Văn Mạnh, Chuyên gia chứng khoán

Ðầu tư chứng khoán rủi ro lớn, nên lẽ ra cơ chế thuế nên khuyến khích với những nhà đầu tư tham gia thị trường.

Việc duy trì thu thuế 5% đối với nhà đầu tư khi nhận cổ tức bằng tiền mặt là không hợp lý, bởi thuế chồng thuế. Khi nhà đầu tư mua cổ phiếu chính là họ đã góp vốn vào công ty, khi doanh nghiệp phát sinh thu nhập thì đã phải nộp thuế thu nhập doanh nghiệp. Ðó là chưa kể các loại thuế khác.

Theo tôi, phần lợi nhuận sau thuế chia cổ tức cho cổ đông bị đánh thuế thêm một lần nữa là thuế chồng thuế. Trong bối cảnh thị trường khó khăn này, giải pháp Nhà nước cần làm là miễn toàn bộ thuế với nhà đầu tư khi nhận cổ tức bằng tiền. Ðiều này về bản chất là “sửa sai” của quy định đánh thuế, chứ chưa hẳn là hỗ trợ nhà đầu tư.

Tuy nhiên, nếu làm được sẽ mang lại lợi ích kép đối với TTCK trong lúc khó khăn này. Ðó là không chỉ khuyến khích nhà đầu tư nắm giữ, mà còn gia tăng tỷ lệ sở hữu cổ phiếu để hưởng cổ tức mà không lo bị đánh thuế.

Cùng với miễn toàn bộ thuế nhận cổ tức, sẽ là lý tưởng với nhà đầu tư nếu được miễn luôn thuế thu nhập từ giao dịch chứng khoán.

Trường hợp nhà quản lý chưa ủng hộ phương án này, thì trong bối cảnh thị trường khó khăn kéo dài như hiện tại, ít nhất nên giảm 50% thuế thu nhập từ giao dịch chứng khoán về mức 0,05%/giá trị giao dịch từng lần.

NGUYỄN HỮU
iconChia sẻ icon Chia sẻ
icon Chia sẻ

Advertisement