28/01/2018 11:19
Hồ tiêu Việt Nam chiếm hơn 50% sản lượng thế giới nhưng vẫn bấp bênh
Năm 2010 cả nước chỉ trồng 51.500ha hồ tiêu thì đến năm 2017 diện tích đã lên hơn 152.000ha, tăng 196,3% so với năm 2010 và vượt quy hoạch trên 100.000ha.
Rớt giá lẫn sản lượng
Khảo sát thực tế ở nhiều địa phương trồng hồ tiêu cho thấy, giá hồ tiêu và sản lượng ở nhiều địa phương giảm mạnh so với những năm trước khiến nông dân điêu đứng. Điển hình là giá hồ tiêu ở các tỉnh Tây Nguyên giảm sâu, đứng giá kéo dài nên các nông hộ sản xuất, kinh doanh hồ tiêu đành găm hàng chờ giá tăng lên mới bán ra.
Cụ thể, giá hồ tiêu ở Tây Nguyên giảm xuống chỉ còn 61.000-62.000 đồng/kg, giảm từ 3.000-4.000 đồng/kg so với đầu tháng 1 và giảm gần 160.000 đồng/kg so với cách đây 4 năm.
Anh Phạm Văn Hùng, ở xã Nâm N’Jang, vùng trọng điểm tiêu của huyện Đắk Song tỉnh Đắk Nông chia sẻ, trong vài năm gần đây, giá tiêu hạt ngày càng giảm sâu nên người dân cũng bớt ồ ạt mở rộng diện tích cây hồ tiêu.
Gia đình anh có gần 2ha tiêu đang vào thời kỳ thu hoạch, dự tính có khả năng đạt gần 6 tấn nhưng với mức giá xuống thấp như hiện nay, gia đình thu hoạch xong phơi khô, cất vào kho chờ giá lên mới tính.
Tương tự, Đồng Nai cũng đang bước vào mùa thu hoạch hồ tiêu 2017-2018 nhưng nông dân kém vui. Giá hồ tiêu chỉ dao động từ 60.000-62.000 đồng/kg. Đây là mức giá thấp nhất trong 10 năm trở lại đây.
Giá tiêu giảm, nông dân các tỉnh Tây Nguyên phơi khô rồi đem cất chờ giá lên. |
Năm vừa qua khí hậu thay đổi, mưa kéo dài trùng với thời điểm cây tiêu ra hoa nên năng suất các vườn tiêu giảm mạnh. Nông dân Đồng Nai ước tính, năng suất hồ tiêu vụ này chỉ bằng 50% so với vụ trước.
Gia đình ông Nguyễn Xuân Hường ở ấp 8, xã Sông Ray, huyện Cẩm Mỹ, tỉnh Đồng Nai có 4ha hồ tiêu. Thời kỳ tiêu được giá, mỗi năm 1ha tiêu ông Hường thu lãi khoảng 700 triệu đồng. Từ giữa năm 2016 đến nay, loại nông sản này liên tục rớt giá, lợi nhuận ông Hường thu được giảm dần. Với mức giá như hiện nay, ông không có lãi.
“Hơn 1 năm qua, giá tiêu dao động từ 70.000-100.000 đồng/kg. Giá không cao nhưng người trồng vẫn có lãi. Từ khi bước vào vụ thu hoạch tiêu 2017-2018, giá rớt thê thảm. Trồng hồ tiêu chi phí rất lớn, nếu giá chỉ khoảng 60.000 đồng/kg, nông dân không có lãi. Với những hộ vay mượn ngân hàng để trồng tiêu, mức giá này khiến họ bị lỗ”, ông Hường nói.
Tại các vùng trồng tiêu lớn ở Đồng Nai như huyện Xuân Lộc, Trảng Bom, thị xã Long Khánh… hồ tiêu vẫn được thương lái thu mua với giá như trên. Do giá thấp, nhiều hộ chọn cách cất giữ hồ tiêu, chờ giá lên mới bán.
Ngoài ra, năm vừa qua, khí hậu thay đổi, thời tiết mưa nhiều, đặc biệt mưa kéo dài cùng thời điểm cây tiêu ra hoa nên năng suất các vườn tiêu giảm mạnh. Nông dân ước tính, năng suất hồ tiêu vụ này chỉ bằng 50% so với vụ trước.
Ông Trần Hữu Thắng, Chủ nhiệm Câu lạc bộ tiêu năng suất cao Phước Lộc, huyện Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai cho hay, hồ tiêu năm nay mất mùa, mất giá, nông dân đang rất lo. Vì giá thấp nên sau khi thu hoạch, người dân phơi khô, đem tiêu tích trữ.
Còn nông dân trồng tiêu ở Bà Rịa-Vũng Tàu cũng ngồi trên lửa vì giá hồ tiêu đang ở mức 65.000-66.000 đồng/kg. Đây là mức giảm sâu kỷ lục trong nhiều năm qua, trong khi vụ thu hoạch tiêu đang đến gần. Theo nhận định của các hộ trồng tiêu trên địa bàn tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, hầu hết các vườn tiêu năng suất đều giảm từ 30-40% do ảnh của thời tiết và dịch bệnh. Thực tế này đang làm cho nhiều hộ trồng tiêu bất an như ngồi trên lửa.
Ông Nguyễn Văn Vang, ngụ thôn Sông Xoài 3, xã Láng Lớn, huyện Châu Đức, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu ngao ngán, gia đình ông đang canh tác hơn 2ha hồ tiêu, trung bình mỗi năm thu hoạch khoảng 6 tấn.
Đầu năm 2017, tiêu hạt khô bắt đầu đầu rớt giá, khoảng 100.000 đồng/kg, thấy tiếc ông Vang không bán hết, trữ lại hơn 3 tấn hạt tiêu khô chờ giá lên để bán. Nhưng từ tháng 8 năm 2017 đến nay, giá tiêu không thấy nhích lên mà ngược lại càng trong đà lao dốc, hiện tại chỉ khoảng 66.000 đồng/kg.
Nông dân trồng tiêu ở Đồng Nai không có lãi. |
Dẫn chúng tôi thăm vườn, ông Vang đưa tay vạch những cành lá tươi tốt nhưng chỉ lưa thưa vài chuỗi hạt tiêu rồi lại thở dài. Theo chủ vườn tiêu này, do thời tiết năm 2017 bất lợi nên tiêu đậu trái thấp, ước tính sản lượng chỉ đạt 60-65% so với vụ trước. Cùng với giá cả như hiện nay, người nông dân chỉ còn biết kêu trời, chua xót khi thu hoạch không đủ trang trải chi phí đầu tư.
Tăng số lượng bỏ chất lượng
Thống kê tại Bà Rịa-Vũng Tàu cho thấy, hiện nay diện tích hồ tiêu đã vượt quy hoạch. Cụ thể, quy hoạch đến năm 2020, diện tích hồ tiêu toàn tỉnh là 7.000ha, sản lượng tiêu khoảng 16.800 tấn, trong đó xuất khẩu 16.200 tấn, còn lại tiêu thụ nội địa.
Nhưng hiện nay, diện tích trồng tiêu của tỉnh đã lên tới hơn 13.000ha, vượt gần gấp đôi so với quy hoạch. Đây được xem là nguyên nhân chính làm giá hồ tiêu giảm sâu khi nguồn cung có dấu hiệu dư thừa.
Ông Lê Quý Thịnh, Phó trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Châu Đức, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cho biết, những năm qua ngành nông nghiệp huyện luôn khuyến cáo nông dân trên địa bàn khi trồng tiêu phải lựa chọn đất, nguồn nước phù hợp, không trồng đại trà và phải lấy hiệu quả làm chính, tránh tình trạng trồng ồ ạt và phải hướng đến sản xuất tiêu an toàn để bảo đảm thị trường xuất khẩu bền vững.
Tuy nhiên, do giá tiêu nhiều năm ở mức cao nên nông dân vẫn cứ ồ ạt trồng vì cho thu nhập lớn. Hiện tại ngành nông nghiệp huyện đang rà soát, thống kê lại diện tích hồ tiêu trên toàn huyện từ đó có phương án quy hoạch, tổ chức lại phương thức trồng tiêu của người dân tại địa phương, hướng đến nâng cao chất lượng khẳng định giá trị sản phẩm.
Còn ông Trần Lâm Sinh, Chi cục Trưởng Chi cục Trồng trọt Bảo vệ thực vật tỉnh Đồng Nai cho biết, Đồng Nai đang có gần 15.000ha hồ tiêu, diện tích này vượt gấp đôi so với quy hoạch của tỉnh. Diện tích hồ tiêu tăng do giai đoạn 2013-2015 giá nông sản này ở mức cao, có khi lên đến 230.000 đồng/kg, nông dân ồ ạt trồng.
Tương tự, một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng sản phẩm hồ tiêu, cà phê rớt giá kéo dài là do các tỉnh Tây Nguyên mở rộng quá nhiều diện tích cây hồ tiêu. Hiện nay, các tỉnh Tây Nguyên có tổng diện tích trồng hồ tiêu hơn 71.000ha, lớn nhất cả nước.
Ông Nguyễn Xuân Cường, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhấn mạnh, nếu ngành hồ tiêu không kịp thời tháo gỡ khó khăn, bất cập trong sản xuất hiện nay thì nguy cơ phá vỡ ngành hàng, giảm uy tín… là rất lớn.
“Một ngành hàng mà Việt Nam chiếm đến hơn 50% sản lượng thế giới nhưng vẫn không chi phối được thị trường, vẫn đứng ở tình trạng bấp bênh như hiện nay thì không cách nào khác là phải tái cơ cấu lại ngành hồ tiêu”, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nói.
Ông Nguyễn Xuân Cường chỉ ra, từ 2010-2017 ngành hồ tiêu đã có sự phát triển thần tốc, với diện tích năm 2017 tăng gấp 3 lần so với năm 2010. Sản lượng cũng tương ứng tăng gần 3 lần trong khoảng thời gian đó.
Cụ thể, nếu năm 2010 cả nước chỉ trồng 51.500ha hồ tiêu thì đến năm 2017 diện tích đã tăng lên trên 152.000ha, tăng 196,3% so với năm 2010 và vượt quy hoạch trên 100.000ha.
Kết quả này thể hiện sự cố gắng của doanh nghiệp, nông dân, địa phương và cả ngành hàng nhưng cũng cho thấy có nhiều bất cập trong sự phát triển thần tốc đó. Nếu không nhanh chóng tháo gỡ, nguy cơ phá vỡ ngành hàng, không có người mua, giảm uy tín sản phẩm… là rất lớn.
Diện tích trồng hồ tiêu tăng mạnh là nguyên nhân khiến ngành hàng này điêu đứng ở thời điểm hiện tại. |
Chỉ ra một loạt bất cập hiện nay của ngành hồ tiêu, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho rằng, việc diện tích tăng quá nhanh nên cơ bản không kiểm soát được quá trình phát triển. Cứ có dây giống là trồng, cứ trồng là đào hố sâu mà không quan tâm đến vấn đề địa hình, thổ nhưỡng, vùng miền.
Kèm theo đó là quy trình sản xuất từ khâu cây giống, mật độ trồng… không đảm bảo yêu cầu. Vấn đề nghiên cứu khoa học công nghệ, chuyển giao kỹ thuật trong ngành hàng còn nhiều bất cập. Sự phát triển của các doanh nghiệp từ thu mua, chế biến, tổ chức xuất khẩu chưa tương xứng với ngành hàng có giá trị xuất khẩu 1,19 tỉ USD...
Ông Cường cũng lưu ý, ngành hàng hồ tiêu là sản phẩm gia vị nên cần phải được sản xuất thật sạch, phải thơm cay, bắt mắt và không thể quá nhiều sản lượng. Do vậy, trong thời gian tới kiên quyết không để tăng diện tích trồng mới hồ tiêu.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị các địa phương đẩy mạnh tuyên tuyền, giảm diện tích hồ tiêu ở những nơi đang trồng không đúng vùng sinh thái, để giảm diện tích đến mức cần thiết và dành cho những cây trồng khác phù hợp.
Nhiều chuyên gia cho rằng, để cắt giảm diện tích sản xuất cần khuyến khích người nông dân không trồng mới trong năm 2018. Các địa phương rà soát lại các diện tích không đủ điều kiện trồng trọt hoặc những vườn tiêu bị sâu bệnh, vườn tiêu năng suất thấp dưới 1 kg/trụ thì khuyến cáo nông dân chuyển đổi cây trồng sang các loại cây ăn trái có hiệu quả kinh tế cao hơn.
Ông Nguyễn Nam Hải, Chủ tịch Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam, vấn đề an toàn vệ sinh chất lượng hồ tiêu đang được các nước nhập khẩu đòi hỏi ngày càng cao. Một số quy định mới về nhập khẩu thực phẩm của Mỹ đã bắt đầu thực thi, EU hạ thấp tỷ lệ MRL mức cho phép của dư lượng thuốc trừ sâu…
Với tình hình này, việc tái cơ cấu lại ngành theo hướng sản xuất sạch, hạn chế lạm dụng thuốc trừ sâu, hóa chất là rất cần thiết để phát triển bền vững ngành hàng hồ tiêu trong thời gian tới.
Advertisement
Advertisement
Đọc tiếp