26/01/2018 07:32
Hồ tiêu và cà phê giá giảm sâu, người dân Tây Nguyên găm hàng chờ giá lên
Một trong những nguyên nhân khiến hồ tiêu, cà phê rớt giá kéo dài là do các tỉnh Tây Nguyên mở rộng quá nhiều diện tích trồng 2 loại cây trên.
Hiện nay, hồ tiêu và cà phê ở các tỉnh Tây Nguyên giảm sâu, đứng giá kéo dài nên các nông hộ sản xuất, kinh doanh cà phê, hồ tiêu đành găm hàng chờ giá tăng lên mới bán ra.
Cụ thể, giá hồ tiêu ở Tây Nguyên giảm xuống chỉ còn 61.000-62.000 đồng/kg, giảm từ 3.000-4.000 đồng/kg so với đầu tháng 1 và giảm gần 160.000 đồng/kg so với cách đây 4 năm. Cà phê giảm xuống chỉ còn 36.300-36.700 đồng/kg cà phê nhân và đứng giá cả gần tháng nay.
Dù là thời điểm cận Tết Nguyên đán cũng như cần vốn để đầu tư chăm sóc cà phê sau thu hoạch vào đầu mùa khô nhưng do giá cà phê, hồ tiêu giảm sâu nên các nông hộ chỉ bán ra nhỏ giọt hoặc sử dụng các nguồn lực khác để mua vật tư, phân bón, xăng dầu… chăm sóc cho cây hồ tiêu, cà phê trong đầu mùa khô.
Giá hồ tiêu và cà phê năm nay giảm mạnh so với năm trước. |
Gia đình anh Y Huắt Êban, ở buôn A Drơng Lớn, xã vùng sâu Cư Pơng, huyện Krông Búk tỉnh Đắk Lắk có gần 4ha cà phê kinh doanh. Niên vụ vừa rồi, gia đình thu hoạch được gần 16 tấn cà phê nhân nhưng do giá giảm sâu nên chỉ mới bán ra 4 tấn để trả chi phí công thu hoạch và mua xăng dầu chuẩn bị tưới đợt đầu cho cà phê trong mùa khô này. Số lượng cà phê còn lại anh chờ khi nào giá lên cao mới bán.
Còn gia đình anh Phạm Văn Hùng, ở xã Nâm N’Jang, vùng trọng điểm tiêu của huyện Đắk Song tỉnh Đắk Nông chia sẻ, trong vài năm gần đây, giá tiêu hạt ngày càng giảm sâu nên người dân cũng bớt ồ ạt mở rộng diện tích cây hồ tiêu.
Cũng theo anh Hùng, tuy giá tiêu hạt giảm nhưng tính chi li vẫn có lãi gấp nhiều lần so với các loại cây công nghiệp dài ngày khác ở Tây Nguyên nên người dân vẫn tiếp tục đầu tư và trồng mới ở những nơi có điều kiện.
Gia đình có gần 2ha tiêu đang vào thời kỳ thu hoạch, dự tính có khả năng đạt gần 6 tấn, nhưng với mức giá xuống thấp như hiện nay, gia đình thu hoạch xong phơi khô, cất vào kho chờ giá lên mới tính.
Theo các chuyên gia, một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng sản phẩm hồ tiêu, cà phê rớt giá kéo dài là do các tỉnh Tây Nguyên mở rộng quá nhiều diện tích cây cà phê, hồ tiêu.
Cụ thể, hiện nay, các tỉnh Tây Nguyên có tổng diện tích cà phê trên 582.149ha. Trong đó, cà phê kinh doanh cho thu hoạch 548.533ha, hồ tiêu có tổng diện tích trên 71.000ha. Đắk Lắk là địa phương có diện tích cà phê, hồ tiêu nhiều nhất trong cả nước.
Các tỉnh Tây Nguyên cũng tiến hành quy hoạch và hướng dẫn các địa phương thực hiện nghiêm việc quy hoạch các loại cây cà phê, hồ tiêu phát triển theo hướng bền vững.
Đồng Nai cũng đang bước vào mùa thu hoạch hồ tiêu 2017-2018 nhưng nông dân kém vui. Giá hồ chỉ dao động từ 60.000-62.000 đồng/kg. Đây là mức giá thấp nhất trong 10 năm trở lại đây. Năm vừa qua khí hậu thay đổi, mưa kéo dài trùng với thời điểm cây tiêu ra hoa nên năng suất các vườn tiêu giảm mạnh. Nông dân Đồng Nai ước tính, năng suất hồ tiêu vụ này chỉ bằng 50% so với vụ trước. Còn nông dân trồng tiêu ở Bà Rịa-Vũng Tàu cũng ngồi trên lửa vì giá hồ tiêu đang ở mức 65.000-66.000 đồng/kg. Đây là mức giảm sâu kỷ lục trong nhiều năm qua, trong khi vụ thu hoạch tiêu đang đến gần. Theo nhận định của các hộ trồng tiêu trên địa bàn tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, hầu hết các vườn tiêu năng suất đều giảm từ 30-40% do ảnh của thời tiết và dịch bệnh. |
Chủ đề liên quan
Advertisement
Advertisement
Đọc tiếp