07/09/2017 09:11
Hồ Phúc Nguyên - doanh nhân 'cho thuê thân' lấy tiền giúp học sinh nghèo đến trường
Một doanh nhân kinh doanh phân bón, đồng thời được gắn biệt danh “doanh nhân suốt ngày đi giải cứu nông sản”, đã rao “cho thuê thân” để kiếm tiền giúp 450 học sinh nghèo có điều kiện đến trường.
Chỉ vài ngày huy động, chương trình của anh Nguyên đã giúp cho 448 em học sinh nghèo có điều kiện đến trường. Ảnh: Nguyễn Thảo |
CEO rao "cho thuê thân" theo giờ
Chỉ một tháng trước ngày tựu trường, anh Hồ Phúc Nguyên (CEO Công ty Tipto Mã Lai, phân bón Bacteri) còn trăn trở làm sao có kinh phí hỗ trợ cho 448 em học sinh nghèo của Trường tiểu học và THCS A Bung, huyện Đakrông, tỉnh Quảng Trị có đủ dụng cụ cắp sách đến trường.
Để biến trăn trở thành hiện thực, anh đã táo bạo đăng trạng thái “cho thuê” chính mình trên trang facebook cá nhân. Và dòng trạng thái độc lạ này nhanh chóng thu hút được rất nhiều lượt quan tâm và chia sẻ. Hết sức bất ngờ là sau vài ngày “cho thuê thân”, anh đã huy động được kinh phí trên 200 triệu đồng.
Nụ cười rạng rỡ khi có quần áo, cặp sách mới để đi học. Ảnh: Nguyễn Thảo |
Dòng trạng thái độc lạ của anh như sau:
“CHO THUÊ TRAI
Tôi Hồ Phúc Nguyên – CEO – Công ty Tipto Mã Lai - Phân bón Bacte, TipTo với 22 năm kinh nghiệm làm nhân viên sale, marketing và quản lý….
Tôi đang vận động kinh phí cho chương trình “Tiếp sức đến trường” cho học sinh nghèo cấp 1, 2 tại xã A Bung – huyện Đakrông – Tỉnh Quảng Trị ngày 30/8/2017. Mỗi phần quà gồm: 1 bộ đồng phục áo sơ mi trắng, quần tây xanh 1 ba lô 10 cuốn tập học sinh.
Tôi cho thuê Hồ Phúc Nguyên, giá thuê uống cà phê trao đổi công việc 2h: 1 triệu đồng, 4h: 2 triệu đồng, tiền cà phê Nguyên trả.
Tôi có thể làm gì?
1. Cùng với anh chị lập chiến lược kinh doanh cho công ty, xác lập mô hình kinh doanh cho doanh nghiệp, xây dựng kế hoạch kinh doanh công ty.
2. Huấn luyện đội ngũ sale về kỹ năng bán hàng từ cơ bản đến nâng cao, xác định mục tiêu cuộc đời...
3. Xây dựng kế hoạch marketing, xây dựng bộ nhận diện thương hiệu, bao bì sản phẩm, nghiên cứu thị trường.
4. Nghiên cứu và phát triển sản phẩm, nhất là phân bón và chế phẩm vi sinh.
5. Cùng BGĐ phân tích tìm nguyên nhân và cùng tìm giải pháp giải quyết các vấn đề nội tại hoặc làm nhân viên bán hàng của công ty quý vị.
6. Làm nhân viên lái xe”.
“Tôi chỉ làm những việc không vi phạm pháp luật, quý vị quan tâm hãy thuê tôi, inbox và chuyển khoản đặt lịch làm việc. Chủ yếu sẽ làm ở TP.HCM, nếu các tỉnh gần tôi tự lái xe, quý vị hỗ trợ tiền xăng” – anh Nguyên hào hứng trước ý tưởng của mình.
Thời gian qua dư luận đã từng chứng kiến một số doanh nhân bỏ tiền lấy danh, thế nên trước cái tâm thiện nguyện của anh Nguyên, nhiều người đã nhiệt tình ủng hộ 200 triệu đồng chỉ trong thời gian ngắn.
Trao tình yêu trong từng món quà
Với số tiền đó, chương trình “Tiếp sức đến trường” của anh Nguyên đã trao tặng được 448 suất quà, mỗi suất khoảng 500.000 đồng gồm: 10 quyển vở, một bộ đồng phục học sinh, 1 chiếc cặp, 1 áo thun, 1 đôi giày hiệu Bita’s.
Anh Nguyên chia sẻ với các em học sinh Trường A Bung ngày 4/9 vừa qua. Ảnh: Nguyễn Thảo |
Dù số lượng quà rất nhiều, nhưng anh Nguyên vẫn tự tay kiểm tra chất lượng từng cuốn tập, từng chiếc cặp sách, từng bộ áo quần. Thậm chí dù thời gian gấp rút, nhưng anh không chấp nhận quần áo, cặp sách may ẩu, may lỗi. Vì vậy, bất cứ một sản phẩm nào bị lỗi anh đều trả lại, yêu cầu nhà sản xuất may, đóng chỉn chu như gói cả tình thương trọn vẹn của anh và các tấm lòng hảo tâm trong đó.
Anh quan niệm: “Đặt cái tâm vào hiện vật nó mới đúng ý nghĩa của thiện nguyện. Làm từ thiện bằng cả tâm huyết thì mới có thể lan tỏa, nhân rộng với cộng đồng, xã hội”.
Ngày 4/9 vừa qua, khi cùng đoàn từ thiện có mặt ở trường A Bung, tình nguyện viên Nguyễn Út, sinh viên trường Đại học Huế vui mừng pha lẫn xúc động chia sẻ: “Nhìn những nụ cười của các em nhỏ khi nhận được quà từ chương trình mà lòng cảm thấy hạnh phúc lạ thường”.
Sinh viên hăng hái vận chuyển quà cho các em học sinh. Ảnh: Nguyễn Thảo |
Thầy Lê Minh Tịnh, Hiệu trưởng Tiểu học A Bung cảm kích trước những món quà đầu năm học hết sức ý nghĩa của đoàn từ thiện. Thầy Tịnh nói đây chính là động lực tiếp thêm nghị lực, ý chí để các em học sinh vượt qua khó khăn và hăng hái đến trường. Thầy cũng mong rằng, chương trình sẽ ngày càng phát triển hơn nữa để tiếp sức cho thêm nhiều học sinh vùng sâu vùng xa theo đuổi ước mơ con chữ.
Góp sức tạo nên thành công cho chương trình còn có Tập đoàn Taxi Mai Linh, Đồn Biên phòng của khẩu quốc tế La Lay, và các mạnh thường quân khác trên khắp cả nước.
Chương trình "Tiếp Sức Đến Trường" ngày 4/9/2017 tại xã A Bung, huyện Đakrông, tỉnh Quảng Trị. (Nguồn: FBNV)
Doanh nhân suốt ngày đi giải cứu nông sảnCũng nằm trong dự án “Tiếp sức đến trường”, trước đó anh Hồ Phúc Nguyên đã hỗ trợ 2 trẻ mồ côi ở Đồng Nai là bé Mai Thị Anh Thư (8 tuổi) và Mai Phước Hùng (7 tuổi) được đến trường. Anh Nguyên chia sẻ, ngoài hỗ trợ chi phí nhập học trước mắt, anh sẽ tiếp tục hỗ trợ lâu dài, cho đến khi các cháu học xong đại học. Anh Hồ Phúc Nguyên là nhân vật được gắn biệt danh "Doanh nhân suốt ngày đi giải cứu nông sản". Trong hơn nửa năm qua, anh đã tham gia nhiệt tình vào chiến dịch giải cứu chuối, bí đỏ, dưa hấu, thịt heo để giúp bà con nông dân. Anh cũng vừa kết thúc chuyến đi "Hành trình đỏ, hiến máu trên khắp mọi miền đất nước". |
Advertisement
Advertisement
Đọc tiếp