10/04/2017 10:15
Hộ kinh doanh ngại bị coi như "bò sữa"
Trong nhiều nỗi lo lắng, nhiều hộ kinh doanh tỏ ra mệt mỏi với những đề nghị đóng góp tự nguyện khi lên DN, có người tính quay lại thành hộ kinh doanh nhỏ vì… quá oải.
Đã có nhiều trường hợp DN được gửi văn bản xin tiền, đề nghị quyên góp đủ thứ... Đến nỗi, có doanh nhân ví von họ bị coi như “bò sữa”.
Dư luận từng rộ lên khi Công an phường Phương Liệt (Thanh Xuân, Hà Nội) đã gửi hẳn văn bản có đóng dấu đỏ đến DN trên địa bàn để “xin” ủng hộ 2 triệu đồng nhằm “động viên” chiến sĩ làm việc trong dịp tết.
Anh T.H.K., chủ một cửa hàng kinh doanh thức uống tại một TP lớn phía Nam (không muốn nêu địa chỉ), cho biết hiện nay anh vẫn rất mệt mỏi với các khoản thu cho các quỹ cũng như khoản đóng góp lắt nhắt phát sinh hằng tháng.
Ngay cả những khoản chính thức như quỹ phòng chống thiên tai, quỹ an ninh quốc phòng... dù cho phép chuyển khoản nhưng cứ chuyển là bị văng, chỉ được đóng bằng tiền mặt.
Nhiều khoản thu ở quận được thừa nhận trong sổ sách, còn ở cấp phường, DN được mời đóng nhiều chương trình mà khó nhận được biên lai.
Đơn cử gần đây có một vị đại diện phường đến xin ủng hộ từ thiện cho 15 trẻ em nghèo. Khoản tiền tự nguyện không nhiều, anh K. nói cũng sẵn sàng đóng nếu biết tình cảnh cụ thể của 15 em đó, các em là ai, cần hỗ trợ gì...
Theo anh K., một trong những lý do anh quyết định chuyển lên DN là Nhà nước có chương trình tạm chưa thu thuế DN trong 3 năm đầu, mở rộng làm ăn cũng dễ dàng hơn.
Nhưng anh K. nêu nếu không “đóng quỹ”, cảm giác dễ bị xuống kiểm tra liên tục, ngay cả cấp phường cũng có quyền kiểm tra. Mình không sai nhưng mỗi lần kiểm tra như vậy, cửa hàng khó buôn bán vì còn phải phục vụ kiểm tra. Khách nhìn vào cũng lo không biết DN làm gì mà tối ngày bị kiểm tra!
“DN cỡ nhỏ như chúng tôi năng lực quản trị còn hạn chế, dù luôn cố gắng tuân thủ pháp luật nhưng vẫn sẽ có những điểm thiếu sót. Nếu mình không “biết điều” thì sẽ bị nhũng nhiễu, thậm chí bị làm khó dễ đến mức phải chuyển văn phòng” - anh K. tâm sự.
Anh K. nói đang có ý định làm thủ tục chuyển về lại hộ kinh doanh như trước. Tuy phải chịu ấn định thuế khoán nhưng dù sao cũng dễ thở vì không lo bị kiểm tra sổ sách, khi nào cần mới đi mua hóa đơn...
Ông TAKIMOTO Koji(trưởng đại diện Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản - Jetro tại TP.HCM):
Nên có bộ phận hỗ trợ
Nhật Bản cũng từng trải qua thời kỳ khuyến khích hộ kinh doanh cá thể lên DN tư nhân. Thực tế, việc chuyển đổi này đòi hỏi các hộ phải cần nhiều thủ tục, chi phí tăng lên như làm sổ sách kế toán cũng như bảo hiểm cho lao động... Do vậy, Chính phủ Nhật lúc đó đã thành lập nhiều đơn vị hỗ trợ thủ tục khai thuế và có thể giảm thuế ban đầu cho những đối tượng này.
Quan trọng nhất, ngành thuế phải có biện pháp căn cơ để dù kinh doanh loại hình gì, mô hình nào thì cũng phải nộp thuế đầy đủ một cách bình đẳng với nhau.
Hệ thống thuế và chế độ thuế của VN và Nhật khá khác nhau nên khó đưa ra ý kiến VN cần làm gì. Nhưng tôi xin gửi ví dụ ở Nhật Bản. Thuế thừa kế áp dụng cho hộ kinh doanh rất cao, trong khi loại thuế này cho DN khá thấp. Do đó, đến giai đoạn chuyển giao các hộ kinh doanh cá thể đều chuyển lên DN...
Advertisement
Advertisement