Advertisement

Nhận bản tin

Liên hệ quảng cáo

Email: banbientap@baocungcau.net

Hotline: 0917 267 237

icon logo

Quên mật khẩu?

Có tài khoản? Đăng nhập

Vui lòng nhập mật truy cập tài khoản mới khẩu

Thay đổi email khác
icon

Hiệp hội Vàng kiến nghị sửa Nghị định 24, không sử dụng một loại vàng miếng SJC làm thương hiệu độc quyền

Vàng - Ngoại tệ

05/12/2020 19:08

Lý giải cho việc kiến nghị sửa Nghị định 24, Hiệp hội kinh doanh vàng Việt Nam cho rằng thị trường vàng hiện nay không còn bất ổn như năm 2012.

Hiệp hội kinh doanh vàng Việt Nam vừa gửi kiến nghị Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, xem xét về quản lý hoạt động kinh doanh vàng và yêu cầu sửa đổi các quy định tại Nghị định 24/2012.

Không nên sử dụng một loại vàng miếng SJC làm thương hiệu độc quyền

Theo Hiệp hội này, ở thời điểm năm 2012, thị trường vàng Việt Nam đã có nhiều bất ổn. Tình trạng các cơn sốt giá thường xuyên xảy ra, nên Nghị định 24/2012/NĐ-CP được ban hành là phù hợp, và thực tế đã phát huy hiệu quả.

Tuy nhiên đến nay sau gần 10 năm, thị trường vàng Việt Nam đã cơ bản ổn định. Bên cạnh đó là một số đạo luật mới về đầu tư, kinh doanh đã được ban hành theo hướng hội nhập quốc tế, nên nhiều quy định tại Nghị định 24 không còn phù hợp.

Nghị định 24 ban hành năm 2012, được đánh giá là đã phát huy tác dụng chống vàng hóa nền kinh tế, nhưng các doanh nghiệp cho rằng không còn phù hợp với kinh doanh hiện tại. Ảnh minh họa
Nghị định 24 ban hành năm 2012, được đánh giá là đã phát huy tác dụng chống vàng hóa nền kinh tế, nhưng các doanh nghiệp cho rằng không còn phù hợp với kinh doanh hiện tại. Ảnh minh họa

Trong kiến nghị gửi Ngân hàng Nhà nước, Hiệp hội kinh doanh vàng Việt Nam đề nghị cơ quan này trình Chính phủ sớm ban hành nghị định thay thế Nghị định 24. Nghị định thay thế cần theo hướng Ngân hàng Nhà nước sẽ không sản xuất vàng miếng, cũng không nên sử dụng một loại vàng miếng SJC làm thương hiệu độc quyền.

Hiệp hội đề xuất nên cấp phép cho một số doanh nghiệp đủ điều kiện để sản xuất vàng miếng. Doanh nghiệp sẽ chịu trách nhiệm với thương hiệu của mình theo tiêu chuẩn chất lượng và trọng lượng đăng ký với cơ quan quản lý.

"Ngân hàng Nhà nước là cơ quan quản lý nhà nước, không phải là doanh nghiệp. Việc giao Ngân hàng Nhà nước sản xuất vàng miếng tại Nghị định quản lý hoạt động kinh doanh vàng là không còn phù hợp, vì vàng miếng cũng là hàng hóa. Hơn nữa, trên thế giới không có ngân hàng trung ương nào đứng ra sản xuất vàng miếng", kiến nghị của Hiệp hội kinh doanh Vàng Việt Nam nêu.

Xem xét thành lập Sở giao dịch vàng quốc gia

Cũng theo thông tin từ Hiệp hội Vàng, từ khi có Nghị định 24 đến nay, Ngân hàng Nhà nước chưa cấp phép cho bất kỳ doanh nghiệp nào được nhập khẩu vàng nguyên liệu. Ngân hàng Nhà nước cũng đã ngừng tổ chức đấu thầu vàng miếng từ cuối năm 2013. Hiện nguồn cung vàng miếng trên thị trường đang có tín hiệu rất khan hiếm, nhất là khi giá vàng tăng mạnh như thời gian vừa qua.

Hiệp hội Vàng đề nghị Ngân hàng Nhà nước xem xét, có thể sản xuất thêm một lượng vàng miếng để cung ứng ra thị trường, nhằm cân bằng cung cầu, tránh xảy ra hiện tượng sốt giá vàng.

Kiến nghị của Hiệp hội kinh doanh Vàng Việt Nam còn có nội dung cho phép thành lập Sở giao dịch vàng quốc gia. Tổ chức này lý giải sở dĩ các sàn vàng trước đây tiềm ẩn nhiều rủi ro, gây ra nhiều hệ lụy đối với các nhà đầu tư, là do Việt Nam chưa có hành lang pháp lý đối với loại hình hoạt động mới này. Các sàn vàng đó “mạnh ai người ấy làm”, chưa giao dịch tập trung tại Sở giao dịch vàng như các quốc gia trên thế giới. Do đó xảy ra tình trạng thao túng, làm giá ngoài sự giám sát, quản lý của cơ quan quản lý nhà nước.

Năm 2017, Ngân hàng Nhà nước đã có dự thảo sửa đổi, bổ sung một số nội dung của Nghị định 24, theo hướng thuận lợi hơn cho hoạt động sản xuất nữ trang. Ảnh minh họa: Dân việt
Năm 2017, Ngân hàng Nhà nước đã có dự thảo sửa đổi, bổ sung một số nội dung của Nghị định 24, theo hướng thuận lợi hơn cho hoạt động sản xuất nữ trang. Ảnh minh họa: Dân việt

"Một trong những yếu tố cơ bản và quan trọng nhất của Sở giao dịch vàng là tạo ra sự liên thông của giá vàng trong nước với giá vàng quốc tế, để đảm bảo không tạo ra chênh lệch lớn về giá vàng như hiện nay. Đồng thời có tính thanh khoản cao, đẩy lùi hoạt động xuất, nhập khẩu lậu vàng. Tuy nhiên để hoạt động của Sở giao dịch vàng phát huy tác dụng và không bị lợi dụng, cần phải có hành lang pháp lý chặt chẽ, như quy định về tiêu chuẩn, chất lượng vàng, hạn mức giao dịch, tỷ lệ ký gửi, quy trình thanh toán bù trừ; điều kiện thành viên, v.v…", Hiệp hội Vàng cho biết.

Nghị định 24 được Chính phủ ban hành ngày 3/4/2012, về quản lý hoạt động kinh doanh vàng  với chủ trương chuyển quan hệ “huy động, cho vay vốn bằng vàng” sang quan hệ “mua, bán vàng”, đồng thời hướng tới mục tiêu quản lý thị trường vàng đi kèm với quản lý các biến số kinh tế vĩ mô, như tỷ giá và lạm phát.

Sau khi nghị định này ra đời, từ năm 2014, sức hấp dẫn của vàng miếng đã suy giảm; cung, cầu trên thị trường tương đối cân bằng, không còn cảnh người dân đổ xô đi mua vàng như thời điểm 2011-2012. Toàn bộ quan hệ huy động - cho vay vốn bằng vàng đã được chuyển sang quan hệ mua, bán vàng. Rủi ro “vàng hóa” trong hệ thống tín dụng đã được loại bỏ, tình trạng “vàng hóa” trong nền kinh tế từng bước được ngăn chặn.

Năm 2017, Ngân hàng Nhà nước đã có dự thảo việc sửa đổi Nghị định 24 với một số nội dung cởi trói hơn cho vàng trang sức, cụ thể hóa các hoạt động quản lý của Ngân hàng Nhà nước...

H.LINH
iconChia sẻ icon Chia sẻ
icon Chia sẻ

Advertisement