05/05/2023 20:21
Hiện tượng thiên văn kỳ thú: Nguyệt thực đầu tiên trong năm và mưa sao băng Eta Aquarids cùng diễn ra tối 5/5
Sau Nhật thực lai hiếm gặp diễn ra vào ngày 20/4 vừa qua, người yêu thiên văn sẽ được chiêm ngưỡng một hiện tượng vô cùng thú vị khác vào tối nay (5/5).
Theo đó, Nguyệt thực nửa tối sẽ diễn ra vào đêm này khi Mặt Trăng đi vào vùng bóng tối ngoài của Trái Đất. Cũng tương tự như nguyệt thực toàn phần, hiện tượng nguyệt thực nửa tối xảy ra khi Trái đất tạo bóng che phủ lên Mặt trăng trong trường hợp Mặt trời, Trái đất và Mặt trăng sắp xếp thẳng hàng hoặc gần thẳng hàng vào những ngày trăng tròn.
Tuy nhiên với nguyệt thực nửa tối, Mặt trăng sẽ không ở chính giữa đường thẳng giữa Mặt trời và Trái đất, mà lệch một chút. Mặt trăng đi vào vùng bóng Trái đất bên ngoài, được gọi là vùng nửa tối (penumbra).
Vùng này là nơi Trái đất che khuất một phần đĩa Mặt trời, không phải toàn bộ. Trong khi ở vùng nửa tối, Mặt trăng chỉ nhận được ít ánh sáng hơn từ Mặt trời.
Đây là lần Nguyệt thực đầu tiên của năm 2023
Với loại Nguyệt thực này, Mặt Trăng sẽ bị tối đi một chút chứ không tối đi hoàn toàn chính vì vậy, trăng tròn trong lần nguyệt thực này sẽ rất dễ quan sát mà không bị lóa. Những lần nguyệt thực như thế này gây tối nhiều hơn và có thể nhìn thấy bằng mắt thường dễ dàng hơn.
Theo Hội thiên văn Hà Nôi, Nguyệt thực nửa tối sẽ bắt đầu lúc 22h13 (theo giờ Việt Nam) và có thể quan sát từ bất cứ nơi nào mà Mặt Trăng ở phía trên đường chân trời. Những khu vực có thể quan sát gồm châu Nam Cực, châu Á, Nga, Châu Đại Dương, Đông và Trung Phi.
Hiện tượng này sẽ đạt cực đại vào lúc 00:24 (ngày 06/05) và kết thúc vào 02:32 cùng ngày.
Nguyệt thực nửa tối toàn phần rất hiếm gặp. Và lần nguyệt thực nửa tối vào đêm nay là lần nguyệt thực nửa tối sâu nhất cho đến năm 2042. Hơn 6,6 tỷ người trên thế giới có thể chiêm ngưỡng hiện tượng này.
Vậy tại Việt Nam có quan sát được hiện tượng này?
Theo tính toán của trang Date and Time, tại Việt Nam, "nguyệt thực nửa tối" sẽ bắt đầu lúc 22 giờ 14 phút đêm 5/5, đạt cực đại lúc 0 giờ 22 phút rạng sáng 6/5 và kết thúc lúc 2 giờ 31 phút.
Như vậy toàn bộ lãnh thổ Việt Nam nằm trong khu vực quan sát nguyệt thực trọn vẹn, do thời điểm bắt đầu và kết thúc đều là ban đêm. Người dân Việt Nam sẽ có cơ hội chiêm ngưỡng hiện tượng thiên văn thú vị này trong khoảng hơn 4 tiếng. Có 57% người Trái Đất cùng nhận được may mắn này.
Trao đổi với báo chí, ông Đặng Vũ Tuấn Sơn, Chủ tịch Hội Thiên văn và Vũ trụ học Việt Nam cho biết, để quan sát nguyệt thực nửa tối rõ nhất tùy thuộc rất lớn vào điều kiện thời tiết. Bạn sẽ dễ dàng xác định được Mặt Trăng nếu trời ít mây, ít mù, không mưa.
Tại những khu vực quá ô nhiễm hoặc có một lớp mây mỏng che phủ, ngay cả khi nhìn thấy Mặt Trăng bạn sẽ khó nhận ra sự khác biệt rõ rệt. Ngoài ra, hãy chọn những nơi vị trí quan sát có góc nhìn rộng, vùng bầu trời lớn, ít ô nhiễm, ít ánh đèn nhân tạo chiếu thẳng vào mắt.
Mưa sao băng Eta Aquarids đạt cực đỉnh
Ngoài ra cũng vào tối nay, người yêu thiên văn còn được chiêm ngưỡng thêm một hiện tượng thú vị khác, đó là mưa sao băng Eta Aquarids.
Mưa sao băng Eta Aquarids là một trận mưa sao băng diễn ra hàng năm từ khoảng 19/4 đến 28/5 hàng năm, cực điểm của trận mưa năm nay sẽ diễn ra vào đêm mùng 5, rạng sáng mùng 6 tháng 5.
Mưa sao băng Eta Aquarid là một trận mưa sao băng trên mức trung bình, đạt tới 60 sao băng một giờ ở thười điểm cực đại.
Theo Hội thiên văn Hà Nội, khu vực quan sát thuận lợi nhất là ở Nam bán cầu. Ở Bắc bán cầu, tần suất chỉ đạt khoảng 30 sao băng mỗi giờ.
Ngoài ra, ánh sáng của trăng tròn cũng sẽ che lấp hầu như tất cả sao băng, ngoại trừ những vệt sao băng sáng nhất. Nhưng nếu kiên nhẫn, bạn vẫn có thể sẽ nhìn được một vài vệt sao băng đẹp.
Tốt nhất nên quan sát ở những địa điểm tối từ sau lúc nửa đêm. Các sao băng có xu hướng tỏa ra từ chòm sao Aquarius (Bảo Bình), nhưng cũng có thể xuất hiện từ bất cứ đâu trên bầu trời.
Như vậy là đêm nay người yêu thiên văn sẽ vừa sẽ được quan sát nguyệt thực hiếm gặp vừa được chiêm ngưỡng sao băng.
(Nguồn: Tổng hợp)
Tin liên quan
Advertisement
Advertisement