23/07/2017 08:41
Hết thời đại gia ôm nợ ngàn tỷ âm thầm trốn sang Tây
Thủ tướng chỉ thị, Tòa án Tối cao đã có văn bản hướng dẫn tòa án các cấp, Ngân hàng Nhà nước họp triển khai.
Trong thời gian tới, ý thức của người đi vay chắc chắn sẽ được nâng cao, bởi đã hết thời “đại gia” ôm tiền tỷ vay nợ chây ì hay bỏ trốn không trả mà vẫn sung sướng. Như câu chuyện đại gia thủy sản vay ngàn tỷ rồi trốn sang trời tây để lại khối nợ ngàn tỷ cho 6 ngân hàng vật vã xử lý.
Dồn dập vào cuộc
Ngân hàng Nhà nước(NHNN) vừa chủ trì Hội nghị triển khai Nghị quyết của Quốc hội về thí điểmxử lý nợ xấuvà Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án cơ cấu lại hệ thống cáctổ chức tín dụng(TCTD) gắn với xử lý nợ xấu.
Đây được xem là một động thái phản ứng rất tích cực của các cơ quan quản lý ngay sau khi lần đầu tiên các vấn đề vướng mắc về pháp lý của ngành ngân hàng liên quan đến xử lý nợ xấu và tài sản bảo đảm các khoản nợ của TCTD kéo dài nhiều năm qua được giải quyết trong một văn bản của Quốc hội.
Chỉ một thời gian ngắn sau khi Quốc hội thông qua Nghị quyết 42/2017/QH14 tại kỳ họp thứ ba Quốc hội khóa XIV, ngày 19/7 Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 32/CT-TTg về việc triển khai Nghị quyết số 42 và ban hành Quyết định số 1058/QĐ-TTg phê duyệt Đề án cơ cấu lại các TCTD gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016-2020.
Thống đốc NHNN cũng đã đã ký ban hành Chỉ thị số 06/CT-NHNN về việc thực hiện Nghị quyết số 42 và Đề án 1058, chỉ đạo một cách kịp thời, cụ thể, hệ thống các nhiệm vụ, giải pháp sẽ triển khai trong thời gian tới để tổ chức thực hiện một cách quyết liệt, hiệu quả trong thực tiễn.
Tính đến ngày 30/6/2017, tín dụng tăng 9,06% so với cuối năm trước; nợ xấu được kiểm soát ở mức dưới 3%, hoạt động của các TCTD an toàn, lành mạnh. Tuy nhiên, nếu tính cả các khoản nợ tiềm ẩn, nợ bán cho VAMC hiện đang ở mức 10% tổng dư nợ.
Tòa án Nhân dân tối cao cũng vừa có văn bản hướng dẫn tòa án các cấp để thống nhất giải quyết xử lý vấn đề nợ xấu.
Chỉ thị của Thủ tướng cũng yêu cầu các bộ ban ngành liên quan, trong đó có Bộ Công an, Bộ Tư pháp, Bộ Tài nguyên Môi trường, Viện kiểm soát, … phối hợp với NHNN để thúc đẩy nhanh xử lý nợ xấu, đảm bảo sự an toàn hoạt động hệ thống ngân hàng nói riêng và nền kinh tế nói chung.
Đại diện các ngân hàng trong đó có Agribank, Vietcombank, Techcombank… đều khẳng định Nghị quyết 42 đã khẳng định quyền của các chủ nợ, mà ở đây là các ngân hàng thương mại, tạo điều kiện thuận lợi cho các ngân hàng xử lý tài sản đảm bảo.
Với Nghị quyết và các văn bản hướng dẫn mới, khâu khó khăn vướng mắc nhất - việc xử lý tài sản đảm bảo thông qua các con đường tố tụng, cưỡng chế, thi hành án sẽ được thực hiện nhanh chóng hơn với các quỹ định rõ ràng.
Hết thời chây ì: Chủ nợ bị bắt trước, con nợ bắt sau
Phó chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Quốc hội - Dương Quốc Anh, nguyên là Chánh thanh tra NHNN cũng khẳng định Nghị quyết 42 đảm bảo quyền lợi hợp pháp của chủ nợ. Nghị quyết này sẽ giúp xử lý một trong các vấn đề bức xúc ở Việt Nam là: những người trốn thuế, chây ì không trả nợ ngân hàng nhưng vẫn sống sung sướng.
Ông Trịnh Ngọc Khánh, chủ tịch Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank) phấn chấn với các văn bản pháp lý mà ngành ngân hàng vừa đạt được. Ông cho rằng, các quy dịnh này sẽ giúp ngân hàng rất nhiều trong việc thu hồi nợ và sẽ hạn chế tối đa các trường hợp “chủ nợ bị bắt trước, con nợ bắt sau” như trong thời gian qua.
Ông Doãn Minh, Giám đốc NHNN chi nhánh Đà Nẵng cũng tin tưởng các quy định mới sẽ hạn chế được tình trạng dựa dẫm vào những sở hở của ngân hàng để trốn tránh, chây ì, ỉ lại không trả nợ ngân hàng. Quy định mới sẽ tăng cường bảo vệ người cho vay, thay vì bảo vệ người đi vay hơn là người cho vay như thời gian qua.
Ông Đỗ Tuấn Anh, phó chủ tịch thường trực Techcombank cho rằng, quyền thu giữ tài sản đảm bảo và các thủ tục rút gọn (tại tòa và thi hành án) giúp ngân hàng nhiều. Các quy định mới sẽ gián tiếp nâng cao ý thức của người đi vay, giúp ngân hàng kiểm soát được nợ xấu trong tương lai. Chi phí trong hoạt động kinh doanh của ngân hàng sẽ giảm xuống, mang lại lợi ích cho người đi vay chân chính.
Thống đốc Lê Minh Hưng yêu cầu các ngân hàng triển khai thực hiện có hiệu quả nghị quyết của Quốc hội để xử lý nhanh, dứt điểm nợ xấu và tài sản bảo đảm của các khoản nợ xấu thuộc phạm vi điều chỉnh của nghị quyết, đồng thời triển khai các biện pháp phòng ngừa, hạn chế tối đa nợ xấu phát sinh và nâng cao chất lượng tín dụng của các TCTD.
Ông Hưng cũng yêu cầu nâng cao vai trò của VAMC trong việc xử lý nợ xấu và ngành ngân hàng phấn đến năm 2020 đưa tỷ lệ nợ xấu nội bảng của hệ thống các tổ chức tín dụng, nợ xấu đã bán cho VAMC và nợ xấu đã thực hiện các biện pháp phân loại nợ xuống dưới 3%.
Trong quá trình triển khai Nghị quyết, thống đốc Hưng yêu cầu các ngân hàng thực hiện thu giữ tài sản đảm bảo tuân thủ quy định của pháp luật, không gây phản cảm, bức xúc trong dư luận xã hội, cần minh bạch, thậm chí mời báo chí, truyền thông tham gia, kể cả dùng camera quay lại cảnh xử lý tài sản đảm bảo.
Về Đề án tái cơ cấu các TCTD gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016 - 2020 vừa được Chính phủ phê duyệt, thống đốc Hưng cho biết đề án tập trung vào mục tiêu lành mạnh hóa tình hình tài chính, nâng cao năng lực quản trị của các TCTD theo quy định của pháp luật và phù hợp với thông lệ quốc tế; tăng mức vốn tự có hướng tới chuẩn mực của Basel II; giảm số lượng tổ chức tín dụng yếu kém để có số lượng phù hợp, có quy mô và uy tín, hoạt động lành mạnh, bảo đảm tính thanh khoản và an toàn hệ thống.
Trong thời gian tới, Thống đốc Hưng khẳng định, một nội dung quan trọng là xử lý và xóa bỏ tình trạng đầu tư chéo, sở hữu chéo và sở hữu có tính chất thao túng, chi phối trong các TCTD có liên quan; đẩy mạnh thoái vốn ngoài ngành của các ngân hàng thương mại.
Ông Hưng yêu cầu các ngân hàng đến cuối tháng 8 cần phải xây dựng hoàn thiện tái cơ cấu, có khung trình lên NHNN.
Về dự thảo Luật Các TCTD, NHNN đã đưa vào nhiều chế tài rất nghiêm khắc để xử lý các hành vi thao túng, lợi ích nhóm tại các ngân hàng. Người vi phạm sẽ vĩnh viễn không được thực hiện quản trị, điều hành ngân hàng.
Advertisement
Advertisement
Đọc tiếp