16/06/2020 15:36
Hé lộ những thay đổi chính sách của Australia đối với Trung Quốc
Trang The Strategist của Viện Chính sách Chiến lược Australia gần đây đăng bài viết của chuyên gia Graeme Dobell về sự thay đổi chính sách của Australia đối với Trung Quốc qua hồi ký của cựu Thủ tướng Australia Malcolm Turnbull.
Nội dung như sau: Một phần tư thương mại quốc tế và hơn 1/3 hàng xuất khẩu của Australia có điểm đến là một quốc gia có thể tấn công tàu Hải quân Hoàng gia Australia ở Biển Hoa Nam (Biển Đông).
Nỗi sợ hãi về khả năng tàu bị tấn công này đã định hình sự thay đổi về Trung Quốc khi ông Turnbull còn là thủ tướng. Lợi ích của bùng nổ thương mại đối mặt với mối nguy hiểm an ninh tiềm tàng.Ông Turnbull, thủ tướng thứ 29 của Australia, đã từng mô tả mối quan hệ với Trung Quốc chỉ bằng một từ ghép "frenemy", được tạo ra từ hai từ "friend" (bạn) và "enemy" (thù).
Trong khi đó, Tony Abbott, người tiền nhiệm của ông Turnbull, chỉ cần ba từ để mô tả chính sách của Australia đối với Trung Quốc là "sợ và tham". Hai thủ tướng của Đảng Tự do, một trong hai chính đảng lớn nhất ở Australia, có thể không thống nhất với nhau về không ít vấn đề, nhưng có cùng quan điểm về một thách thức, đó là Trung Quốc.
Của cựu Thủ tướng Australia Malcolm Turnbull. |
Trong khi không sử dụng lại từ "frenemy", cuốn hồi ký của ông Turnbull có tên "Một bức tranh lớn hơn" dành hẳn một chương để nói về Trung Quốc và sự cân bằng giữa bạn và thù cũng như cách thức đối phó với Bắc Kinh khi quốc gia này trở thành kẻ "bắt nạt". Từ "bắt nạt" xuất hiện nhiều trong cuốn hồi ký.
Trong cuốn hồi ký, ông Turnbull cho rằng việc Trung Quốc chiếm đất xây dựng đảo ở Biển Đông là nhằm tạo ra các chứng cứ thực tế trên mặt đất hoặc trên biển. Ông Turnbull viết ông đã nhiều lần nói với các nhà lãnh đạo Trung Quốc rằng chiến lược của họ là phản tác dụng.
Ông Turnbull nói: "Liệu lợi thế khó khăn có được bằng cách thiết lập các cơ sở tiền đồn này có xứng với những căng thẳng mà hành động này đang gây ra hay không?". Australia không công nhận tính hợp pháp của những gì mà Trung Quốc đã xây dựng.
Tuy nhiên, không giống như Hải quân Mỹ, Hải quân Hoàng gia Australia không điều tàu đi vào phạm vi 12 hải lý (giới hạn của vùng lãnh hải) của các đảo mới. Australia ở bên ngoài khu vực đó để tránh một cuộc đối đầu mà nước này sẽ dễ dàng thua Trung Quốc.
Ông Turnbull viết: "Hải quân của Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) biết rằng xung đột với một tàu Mỹ sẽ có nguy cơ leo thang nhanh chóng thành xung đột toàn diện. Tuy nhiên, một tàu Australia là một vấn đề hoàn toàn khác. Nếu một trong những tàu của chúng ta bị đâm và vô hiệu hóa trong phạm vi 12 hai lý bởi một tàu Trung Quốc, thì chúng ta không có khả năng leo thang.
Nếu người Mỹ ủng hộ chúng ta, thì người Trung Quốc sẽ rút lui. Tuy nhiên, nếu Washington do dự hoặc vì bất kỳ lý do gì, quyết định không hoặc không thể can thiệp ngay lập tức, thì Trung Quốc sẽ giành được một thắng lợi tuyên truyền to lớn, với tuyên bố Mỹ chỉ là một 'con hổ giấy' mà các đồng minh không thể trông cậy.Theo tôi, với tình hình địa chính trị biến động vào thời điểm này, đặc biệt là giữa Mỹ và Trung Quốc, đó không phải là một rủi ro đáng để chấp nhận".
Quá trình thay đổi chính sách đối với Trung Quốc bắt đầu từ bài phát biểu của ông Turnbull hồi năm 2011 tại Trường Đại học Kinh tế London (LSE), trong đó ông Turnbull bác bỏ mọi suy nghĩ cho rằng "tăng trưởng kinh tế chắc chắn sẽ đưa Trung Quốc trở thành một mối đe dọa quân sự".
Theo ông Turnbull, cách phản ứng chiến lược là "phòng ngừa lại các tình huống bất lợi và không chắc chắn trong tương lai, chứ không phải tìm cách kiềm chế (trong khả năng rất cao) một cường quốc đang trỗi dậy".
Bài phát biểu năm 2011 có các yếu tố xuyên suốt tư duy chính sách đối ngoại sau này của ông Turnbull: Thứ nhất, Trung Quốc sẽ trở thành nền kinh tế lớn nhất thế giới và theo thời gian, sẽ có sức mạnh quân sự ngang với Mỹ.
Thứ hai, các thể chế và văn hóa của Trung Quốc rất khác với Australia, nhưng Trung Quốc có trách nhiệm với sự thịnh vượng hiện tại và tương lai của chúng ta. Thứ ba, Australia muốn có quan hệ tốt với cả Mỹ và Trung Quốc, nhưng phải ứng phó với một thế giới đa cực bằng cách xích lại gần hơn với các nước khác ở châu Á và "làm sâu sắc thêm quan hệ và niềm tin với các nước láng giềng".
Sáu năm sau, hồi tháng 6/2017, ông Turnbull đã nhìn thấy "những đám mây bất ổn" và cảnh báo châu Á không thể dựa vào Trung Quốc hay Mỹ để "bảo vệ lợi ích của chúng ta". Đây là nội dung bài phát biểu quan trọng của ông Turnbull tại Đối thoại Shangri-La hồi tháng 6/2017. Bài phát biểu trên đã định hình chính sách đối ngoại mới của ông Turnbull: cứng rắn hơn với Bắc Kinh, xích lại gần hơn với Tổng thống Mỹ Donald Trump.
Tại Shangri-La, ông Turnbull bày tỏ hy vọng về một khu vực láng giềng tự do và cởi mở, nhưng khu vực mà Australia muốn giúp định hình này lại định hình theo cách riêng. Ngôn ngữ của ông Turnbull về Bắc Kinh đã trở nên mạnh mẽ. Ông Turnbull nói: "Một Trung Quốc cưỡng bức" để tìm kiếm sự thống trị tạo ra "một tương lai đen tối".
Hồi ký của ông Turnbull cũng mô tả bầu không khí tạo nên bài phát biểu của ông. Trong bối cảnh có các bình luận, hầu hết là tức giận về mối quan hệ với Trung Quốc, Canberra phải tìm ra cách đối phó với "các chiến thuật bắt nạt" của một Trung Quốc đang tìm cách thay thế Mỹ trở thành cường quốc hàng đầu trong khu vực. Ông chỉ trích Trung Quốc sẽ phải chịu hậu quả.
Ông nói: "Các chuyến thăm cấp bộ trưởng sẽ bị dừng hoặc bị cấm, các thỏa thuận thương mại sẽ bị đóng băng hoặc không được thực hiện, du lịch từ Trung Quốc sẽ ngừng trệ, các doanh nghiệp nước ngoài ở Trung Quốc sẽ bị tẩy chay".
Mô tả những gì đã xảy trong quãng thời gian giữa hai bài phát biểu trên, ông Turnbull trích dẫn một câu châm ngôn về chiến lược phòng thủ: "Năng lực thay đổi trong nhiều thập kỷ, nhưng ý đồ có thể thay đổi trong tích tắc".
Ông Turnbull viết: "Trong sáu năm giữa bài phát biểu của tôi tại trường LSE năm 2011 và tại Shangri-La hồi năm 2017, năng lực của Trung Quốc, về mọi mặt, tiếp tục phát triển nhưng những gì đã thực sự thay đổi là ý đồ của nước này.
Dưới thời Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, Trung Quốc trở nên quyết đoán hơn, tự tin hơn và sẵn sàng hơn để không chỉ vươn ra thế giới, như Đặng Tiểu Bình đã làm, hoặc yêu cầu sự tôn trọng như một thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế, như Hồ Cầm Đào và Giang Trạch Dân đã làm, mà là để đòi hỏi sự tuân lệnh".
Có nhiều yếu tố kết hợp lại để tạo ra giai đoạn "băng giá" hiện nay giữa Canberra và Bắc Kinh nhưng bài phát biểu của ông Turnbull tại Diễn đàn Shangri-La hồi tháng 6/2017 có thể coi là điểm khởi đầu của giai đoạn này, tính đến nay đã bước vào năm thứ tư.
(Nguồn: TTXVN)
Chủ đề liên quan
Advertisement
Advertisement