22/06/2020 06:44
Hậu COVID-19: Thị trường năng lượng sẽ thay đổi mạnh mẽ
Trong báo cáo thường niên về Đầu tư năng lượng thế giới năm 2020 (World Energy Investment 2020) vừa công bố của Cơ quan năng lượng quốc tế (IEA), cơ quan này mô tả các thị trường năng lượng sẽ thay đổi mạnh mẽ sau đại dịch COVID-19.
Báo cáo ghi nhận sự sụt giảm lớn nhất trong lĩnh vực đầu tư năng lượng từ trước tới nay và chỉ ra những thay đổi mang tính lịch sử trong chặng đường phát triển phía trước của ngành năng lượng như: lần đầu tiên người tiêu dùng ưu tiên sử dụng điện năng hơn dầu thô. Quan trọng hơn, IEA khẳng định, việc dòng đầu tư giảm đột ngột trong tất cả các phân ngành năng lượng để lại hậu quả đáng lo ngại cho các loại hình năng lượng truyền thống và năng lượng sạch.
Đầu tư dầu khí giảm mạnh
Dựa trên sự theo dõi sâu rộng về dòng vốn đầu tư, chi tiêu vốn của các công ty năng lượng và các chính phủ; căn cứ trên kết quả đánh giá đầu tư từ các nhà đầu tư mạo hiểm vào lĩnh vực cung cấp năng lượng và giả địch sự phục hồi kinh tế toàn cầu theo hình chữ U bắt đầu từ giữa tháng 5/2020, IEA phải hạ dự bảo tăng trưởng năng lượng toàn cầu từ mức 2% sang sụt giảm 20% so với năm 2019. Tổng mức đầu tư năng lượng toàn cầu sẽ giảm từ 1.900 tỷ USD xuống còn 1.500 tỷ USD. Chưa dừng lại ở đó, những tác động tiêu cực từ khủng hoảng đại dịch và giá dầu thấp duy trì ở mức thấp sẽ khiến đầu tư năng lượng trong năm nay có thể giảm tới 1.000 tỷ USD.
Trong lĩnh vực dầu khí, đầu tư năm 2020 dự kiến giảm 30% từ 483 tỷ USD xuống còn 347 tỷ USD. Tất cả các công ty dầu khí lớn và nhiều quốc gia đã cắt giảm chi tiêu theo kế hoạch, Tương tự ngành dầu khí, đầu tư vào sản xuất than dự kiến giảm 25% trong năm nay bất chấp những dự báo rằng, ngành than không phải đối mặt với cuộc khủng hoảng bất ngờ và nhu cầu than tăng tại Trung Quốc khi các nhà máy nhiệt điện than mới ở nước này đi vào hoạt động.
Các công ty dầu khí toàn cầu thông báo cắt giảm đầu tư lớn, trung bình hơn 25% so với năm 2019, trong đó ExxonMobil cắt giảm mạnh nhất. Trong khi đó, các công ty dầu khí quốc gia dù ít công bố công khai, song Saudi Aramco cho biết sẽ cắt giảm 25% chi tiêu vốn từ mức 33 tỷ USD của năm ngoái. ADNOC của UAE tuyên bố hủy bỏ các thương vụ đấu thầu lớn trong năm nay.
Báo cáo của IEA cho thấy sự thiếu hụt đầu tư hiện nay đang ảnh hưởng lớn đến ngành dầu khí ở nhiều nước trên thế giới, dọc theo chuỗi cung ứng từ thượng nguồn, trung nguồn đến hạ nguồn, nhất là tác động nghiêm trọng đến các nhà sản xuất dầu đá phiến tại Mỹ. Báo cáo cho rằng, sự sụt giảm đầu tư dầu mỏ trong năm nay đang đe dọa nguồn cung cho năm năm tới khi những hạn chế đầu tư có thể khiến thị trường bị thiếu hụt nguồn cung trong ngắn hạn và đẩy giá dầu tăng cao. IEA dự báo nguồn cung dầu toàn cầu đến năm 2025 có thể sụt giảm 9 triệu thùng/ngày. Tuy nhiên điều này phụ thuộc chặt chẽ vào sự phục hồi trong ngành năng lượng. Kinh nghiệm từ cuộc khủng hoảng kinh tế 2008 - 2009 cho thấy, tốc độ phục hồi tiêu thụ nhiên liệu hóa thạch và phát thải carbon thường nhanh hơn so với tốc độ giảm trước đó. Chỉ có điều sự phục hồi năng lượng lần này nghiêng về năng lượng phát thải carbon thấp hoặc không phát thải carbon nhờ chính sách ưu tiên và hỗ trợ trong các chương trình kích thích kinh tế sau đại dịch.
Phân ngành điện lực sụt giảm nhẹ nhàng hơn
Phân ngành điện chứng kiến sự chuyển đổi năng lượng sang hướng phát thải carbon thấp rõ ràng nhất. IEA nhận định có một xu hướng đáng lo ngại trong các mô hình đầu tư điện hiện nay.
Trong báo cáo, IEA khẳng định phân ngành điện sẽ không bị ảnh hưởng nặng nề như phân ngành dầu khí. So với dự báo tăng trưởng đầu tư 2% vào đầu năm, IEA dự báo đầu tư tổng thể vào mở rộng công suất điện toàn cầu năm 2020 sẽ giảm 10%, từ 757 tỷ USD xuống còn 679 tỷ USD trong các phân khúc đầu tư mạng lưới điện, năng lượng tái tạo, năng lượng hạt nhân, điện hóa thạch và pin điện.
Đầu tư vào năng lượng tái tạo toàn cầu được dự báo sẽ giảm 10% từ 311 tỷ USD xuống còn 281 tỷ USD. Các quyết định đầu tư cuối cùng vào các dự án điện gió và điện mặt trời quy mô lớn đã giảm trong quý I. Trong khi đó, đầu tư vào lưới điện sẽ giảm khoảng 9% từ 273 tỷ USD xuống còn 248 tỷ USD trong bối cảnh nhu cầu điện toàn cầu được dự báo giảm 5% trong năm nay.
Khởi đầu cho tương lai
Sự sụt giảm đầu tư vào phân ngành năng lượng tái tạo và lưới điện được IEA dự báo từ trước khủng hoảng. Năng lượng tái tạo với chi phí vận hành thấp hơn và kết nối trực tiếp với mạng điện có khả năng phục hồi tốt hơn so với sản xuất điện từ nhiên liệu hóa thạch. Tỷ trọng điện tái tạo trong cơ cấu các nguồn điện tăng đáng kể trong đại dịch, song triển vọng dài hạn của phân ngành này chưa thực sự rõ ràng.
Giám đốc điều hành IEA Fatih Birol cho biết, ngành năng lượng toàn cầu đang gặp nhiều khó khăn do sụt giảm đầu tư "lịch sử". Thế giới sẽ mất một phần việc làm, cơ hội phát triển kinh tế và một phần nguồn cung năng lượng trong tương lai. Đối với phân ngành năng lượng phát thải carbon thấp, giảm chi tiêu đầu tư cho công nghệ năng lượng sạch có nguy cơ làm chậm quá trình chuyển đổi sang mô hình năng lượng bền vững hơn. Theo Kịch bản phát triển bền vững (SDS) của IEA, đầu tư vào các nguồn năng lượng phát thải carbon thấp đạt dưới 500 tỷ USD trong năm 2019 cần tăng lên 700 tỷ USD vào cuối thập kỷ tới nhằm đảm bảo tăng tỷ trọng năng lượng phát thải carbon thấp như hạt nhân, năng lượng gió và mặt trời, thủy điện, công nghệ thu gom và lưu trữ CO2... Trong kịch bản này, đầu tư điện mặt trời và điện gió cần trung bình thêm 160 tỷ USD mỗi năm. Đầu tư hệ thống điện lưới cần thêm 150 tỷ USD so với mức hiện nay để hỗ trợ năng lượng tái tạo và điện khí hóa ngày càng tăng. Nhìn chung, chi tiêu cho phân ngành điện năm 2019 đã thiếu khoảng 35% so với mức cần phải bù đắp, cho thấy sự cần thiết phân bổ thêm vốn quy mô lớn để đáp ứng các mục tiêu an ninh năng lượng và phát triển bền vững.
Tăng trưởng hydro
Một điểm sáng trong báo cáo là năng lượng hydro. Sự quan tâm ngày càng tăng đối với loại nhiên liệu này như là một giải pháp thay thế cho nhiên liệu hóa thạch trong tương lai. Công suất điện phân nước trong sản xuất hydro đã tăng từ 2 MW (2010) lên 25 MW (2019). Nhiều chính phủ ở châu Âu, Trung Quốc, Úc và một số quốc gia khác tuyên bố những mục tiêu hydro tham vọng, đồng thời hỗ trợ ngành công nghiệp hydro như một phần của các gói phục hồi, kích thích nền kinh tế. Về đầu tư, IEA cho biết dòng đầu tư mạo hiểm đang đóng vai trò quan trọng đối với các công ty khởi nghiệp công nghệ năng lượng cao trong năm 2019. Hơn 110 triệu USD được đầu tư vào 25 dự án hydro, trong đó lớn nhất là các dự án sản xuất hydro bằng phương pháp điện phân nước. Trong thời gian đại dịch, thị trường tiếp tục chứng kiến sự gia tăng đầu tư vào lĩnh vực hydro với khoảng 600 MW công suất trong các dự án đang ở giai đoạn lập kế hoạch và bắt đầu xây dựng, góp phần đưa công nghiệp hydro trở thành lĩnh vực đầu tư vốn trong chương trình phục hồi kinh tế của một số quốc gia
Dự báo
IEA kỳ vọng quá trình phục hồi ngành năng lượng, nhất là đầu tư năng lượng và năng lượng tái tạo sau đại dịch sẽ hỗ trợ quá triển chuyển đổi năng lượng bền vững và phát thải carbon thấp. Tuy nhiên, sự phục hồi này sẽ phụ thuộc rất nhiều vào phương hướng và tầm nhìn của nhiều chính phủ trong các chương trình kích thích, phục hồi nền kinh tế.
(Nguồn: PetroTimes).
Advertisement
Advertisement
Đọc tiếp