24/11/2020 08:44
Hậu COVID-19: Kinh tế số sẽ thúc đẩy sự phục hồi của các nước ASEAN sau đại dịch?
ASEAN ở vị trí thuận lợi để tận dụng tiềm năng kinh tế số của khu vực nhằm thúc đẩy các nỗ lực phục hồi.
Thúc đẩy sự phục hồi kinh tế của khu vực sauđại dịch COVID-19chắc chắn là ưu tiên hàng đầu trong chương trình nghị sự của ASEAN trong năm 2021.
Bài phân tích trên báo The Business Times (Singapore) nhận định, Chính phủ Brunei, nước đảm nhận vai trò Chủ tịch luân phiên Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) năm 2021, sẽ phải đối mặt với nhiệm vụ là đoàn kết các nước thành viên trong việc đối phó với các thách thức lớn nhất của thế hệ này.
Tin tốt là ASEAN ở vị trí thuận lợi để tận dụng tiềm năng của nền kinh tế số của khu vực nhằm thúc đẩy các nỗ lực phục hồi. Năm 2019, nền kinh tế Internet của khu vực Đông Nam Á đạt 100 tỷ USD, tăng hơn gấp ba lần so với quy mô của 4 năm trước đó.
Ảnh minh họa |
Đến năm 2025, nền kinh tế Internet của khu vực này dự kiến tăng trưởng đạt tới 300 tỷ USD. Các nền kinh tế Internet ở Malaysia, Thái Lan, Singapore và Philippines tăng trưởng trung bình hàng năm từ 20% đến 30%; trong khi nền kinh tế Internet ở Indonesia và Việt Nam có thể đạt tốc độ tăng trưởng hơn 40%/năm.
Nếu các nước thành viên ASEAN muốn gặt hái được những lợi ích lớn mà nền kinh tế Internet có thể mang lại, khối kinh tế này cần phải gieo trồng những hạt giống ngay từ hôm nay.
Các nước thành viên cần hợp tác để phát triển các chính sách khôn ngoan, hướng đến tương lai, khuyến khích nền kinh tế số của ASEAN bằng việc thúc đẩy đổi mới sáng tạo, khuyến khích sự tham gia lớn hơn của các doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME) và trao quyền cho các doanh nghiệp có năng lực để phát triển và đầu tư trong tương lai.
Dòng chảy dữ liệu tự do xuyên biên giới
Các dòng chảy dữ liệu tự do xuyên biên giới có ý nghĩa then chốt đối với tăng trưởng kinh tế toàn diện.
Theo số liệu của Viện McKinsey Global, trong một thập kỷ qua, dòng chảy toàn cầu của tất cả các loại đã làm gia tăng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của thế giới lên 10% so với khi không có bất kỳ dòng chảy nào xuyên biên giới.
Giá trị này lên tới khoảng 7.800 tỷ USD chỉ riêng năm 2014 và các dòng chảy dữ liệu chiếm khoảng 2.800 tỷ USD trong tác động này.Những hạn chế mà một số chính phủ ASEAN áp đặt đối với dòng chảy dữ liệu, như bản địa hóa dữ liệu, có khả năng cản trở những triển vọng tăng trưởng kinh tế bao trùm, cản trở đầu tư nước ngoài và hạn chế những cơ hội để các doanh nghiệp địa phương phát triển ở trong nước và vươn ra toàn cầu.
Đối với các SME không có sự hiện diện trên trường quốc tế, dòng chảy dữ liệu tự do xuyên biên giới tạo điều kiện giúp họ sử dụng cơ sở hạ tầng chung để phục vụ khách hàng của họ ở nhiều thị trường khác nhau.
Vai trò then chốt của các dòng chảy dữ liệu xuyên biên giới trong việc tạo thuận lợi cho thương mại số và thương mại điện tử toàn cầu đã được công nhận trong các hiệp định thương mại số khu vực và toàn cầu. Tuy nhiên, ASEAN cần phải làm nhiều hơn nữa.
Mặc dù Hiệp định thương mại điện tử ASEAN có đề cập đến các dòng chảy dữ liệu xuyên biên giới, nhưng các nước thành viên cần phải tăng cường hơn nữa hiệp định này nhằm đưa ra những cam kết mang tính ràng buộc hơn đối với các dòng chảy dữ liệu mà sẽ có tác động đáng kể đến nền kinh tế số của khu vực.
Tương tự, trong khi Khuôn khổ quản lý dữ liệu số ASEAN là một cam kết đáng khích lệ cho việc thiết lập các chính sách đúng đắn cho dòng chảy dữ liệu thông suốt để thúc đẩy sự đổi mới sáng tạo, thì các nỗ lực nhằm tạo điều kiện cho thương mại số lớn hơn của khu vực cũng cần được thúc đẩy.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch ASEAN 2020 phát biểu khai mạc Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 37. Ảnh: TTXVN |
Các chính sách trái ngược nhau trên toàn khu vực
Nếu khu vực cam kết thúc đẩy nền kinh tế số nhằm đẩy nhanh các nỗ lực phục hồi kinh tế sau dịch bệnh, thì các chính phủ cần tạo ra một môi trường kinh doanh đem lại sự ổn định và chắc chắn lâu dài để các doanh nghiệp tiếp tục đổi mới sáng tạo và đầu tư trong tương lai.Các chính phủ ở một số nền kinh tế ASEAN gần đây đã ban hành các quy định về nội dung và yêu cầu cấp phép không những khác với các quốc gia trong khu vực, mà còn rườm rà.
Các chính sách mâu thuẫn nhau tạo ra những rào cản và những sự phức tạp không cần thiết, đặc biệt là đối với các doanh nghiệp khởi nghiệp địa phương đang tìm cách hoạt động trên nhiều thị trường khác nhau.
Để tạo điều kiện thuận lợi cho các công ty lên kế hoạch cho tương lai với mức độ chắc chắn cao và đem lại cho họ một sân chơi bình đẳng khi hoạt động xuyên biên giới, các chính phủ ASEAN cần tận dụng các hiệp định thương mại số làm khuôn khổ chung để giải quyết các vấn đề về chính sách theo cách thức gắn kết và nhất quán trong cả khối.
Các biện pháp đánh thuế kỹ thuật số đơn phương
Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) hiện đang dẫn dắt các nỗ lực đa phương nhằm giải quyết các vấn đề thuế quốc tế nảy sinh từ sự phát triển của nền kinh tế số.
Mục tiêu là phát triển một hiệp định được xây dựng xung quanh các nguyên tắc then chốt là trung lập, hiệu quả, chắc chắn và đơn giản nhằm mang lại cho các chính phủ sự thoải mái về nguồn thu, mang lại cho các doanh nghiệp khả năng để phát triển và đầu tư trong tương lai, và người tiêu dùng hiểu về tác động đối với "túi tiền" của họ.
Tuy nhiên, tác động kinh tế bất lợi của COVID-19 đã dẫn đến việc các chính phủ, trong đó có Indonesia, đẩy nhanh các biện pháp đánh thuế số đơn phương, coi đó là cách để mở rộng doanh thu nhà nước.
Các biện pháp đơn phương như vậy đang gây hại bằng việc tạo ra đánh thuế hai lần và những rào cản hành chính đối với các công ty.
Phí tổn và sự phức tạp mà cá nhân mỗi nước tạo ra và việc áp dụng những quy định của riêng họ cuối cùng ảnh hưởng đến "túi tiền" của người tiêu dùng và có khả năng trì hoãn việc mở rộng thị trường.
Là Chủ tịch mới của ASEAN, Brunei có nhiệm vụ vô cùng nặng nề phía trước. Không lúc nào tốt hơn lúc này để khuyến khích các nền kinh tế thành viên hợp tác và đặt nền kinh tế số vào trung tâm của chiến lược phục hồi kinh tế khu vực.
Tốc độ tăng trưởng và tiềm năng của nền kinh tế số của ASEAN từ lâu đã vượt các khu vực còn lại của thế giới.
Con đường để tận dụng đầy đủ tiềm năng của nền kinh tế số của khu vực là tạo ra một chính sách và môi trường pháp lý cân bằng và tương xứng. Nó sẽ dẫn đến một môi trường thương mại số có lợi, khuyến khích sự tham gia lớn hơn của các SME địa phương vào nền kinh tế số, và giúp hiện thực hóa tiềm năng nền kinh tế Internet để đóng góp đáng kể cho sự tăng trưởng chung của khu vực.
(Nguồn: TTXVN)
Advertisement
Advertisement
Đọc tiếp