Advertisement

Nhận bản tin

Liên hệ quảng cáo

Email: banbientap@baocungcau.net

Hotline: 0917 267 237

icon logo

Quên mật khẩu?

Có tài khoản? Đăng nhập

Vui lòng nhập mật truy cập tài khoản mới khẩu

Thay đổi email khác
icon

Hanoimilk tiếp tục sa lầy

Thị trường 24h

09/10/2019 09:23

Từ một thương hiệu sữa có chỗ đứng trên thị trường, Hanoimilk liên tục kinh doanh sa sút và mới đây, cổ phiếu HNM bị tạm ngừng giao dịch do Công ty tiếp tục vi phạm nghĩa vụ công bố thông tin.

Kinh doanh sa sút

Cổ phiếu HNM của Công ty cổ phần Sữa Hà Nội (HanoiMilk) vừa bị Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) quyết định cho tạm ngừng giao dịch từ 7/10.

Lý do được HNX cho biết là Hanoimilk không khắc phục được nguyên nhân dẫn tới việc bị kiểm soát đặc biệt và tiếp tục vi phạm công bố thông tin. Tới thời điểm này, Công ty chưa công bố báo cáo tài chính kiểm toán năm 2018 và báo cáo soát xét bán niên năm 2019.

Đáng nói, đây không phải là lần đầu cổ phiếu HNM bị tạm dừng giao dịch. Trước đó, HNX ra quyết định tạm dừng giao dịch cổ phiếu này từ 25/7/2017 và đến 23/1/2018 thì được đưa vào diện cảnh báo. Đến ngày 21/11/2018, cổ phiếu HNM lại bị đưa vào diện kiểm soát do tiếp tục vi phạm lỗi công bố thông tin.

Hanoimilk tiếp tục sa lầy

Được thành lập năm 2001, Hanoimilk từng có thời tạo được tên tuổi trên thị trường sữa, với một số sản phẩm như sữa tươi Izzi, sữa chua Hanoimilk, sữa tươi Hanoimilk 100%...

Tuy nhiên, kể từ cuộc khủng hoảng mang tên melamine hồi năm 2008, Hanoimilk bắt đầu sa sút. Giai đoạn từ 2015 đến nay, chưa năm nào Hanoimilk hoàn thành kế hoạch kinh doanh, thậm chí có năm ghi nhận thua lỗ nặng.

Kết thúc năm 2016, doanh thu của Hanoimilk đạt 232,7 tỷ đồng, chỉ bằng 82,5% kết quả đạt được hồi năm 2015 và hoàn thành 71,1% kế hoạch. Lợi nhuận trước thuế đạt 2,2 tỷ đồng, giảm hơn 10% so với năm trước và chỉ hoàn thành 56,5%.

Năm 2017, Hanoimilk đặt kế hoạch doanh thu bán hàng 328 tỷ đồng, tăng 28,12%; lợi nhuận trước thuế đạt 3,67 tỷ đồng, tăng 50% so với 2016. Tuy nhiên, thực tế, Hanoimilk lỗ 18,6 tỷ đồng trong năm này. Doanh thu đạt 162 tỷ đồng, giảm 24,6% so với cùng kỳ năm 2016 và chỉ hoàn thành 49,3% kế hoạch năm.

Năm 2018, theo báo cáo tài chính tự lập Công ty đạt doanh thu 188,8 tỷ đồng, lãi vẻn vẹn 1 tỷ đồng. So với kế hoạch năm, Công ty hoàn thành 90,8% chỉ tiêu doanh thu và 42,5% chỉ tiêu lợi nhuận. Đặc biệt, trong 6 tháng đầu năm 2018, Công ty ghi nhận lỗ 11,4 tỷ đồng.

Năm 2019, Hanoimilk đặt kế hoạch doanh thu 242 tỷ đồng, tổng lợi nhuận trước thuế 2,4 tỷ đồng. Tuy nhiên, theo báo cáo tài chính quý II của Công ty, doanh thu nửa đầu năm đạt 91,5 tỷ đồng (mới đạt 37,8% kế hoạch năm); tổng lợi nhuận trước thuế là 856 triệu đồng.

Kém minh bạch, đường về thêm mịt mờ

Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên 2019 tổ chức vào tháng 7 vừa qua, lãnh đạo Hanoimilk giải thích rằng, việc cổ phiếu bị đưa vào diện kiểm soát đặc biệt từ tháng 11/20198 do Công ty chưa thống nhất với đơn vị kiểm toán về việc trích lập thêm các khoản chi phí.

Công ty sẽ cố gắng xử lý trong thời gian sớm nhất. Nhưng 3 tháng đã trôi qua, Công ty vẫn không có chuyển biến gì.

Trước khi bị tạm ngừng giao dịch, cổ phiếu HNM được giao dịch trên thị trường với giá 4.500 đồng/cổ phiếu và thường xuyên không có thanh khoản.

Kinh doanh sa sút, kém hiệu quả, áp lực nợ phải trả đang đè nặng lên Hanoimilk. Tại thời điểm cuối tháng 6/2019, nợ phải trả của Công ty là 326 tỷ đồng, trong khi vốn chủ sở hữu chỉ 185 tỷ đồng.

Bị bỏ lại rất xa sau cú sốc 2008, Hanoimilk đang chật vật tìm cách rút ngắn khoảng cách  với các thương hiệu khác bằng việc phát triển thương hiệu sữa Izzi thành sản phẩm sữa hàng đầu dành cho trẻ em.

Ban lãnh đạo Công ty xác định, tới năm 2020 sẽ tái định vị thương hiệu Hanoimilk, tung ra các sản phẩm sữa chua ăn hoa quả, đẩy mạnh về doanh số.

Về đầu tư, Hanoimilk quyết tâm thực hiện dự án trồng cỏ nuôi bò sữa tự nhiên tại huyện Mê Linh, Hà Nội để cung cấp nguồn sữa tươi tự nhiên chất lượng cao cho sản xuất sữa chua ăn và phát triển dòng sản phẩm sữa tươi organic.

Đồng thời, HNM xác định tăng cường xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc, ASEAN, hợp tác gia công sản xuất cho các đối tác trong nước và quốc tế.

Ngoài ra, sẽ triển khai dự án đổi mới công nghệ, tăng công suất nhà máy để phục vụ bán hàng trong nước, gia công, xuất khẩu.

Chưa biết kế hoạch này được Hanoimilk triển khai đến đâu, nhưng với việc cổ phiếu bị tạm ngừng giao dịch vì vi phạm nghĩa vụ công bố thông tin, cổ đông, thị trường đã cạn kiệt niềm tin vào Công ty. Một khi không có sự đồng thuận, ủng hộ của cổ đông, đường về của Hanomilk thêm mịt mờ.

HẢI MINH
iconChia sẻ icon Chia sẻ
icon Chia sẻ

Advertisement