Sau những cơn mưa xuân, từ những cành khô trụi lá bắt đầu mọc lên lộc non xanh biếc, xen kẽ những nụ hoa bé li ti. Vạn vật như hồi sinh sau giấc ngủ đông dài, muôn hoa khoe sắc khắp nơi.
Khoảnh khắc giao thoa giữa mùa đông sang mùa xuân có lẽ là khoảnh khắc đẹp nhất của đất trời. Khi những cơn gió của mùa đông vẫn còn vương vấn trên những ngọn cây khô cằn, già nua, thì phía cuối chân trời, vệt nắng xuân đã bắt đầu gõ cửa.
Xuân sang, những triền núi phía Bắc khoác lên mình một chiếc áo mới rực rỡ như một dải lụa đào khiến cho vùng đất núi non hùng vĩ cũng trở nên mềm mại, dịu dàng xiết bao.
Cuối tháng 1 sang đầu tháng 2, khi tiết trời giảm khô hanh và ấm áp hơn, các thung lũng hoa mận ở cao nguyên Mộc Châu bắt đầu đồng loạt trổ bông. Hoa mận phủ trắng khắp cả núi đồi, khắp thung lũng tạo thành một chốn thiên đường giữa lưng chừng mây.
Hoa mận mọc khắp miền cao nguyên, mang theo ánh nắng ấm áp giúp cây cối tràn đầy sức sống, đâm chồi nảy mầm, nở hoa rực rỡ.
Tùy từng năm, thời điểm hoa mận Mộc Châu nở rộ có thể sẽ khác nhau. Năm nào lập xuân sớm thì đầu tháng 1 âm lịch hoa đã nở. Còn những năm mùa đông kéo dài, có thể đến giữa tháng 1 âm lịch hoa mận mới bắt đầu khoe sắc.
Cao nguyên Mộc Châu mùa hoa mận gần như được bao phủ hoàn toàn bởi sắc trắng vì có đến khoảng 1.300 ha trồng mận. Mùa này cũng mùa cao điểm du lịch ở Mộc Châu, ai cũng muốn đổ về để chiêm ngưỡng vẻ đẹp nao lòng ấy.
Hai thung lũng với diện tích trồng mận lớn nhất và cũng nhiều người ghé thăm nhất Mộc Châu là Nà Ka, nơi đây có thể được xem là niềm tự hào của người dân Mộc Châu với hàng trăm hecta mận.
Thung lũng này nằm trên cung đường di chuyển qua xã Tân Lập, cách thị trấn Nông trường Mộc Châu 16 km. Những du khách đi theo đoàn gia đình hoặc có người lớn tuổi, trẻ em thường lựa chọn Nà Ka do thung lũng này dễ di chuyển, nhiều vườn mận ngay hai bên đường đi, tiện cho việc tham quan.
Hoa Mận ở đây được đánh giá là nở đều hơn các thung lũng phía dưới, với nhiều vườn mận cổ thụ được trồng trên sườn núi, xen kẽ với những tảng đá rêu phong, vách đá cổ và cánh rừng nguyên sinh.
Ngoài Nà Ka, ở Mộc Châu còn có nhiều thung lũng mận khác như Nậm Tôm, Mu Náu.
Ngoài vẻ đẹp tinh khiết đầy tao nhã của hoa cỏ thì bạn cũng nên thử tham gia phiên chợ dân tộc thường diễn ra vào dịp Tết nguyên đán. Lúc này không khí Mộc Châu càng nhộn nhịp hơn cả, từ các bản làng, đến thị trấn Mộc Châu.
Vì đây là dịp lễ lớn nhất năm nên được người dân địa phương chuẩn bị từ khá sớm. Người dân địa phương bắt đầu bày bán nhiều thứ hay ho để mọi người sắm Tết như chăn, gối, quần áo thổ cẩm người Mông rất đẹp.
Thời điểm hoa nở từ giữa tháng 12 đến giữa tháng 1. Vào mỗi thời điểm khác nhau sẽ có những vườn hoa nở rộ khác nhau. Để chắc chắn sẽ đến được vào thời điểm đẹp nhất, ngoài việc tham khảo các review trên các hội nhóm mê du lịch, bạn cũng có thể tìm những bạn tourguide người bản địa để biết chính xác thời gian và địa điểm hoa nở. Liên hệ tourguide bản địa cũng giúp bạn tiết kiệm thời gian, công sức để có thêm thời gian ngắm hoa nở nhiều hơn.
Có cơ hội tham gia lễ hội bạn sẽ được thưởng thức tiếng khèn đặc trưng vùng cao cũng như làn điệu múa sạp truyền thống đầy hứng thú, bạn còn có thể nếm thử món ngon ngày Tết được chính người dân chế biến như nậm pịa, bánh dày, thịt trâu gác bếp.
Bạn có thể thuê xe máy để đi lại giữa các điểm du lịch. Lưu ý lựa chọn những nơi thuê xe uy tín vì cung đường di chuyển giữa các địa điểm Mộc Châu khá xấu, sẽ rất bất tiện cho bạn nếu xe hư hỏng dọc đường hay bạn là tay lái nữ.
Các khu vườn mận ở Mộc Châu thường nằm trên đồi cao, đường xấu hoặc dốc, vì vậy bạn hãy lựa chọn giày thể thao để di chuyển và có thể mang theo một đôi giày thật đẹp để đến điểm chụp ảnh.
Nếu như Mộc Châu đón người lữ khách bằng sự rộn ràng vui vẻ thì khi đến Sapa, mùa xuân lại đến đằm thắm hơn hẳn. Khung cảnh mờ ảo sương khói giữa Sapa cũng khiến lòng người thêm dịu dàng. Miền Bắc có sắc rực rỡ của hoa đào, miền Nam đón xuân với hoa mai vàng ấm áp thì riêng Sapa lại có một "dấu hiệu" mùa xuân vô cùng đặc biệt với hoa đào rừng, hay còn gọi là hoa tớ dày.
Hoa tớ dày hay còn được gọi với cái tên "pằng tớ dầy", hoa đào của người Mông. Loài hoa này thường nở vào cuối tháng 12 hằng năm và thời gian hoa nở chỉ kéo dài khoảng một tháng.
Đối với người Mông ở Mù Cang Chải, loài hoa này báo hiệu mùa xuân sớm khi bà con chuẩn bị nông cụ để vào vụ mới. Năm nay, hoa tớ dày nở đúng dịp nhiệt độ ở Mù Cang Chải chỉ khoảng 3 độ C, nên mỗi cánh hoa càng thêm thắm đậm.
Bản Trống Tông, xã La Pán Tẩn là nơi có hoa tớ dày nở đẹp nhất, hữu tình nhất khi hoa len lỏi vào các bản làng, hoa rải hồng trên các sườn núi.
Ở Mù Cang Chải, hoa tớ dày mọc tự nhiên, có cây bên sườn đồi, có cây lại tô thắm cho nếp nhà truyền thống của người Mông. Nhưng có một điều đặc biệt là cây tớ dày chỉ mọc và nở hoa ở độ cao trên 1.000m so với mực nước biển và trời càng lạnh thì hoa nở càng đẹp.
Mùa xuân cũng là dịp mọi người nghỉ ngơi, trò chuyện, uống rượu cùng nhau. Trẻ con đều mặc quần áo mới và thường tụ tập ở những khoảng sân rộng lớn để nhảy múa, vui chơi. Nét hồn nhiên và niềm vui ngày Tết hiện rõ trên từng khuôn mặt của những đứa trẻ H'Mông trẻ thơ chính là sự biểu hiện rõ nhất cho những vô tư mà người lớn đã dần quên mất.
Đến Sapa du khách còn được thỏa sức ngắm những rừng hoa Đỗ Quyên rực rỡ, tô những nét vẽ nhiều màu sắc cho rừng quốc gia Hoàng Liên Sơn. Đi khắp rải đất tây bắc không có ở nơi đâu hoa Đỗ Quyên nhiều và đẹp như ở Sapa. Dường như nơi đây là xứ sở của loài hoa Đỗ Quyên với rất nhiều màu sắc khác nhau như đỏ, trắng, hồng, vàng… mỗi loài mang một vẻ đẹp rất riêng, tỏa hương khoe sắc giữa núi rừng tây bắc.
Những ngày đầu xuân đến với Sapa, ngoài được đắm mình trong khung cảnh thiên nhiên thơ mộng, du khách có cơ hội tìm hiểu về những lễ hội độc đáo của các dân tộc nơi đây. Mỗi một lễ hội là biểu trưng cho một nét sinh hoạt văn hóa độc đáo được người dân nơi đây lưu giữ từ bao đời nay.
Cuối tháng 2 thiên nhiên ca khúc giao mùa, khi cái lạnh cắt da cắt thịt sắp qua cũng là lúc cao nguyên đá Hà Giang thức tỉnh. Không giống như sắc xuân dưới xuôi với màu đỏ ngập tràn mỗi khi Tết đến Xuân về, xuân Hà Giang mỗi năm mỗi khác.
Có lúc mảnh đất cao nguyên bừng lên trong sắc trắng tinh khôi của hoa lê, hoa mận, hay chìm đắm trong sắc vàng tươi của những cánh đồng hoa cải, cúc cam. Và cũng có năm, cả miền đá đều nở bung với những cánh đào rừng rợp trời, sắc hoa kiên cường nở rộ trên khắp các triền núi đá, đẹp đến nao lòng.
Nhẹ nhàng thấp thoáng trong làn sương là bóng dáng bà con dân tộc thiểu số đang rảo bước trên đường, làm cho bức tranh xuân thêm sinh động, nổi bật và gần gũi.
Từng cành khô bắt đầu đâm chồi ra những bông hoa nhỏ màu hồng, cánh hoa nhẹ nhàng mỏng manh nhưng mang trong mình sức sống mạnh mẽ nơi địa đầu Tổ quốc.
Màu hồng xuất hiện khắp hành trình trên Quốc lộ 4C, từ Quản Bạ qua Yên Minh tới Phố Cáo, kéo dài qua Sà Phìn, Lũng Táo đến tận Lũng Cú, sau đó ngược lại đường về thị trấn Đồng Văn và đi tiếp hành trình tới Mèo Vạc, qua mảnh đất Mậu Duệ - Du Già để trở về thành phố Hà Giang.
Hoa đào nở rộng và nhiều nhất ở thung lũng Sủng Là, cùng các điểm gần đó như Lao Xa, Sảng Tủng.
Một địa danh mới cũng có hoa đào vào dịp cuối tháng 2 là bản Nhìu Cồ San thuộc xã Sàng Ma Sáo, Bát Xát, Lào Cai.
Mùa xuân được coi là thời điểm đẹp nhất trong năm tại Hà Giang bởi khí hậu lúc này rất dễ chịu, thoáng mát. Vào lúc này, tiết trời vào xuân đa phần là không mưa, bầu trời trong xanh, thoáng đãng, không khí trong lành cùng với những tia nắng yếu ớt đầy ấm áp bao phủ lên miền núi vùng Đông Bắc. Nhiệt độ trung bình nơi đây vào tháng 2 chỉ khoảng từ 20- 28 độ C vào ban ngày, còn ban đêm thì nhiệt độ hạ xuống thấp khoảng từ 10- 15 độ C.
Thời điểm cuối tháng 2, khi những cây đào muộn bắt đầu tàn thì hoa gạo bung nở. Từ TP. Hà Giang đi theo Quốc lộ 4C lên với 4 huyện vùng cao núi đá (Quản Bạ, Yên Minh, Đồng Văn, Mèo Vạc) sẽ dễ dàng bắt gặp những cây hoa gạo mọc ven đường.
Loài cây này còn được thấy trên các triền núi, nương ngô của đồng bào dân tộc. Chúng mọc xen lẫn núi đá, rễ bám đất đá mà mạnh mẽ vươn lên. Trên đoạn đường từ xã Cán Tỷ đến xã Đông Hà của huyện Quản Bạ, bằng một cách nào đó những cây hoa gạo mọc thẳng tắp dọc triền sông Miện.
Đặc biệt, ngồi thuyền ngắm hoa gạo nở trên dòng sông Nho Quế chắc chắn là trải nghiệm ấn tượng nhất. Du khách sẽ cảm nhận được sự thú vị khi thuyền lênh đênh trên dòng nước xanh ngọc lục bảo, ngắm hẻm vực ẩn hiện trong mây trôi bồng bềnh và phóng tầm mắt nhìn sắc đỏ hoa gạo giữa muôn trùng núi non. Phong cảnh Hà Giang hiện lên thật hùng vĩ và mơ màng, đẹp như một bức tranh vậy.
Nếu như Sapa may mắn sớm được khám phá và được nhiều người biết tới vẻ đẹp kỳ vĩ đầy mê hoặc từ hàng trăm năm trước, thì Bắc Hà, Si Ma Cai ngược lại kém may mắn, vẫn thiếp ngủ trong rừng cấm, cheo leo, chênh vênh trên vùng núi đá hiểm trở, vẫn giữ trọn trong mình nét hoang sơ, vẫn bí ẩn chất chứa những huyền thoại về cảnh vật, con người, về một thời "cao nguyên trắng".
Nghe có vẻ tưởng chừng Simacai Bắc Hà là cùng một điểm đến, thế nhưng thật ra không phải vậy. Nếu muốn đến với Simacai thì từ Bắc Hà, bạn phải di chuyển thêm một quãng đường dài chừng 30 km.
Bắc Hà cách trung tâm thành phố Lào Cai áng chừng 70 km, thế nên các bạn trẻ nếu có ý định đến mảnh đất Simacai xinh đẹp này thường lựa chọn đi theo cung đường Hà Nội - Lào Cai - Bắc Hà - Simacai.
Đường vào nơi đây khá khó khăn với địa hình chia cắt bởi những ngọn núi cao hàng đầu Việt Nam.
Khi những bông đào ở Sapa bắt đầu tàn thì ở khoảng cách 140 km về phía Đông, hoa mận Tả Van Chư thuộc Bắc Hà, Lào Cai mới bắt đầu bung nở.
Mận nở dọc những hàng rào quanh nhà, đường đi trong thôn xóm, rồi cả những vạt rừng cũng nhuộm màu trắng tinh khôi. Hàng triệu bông hoa dệt thành một chiếc thảm trắng xoá giữa đất trời.
Ẩn nấp trong sắc màu tinh khiết ấy là những mái nhà của người Mông hoa lúp xúp, những bản nhỏ quây quần, bình yên.
Vào buổi sáng sớm hoặc buổi chiều tà, khi núi rừng lẩn khuất trong những làn sương mỏng tang hoặc dày đặc, làn khói nhỏ khẽ lách lên theo từng mái ngói khiến không gian như thực, như mơ... Cảnh sắc ấy khiến người khó tính nhất cũng phải xiêu lòng, bao mệt mỏi, sầu lo bỗng tan biến.
Tả Van Chư càng thêm say đắm lòng người bởi màu sắc của những bộ quần áo rực rỡ sắc màu của người dân tộc thoắt ẩn thoắt hiện trong những vườn mận bạt ngàn. Ðến đây, du khách có thể dừng chân ngắm hoa và chụp ảnh lưu niệm với các em nhỏ trong bản.
Nhắc tới Bắc Hà là nhắc tới chợ phiên - phiên chợ vùng cao hiếm hoi còn lưu giữ được những nét bản sắc trong văn hóa mua bán trao đổi của người dân vùng cao phía Bắc. Đã đi du lịch Bắc Hà thì nhất định không được bỏ qua chợ phiên này nhé.
Chợ phiên Bắc Hà họp duy nhất ngày Chủ nhật, nơi dễ dàng để nhìn thấy một cao nguyên Bắc Hà rực rỡ trong sắc màu của trang phục người Mông, Dao, Tày... của những vải lanh, thổ cẩm, ngất ngây trong hương rượu ngô đầy ăm ắp, trong khói thuốc lào và tiếng khèn Mông vang lên ở một góc chợ.
Từ Bắc Hà chạy tiếp, ngược lên phía Bắc là Simacai, mảnh đất viễn biên, một huyện biên giới phía Bắc giáp với Trung Quốc nơi có phiên chợ trâu nổi tiếng - chợ Cán Cấu. Đây là một trong những chợ trâu bò lớn nhất Tây Bắc, mỗi phiên có tới hàng trăm con trâu từ khắp các thôn, bản vùng cao Bắc Hà, Simacai, Mường Khương, thậm chí từ huyện Sín Mần, Hà Giang tụ hội về đây.
Không chỉ là nơi họp chợ, buôn bán và trao đổi hàng hóa, chợ phiên Cán Cầu còn là nơi để đôi lứa gặp nhau và trao duyên nữa đó. Chợ thường chỉ họp vào thứ Bảy hàng tuần, từ mờ sáng và kéo dài đến giữa trưa là tan, bạn nên chú ý để sắp xếp lịch trình sao cho hợp lý!