Advertisement

Nhận bản tin

Liên hệ quảng cáo

Email: banbientap@baocungcau.net

Hotline: 0917 267 237

icon logo

Quên mật khẩu?

Có tài khoản? Đăng nhập

Vui lòng nhập mật truy cập tài khoản mới khẩu

Thay đổi email khác
icon

Hành trình đào tẩu hơn 4.000 km của những người Triều Tiên

Dân sinh

21/09/2017 10:55

Những người Triều Tiên đào tẩu khỏi quê hương vượt quãng đường bộ hơn 4.300 km với mơ ước về một cuộc sống mới ở Hàn Quốc.

Từ thành phố Thẩm Dương, tỉnh Liêu Ninh, đông bắc Trung Quốc, gần biên giới với Triều Tiên, chỉ mất đúng một giờ 45 phút để bay tới thủ đô Seoul, Hàn Quốc. Chuyến bay này ngắn tới nỗi hành khách thậm chí còn chưa kịp ăn xong suất cơm miễn phí trên máy bay trước khi hạ cánh. Tuy nhiên, đối với những người đào thoát khỏi Triều Tiên qua ngả đường Trung Quốc thì hành trình tới Hàn Quốc không dễ dàng như vậy, Washington Post đưa tin.

Một người đàn ông kéo lưới đánh cá lội qua vùng nước trũng ở phía bắc thành phố Đan Đông, tỉnh Liêu Ninh, Trung Quốc, gần sông Yalu, giữa biên giới với Triều Tiên. Ảnh: Reuters.

Trong trường hợp lý tưởng nhất, những người đào tẩu Triều Tiên sẽ trải qua quãng đường dài 4.300 km với đủ loại phương tiện giao thông như xe bus, xe máy, thuyền và thậm chí đi bộ băng rừng. Đa số người đào tẩu khỏi Triều Tiên đều bắt đầu hành trình chạy trốn qua Trung Quốc, rồi tới Lào, sau đó vượt biên vào Thái Lan. Tại đây, sau khi bị chính quyền sở tại phạt hành chính vì tội nhập cư bất hợp pháp, họ sẽ được gửi tới đại sứ quán Hàn Quốc ở Bangkok. Tiếp theo đó, quy trình chuyển họ tới Seoul được kích hoạt. Khi đặt chân tới Hàn Quốc, những người tị nạn Triều Tiên sẽ bắt đầu cuộc sống mới.

Theo thống kê, kể từ những năm 1990, hơn 30.000 người Triều Tiên đã trốn chạy sang Hàn Quốc. Và một khi đã đặt chân đến thủ đô Seoul, tất cả những người tị nạn Triều Tiên nghiễm nhiên được công nhận là công dân Hàn Quốc.

"Cháu muốn học tất cả mọi thứ về máy tính", một cậu bé Triều Tiên 15 tuổi vừa tới Thái Lan cho biết. Mới chỉ 12 ngày trước thôi, cậu vẫn còn ở Triều Tiên.

"Cháu cũng muốn giỏi máy tính", cô em gái 8 tuổi xen vào. Cô bé cầm trên tay một con búp bê Barbie mà những cán bộ của một tổ chức nhân đạo ở Thái Lan tặng. Đây là con búp bê đầu tiên trong đời cô bé.

Hai đứa trẻ thuộc nhóm 11 người Triều Tiên đang ở trong đồn cảnh sát biên giới Thái Lan sau khi vượt sông Mekong từ Lào. Những người này vẫn còn chưa hồi sức sau hành trình dài ngày, sẵn sàng chia sẻ câu chuyện đào tẩu của họ với điều kiện giữ kín tên thật.

Quyết định rời bỏ quê hương

Khi còn ở Triều Tiên, người đàn ông làm nghề đánh cá hàng ngày chèo thuyền qua lại Trung Quốc. Thu nhập từ nghề tay phải là đánh cá cộng với nghề tay trái chuyển tiền qua biên giới hai nước giúp ông kiếm sống tốt. Nhưng nhìn thấy cuộc sống của người dân Trung Quốc ở vùng biên giới và nghe đài phát thanh Hàn Quốc hàng ngày, người đàn ông này quyết định trở thành một trong những người rời bỏ Triều Tiên để tìm cuộc sống mới.

Trong khi đó, đối với người phụ nữ tầm 50 tuổi, vốn sinh sống ở thành phố cảng Nampo, phía nam Triều Tiên, đào thoát khỏi quê hương là lựa chọn duy nhất. Bà vừa trải qua hai năm rưỡi cải tạo tập trung và không muốn bị bắt trở lại đó.

Còn với một nhóm phụ nữ trẻ khoảng hơn 20 tuổi, họ không biết hoặc giả vờ không biết rằng gia đình ở thành phố biên giới Hyesan bán họ cho đàn ông Trung Quốc. "Tôi biết tôi sắp bị bán đi nhưng tôi đã chuẩn bị cho ngày đó rồi", một cô nói. Bạn của cô gái này sang Trung Quốc trước đó vài tháng với niềm tin rằng sẽ kiếm được một chân chạy bàn trong một nhà hàng nhưng trên thực tế cô bị gả bán cho một người đàn ông Trung Quốc với giá 12.000 USD.

Một người phụ nữ Triều Tiên đào tẩu ngồi kể lại hành trình gian khó kéo dài 12 ngày trước khi đến Thái Lan. Ảnh: Washington Post.

Tất cả họ, mỗi người mỗi số phận, mỗi hoàn cảnh, đều chọn con đường rời bỏ quê hương.

Không có con số thống kê chính thức nhưng theo ước tính mỗi năm có hàng nghìn người Triều Tiên mạo hiểm vượt biên. Nhiều người sống chui sống lủi ở Trung Quốc trước khi bị bắt và trục xuất về nước. Năm ngoái, có 1.418 người trốn thoát tới Hàn Quốc.

Dù lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un ra lệnh siết chặt quản lý cửa khẩu biên giới, với sự giúp đỡ của mạng lưới những người môi giới, trong số đó nhiều người vốn xuất thân là người tị nạn đào tẩu thành công, quy trình đưa người Triều Tiên tới Hàn Quốc hoạt động tương đối trơn tru. Thông thường, không mất quá 10 ngày tại trại giam ở Thái Lan và chỉ trong vòng chưa đầy một tháng, những người đào tẩu có thể đặt chân tới Seoul.

Hành trình hiểm nguy

Sau khi tìm được người môi giới, việc tiếp theo một người tị nạn Triều Tiên cần làm là kiếm đủ tiền để đặt cọc. Số tiền còn lại sẽ được thanh toán khi đến Hàn Quốc. Số ít người tị nạn may mắn được các tổ chức tôn giáo hoặc thiện nguyện ở Hàn Quốc trang trải nốt khoản nợ.

Ở chặng đầu tiên của hành trình, nhóm gồm 11 người Triều Tiên đào tẩu vượt sông vào Trung Quốc giữa đêm tối. Họ được thông báo rằng, có hai chiếc xe ôtô đã đợi sẵn họ ở bờ bên kia. Sau đó, họ sẽ được chở đến một ngôi nhà an toàn.

"Lúc đến được ngôi nhà đó, trời đã tang tảng sáng", một người phụ nữ Triều Tiên 42 tuổi nhớ lại. "Chúng tôi ở đó ba ngày, chỉ có ăn, ngủ và xem TV suốt cho đến khi họ nói đã đến lúc tiếp tục lên đường".

Dù lo lắng sẽ bị bắt giữ trên đường đi, ai cũng nghĩ như người đàn ông đánh cá rằng: "Nếu phải chết thì chết thôi".

Sau đó, cả nhóm được đẩy lên chuyến xe bus đầu tiên chạy suốt 17 tiếng. "Chuyến xe đó chẳng là gì cả. Chúng tôi mất tổng cộng 80 tiếng ngồi trên ôtô, đổi hết xe này tới xe khác ở Trung Quốc", một người phụ nữ bật cười kể lại.

Ngồi yên vị trên xe bus chưa hẳn đã an toàn. Nếu cảnh sát Trung Quốc bất ngờ kiểm tra giấy tờ tùy thân, họ sẽ ngay lập tức bị phát hiện.

"Chúng tôi không dám ngồi cạnh nhau. Chúng tôi không hé răng nói với nhau câu nào trên xe. Và cũng không có ai đoái hoài đến chúng tôi vì chúng tôi giả vờ ngủ suốt".

Dù những người tổ chức các chuyến đào tẩu này ngồi ở Seoul, Hàn Quốc, họ biết chính xác từng đường đi nước bước.

"Chúng tôi biết chính xác vị trí các điểm kiểm soát. Có thế, chúng tôi mới có thể báo cho họ biết nên chờ đợi ở đâu và khi nào thì nên đi tiếp", Kim Sang-hun, một người hoạt động vì người tị nạn Triều Tiên cho biết.

"Họ có thể bị bắt giữ ở bất cứ đâu, vào bất cứ lúc nào. Và kết cục sẽ rất xấu. Vì vậy, để đảm bảo họ được an toàn, chúng tôi phải hiểu biết về địa phương nơi mà họ đi qua nhằm tìm cách đi vòng".

Nhiều người Triều Tiên sống gần biên giới Trung Quốc, biết một chút tiếng Trung và ngoại hình cũng tương đối giống người bản địa nên có thể dễ dàng vượt qua chặng đường này.

Ji Seong-ho, một người Triều Tiên đào tẩu, hiện sống ở Seoul, Hàn Quốc, đứng ở bờ sông Mekong gần biên giới Thái Lan và Lào. Đằng sau lưng ông Ji là những người tị nạn Triều Tiên. Ảnh: Washington Post.

Phần khó khăn nhất là chặng đường ở Lào, họ phải đi bộ nhiều ngày đường rừng giữa những trận mưa nhiệt đới xối xả. Vừa lẩn trốn vừa chạy trong đêm tối để tránh các lực lượng tuần tra biên phòng.

"Mỗi bước đi đều nguy hiểm và khó khăn, băng rừng, đổi phương tiên giao thông, vượt qua biên giới giữa các nước. Một vài người đã ngã bệnh trên đường đi vì quá gian nan", ông Ji Seong-ho, lãnh đạo một tổ chức thiện nguyện vì người tị nạn Triều Tiên, cho biết.

Hành trình đặc biệt gian truân với trẻ em và người cao tuổi. Có những bà mẹ buộc phải cho con uống thuốc ngủ để chúng không khóc rồi bỏ lại chúng giữa đường.

Khi đang lang thang trong rừng ở Lào, ba người đàn ông xuất hiện và lia đèn pin về phía họ. Lúc đó, trời tối và mưa như trút nước. Ai cũng ướt sũng. Đường rừng trơn trượt.

"Họ nói chúng tôi phải leo qua hai quả núi nhưng tôi nghĩ phải là ba quả", một người phụ nữ trẻ đã để con gái nhỏ 4 tuổi ở Trung Quốc để trốn thoát. "Thực sự, rất khó khăn. Tôi đã sợ đến mức tưởng rằng mình sẽ chết".

Còn người phụ nữ 50 tuổi đến từ thành phố cảng Nampo thì cho biết những lần vượt biên giới là đáng sợ nhất. "Tôi cứ tự nhủ rằng: Chuyện gì sẽ xảy ra nếu bị bắt? Nếu tôi bị trục xuất về nước một lần nữa, tôi biết cuộc đời tôi sẽ chấm dứt".

Sau đó, họ được hướng dẫn lên một chiếc xe. Người tài xế tỏ rõ sự lo lắng và sợ hãi vì biết mình đang liều lĩnh chở 11 người Triều Tiên. Trong khi đó, hành khách cũng căng thẳng không kém. Họ đã đi được xa như vậy rồi. Nếu bị bắt ở Lào, tất cả sẽ quay trở về con số không.

Khoảng 4 tiếng sau, cả nhóm đứng trước sông Mekong, chuẩn bị vượt biên giới từ Lào sang Thái Lan.

4 tiếng đồng hồ ngồi trên xe, quần áo trên người chưa kịp khô. Họ đứng run lập cập trong đêm tối ở trên bờ và đợi đến giờ phút xuất phát. Đúng 3h30 sáng, tất cả lên hai chiếc thuyền. Mưa to khiến nước sông chảy cuồn cuộn. Đi xuôi theo dòng tầm hơn 30 km, họ được thả vào bờ.

Khi đặt chân lên bờ, tất cả đều thở phào nhẹ nhõm. Họ đã tới Thái Lan.

"Tôi ngồi trên bờ và châm lửa hút thuốc", người đàn ông Triều Tiên làm nghề đánh cá nói.

Trong khi đó, ông Ji lùng sục tìm kiếm nhóm 11 người này. Con thuyền đã thả họ xa điểm hẹn. Cuối cùng sau nhiều giờ, ông Ji đã gặp được cả nhóm rồi đưa họ tới một khách sạn gần đó tắm rửa và ăn uống.

Tối hôm đó, trước khi ra trình diện cảnh sát vào sáng hôm sau, những người Triều Tiên đào tẩu ngồi lại với nhau. Họ đẩy hết giường vào một góc, quây quần trên sàn nhà cùng ăn một bữa cơm với cá nướng, gà rán và bia.

Giờ đây, Hàn Quốc đã không còn xa.

AN HỒNG (VnExpress)
iconChia sẻ icon Chia sẻ
icon Chia sẻ

Advertisement