04/07/2019 08:14
Hàng Việt đang ở đâu khi kênh bán lẻ liên tục bị nước ngoài thâu tóm?
Hàng Việt thông qua hệ thống bán lẻ đã hiện diện nhiều nước ở châu Á và xuất khẩu qua các doanh nghiệp bán lẻ ngoại đang diễn ra khá thành công.
Không chỉ tập trung xuất khẩu hàng hóa trực tiếp qua đối tác ngoại, các doanh nghiệp Việt Nam hiện nay còn chủ động tiếp cận, mở rộng thị trường sang nhiều nước khác nhau nhờ vào kênh phân phối hiện đại như: hệ thống siêu thị, thương mại điện tử. Đáng chú ý, xuất khẩu qua các doanh nghiệp bán lẻ ngoại đang diễn ra khá thành công.
Hiện nay, hàng Việt thông qua hệ thống bán lẻ đã hiện diện tại nhiều nước ở châu Á. Dựa trên chất lượng và mẫu mã sản phẩm “made in Vietnam”, các nhà bán lẻ nước ngoài khẳng định rằng, Việt Nam có nhiều sản phẩm tiêu dùng được người nước ngoài ưa thích.
Một số nhà phân phối hỗ trợ hàng Việt vươn xa phải kể đến Saigon Co.op, Aeon, Big C, Lotte,… Đặc biệt, Saigon Co.op xuất khẩu vải, bưởi da xanh qua Singapore; Lotte xuất khẩu hàng tiêu dùng và hàng đặc sản qua Hàn Quốc…
Trung bình một năm Saigon Co.op thu về gần 2 triệu USD cho mặt hàng xuất khẩu vào thị trường Singapore như bưởi năm roi, khoai lang, thanh long. Đối với kênh phân phối ngoại như Aeon, nhiều mặt hàng trong nước đã có mặt trong hệ thống phân phối của đơn vị này ở nước ngoài.
Doanh nghiệp bán lẻ ngoại: Cánh cửa nào hàng Việt xuất khẩu? |
Trong năm 2018, sản phẩm cá ba sa của một nhà máy tại Bến Tre có sản lượng xuất khẩu khoảng 1.000 tấn, tăng gấp 20 lần và dự kiến, sẽ gia tăng sản lượng khoảng 1.500 tấn trong năm 2019 để cung cấp cho hệ thống phân phối này.
Ngoài mặt hàng thực phẩm tươi sống, một số loại trái cây Việt đã vào hệ thống Aeon. Cụ thể, trái xoài Việt Nam tham gia thị trường Nhật Bản và cạnh tranh với xoài Thái Lan, Philippines, Pakistan. Aeon đang có kế hoạch nâng hàng hóa của Việt Nam lên 500 triệu USD vào năm 2020 và 1 tỷ USD vào năm 2025.
Mong muốn vươn xa vào thị trường không biên giới, hàng Việt liên tục có mặt ở hệ thống siêu thị của Central Group Thái Lan. Theo thông tin của đại diện Central Group, thông qua Big C Việt Nam, từ năm 2017 đến nay Tập đoàn này đã nhập 46 triệu USD hàng hóa Việt mỗi năm và đang đẩy con số này lên nhiều hơn, nhất là hàng dệt may, nông sản.
Hay như MM Mega Market (trước đây là Metro) sau khi thuộc về Tập đoàn TCC (Thái Lan) đã thành lập 4 trung tâm mua hàng nông sản ở Việt Nam. Hiện kênh phân phối này xuất khẩu nhiều mặt hàng đặc trưng của Việt Nam như cá basa, thanh long, khoai lang…. Doanh nghiệp này đang phấn đấu mỗi tuần xuất 10 container hàng hóa Việt Nam sang các nước.
Bên cạnh kết quả tích cực trong việc phát triển thị trường hàng hóa xuất khẩu qua kênh phân phối của các doanh nghiệp bán lẻ nước ngoài nói trên, các nhà phân phối cũng chỉ ra những khuyết điểm của sản phẩm Việt. Không ít nhà phân phối cho rằng, doanh nghiệp cần chú trọng chất lượng sản phẩm nhiều hơn, đảm bảo nghiêm ngặt các tiêu chuẩn của thị trường quốc tế.
Xoài Việt Nam rất ngon nhưng so sánh với Philippines hay Thái Lan rõ ràng chưa thể cạnh tranh. Xoài Việt thua xoài các nước ở vị ngọt. Ngoài ra, đối với thực phẩm đóng gói, một số nhà bán lẻ quốc tế nhận định, bánh phồng tôm Việt ngon hơn cả các sản phẩm cùng loại của Thái.
Thế nhưng, sản phẩm vẫn chưa được người tiêu dùng lựa chọn vì bao bì chưa phù hợp, thiếu tiếng Anh hoặc tiếng Thái. Trên bao bì cần phải ghi rõ nguyên liệu, thành phần cụ thể.
Bên cạnh đó, sản phẩm còn cần có sự kiểm định, chứng nhận của cơ quan quản lý nước nhập khẩu. Từ trước đến nay, việc gia tăng kim ngạch xuất khẩu hoàn toàn không đơn giản. Muốn xuất khẩu hiệu quả cao phải đáp ứng đủ yêu cầu. Đối với mặt hàng nông sản, ngoài chất lượng sản phẩm phải đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.
Với mặt hàng tiêu dùng, cần có những sản phẩm tốt hơn hẳn về mọi mặt, doanh nghiệp nên bán thứ người tiêu dùng cần. Sản phẩm xuất khẩu qua kênh bán lẻ phải tuân thủ theo tiêu chuẩn quốc tế, tiêu chuẩn chuyên ngành, tiếp đó là tiêu chuẩn của hệ thống phân phối.
Advertisement
Advertisement
Đọc tiếp