Advertisement

Nhận bản tin

Liên hệ quảng cáo

Email: banbientap@baocungcau.net

Hotline: 0917 267 237

icon logo

Quên mật khẩu?

Có tài khoản? Đăng nhập

Vui lòng nhập mật truy cập tài khoản mới khẩu

Thay đổi email khác
icon

Hàng loạt ông lớn rút lui, tiền ảo Libra của Facebook liệu có "chết yểu"?

Tiền điện tử

22/10/2019 18:28

Mới đây Mastercard, eBay và Stripe đã đồng loạt rút lui khỏi Libra Association, hiệp hội phát triển đồng Libra, gây lo ngại về tương lai u ám của đồng tiền này.

Libra và những làn sóng phản đối

Mặc dù về mặt ý tưởng, đồng Libra đang cố gắng giải quyết các vấn đề của các đồng tiền kỹ thuật số trước đây, song về mặt kỹ thuật, đồng Libra chưa thực sự có quá nhiều điểm nổi bật và dự kiến sẽ còn gặp nhiều khó khăn, thách thức khi đi vào hoạt động. Tuy nhiên, nguyên nhân khiến Libra nhận được nhiều sự quan tâm chính là vì triển vọng trở thành một phương tiện thanh toán xuyên biên giới khởi nguồn từ mạng lưới người dùng Facebook hiện nay và các dịch vụ đi kèm của các thành viên sáng lập ban đầu.

Nhiều người lo ngại đồng tiền ảo Libra của Facebook sẽ làm phá hủy hệ thống tài chính và làm tăng quyền lực của mạng xã hội này.
Nhiều người lo ngại đồng tiền ảo Libra của Facebook sẽ làm phá hủy hệ thống tài chính và làm tăng quyền lực của mạng xã hội này.

Facebook hiện có 2,4 tỷ người dùng, gấp gần 70 lần số người hiện đang có ví tiền mã hóa (35 triệu, theo Statista). Trong số 2,4 tỷ người này bao gồm cả những người đã có hoặc chưa có tài khoản ngân hàng. Nhưng nếu cộng số người dùng facebook và những người không dùng Facebook, chưa có tài khoản ngân hàng, và nếu được cộng đồng, nhà quản lý chấp nhận, số người dùng đồng Libra sẽ ít nhất là trên 2,4 tỷ người trong tương lai.

Ở thời điểm hiện tại, không phải nhiều quốc gia chấp nhận tiền KTS như một phương tiện thanh toán hợp pháp; thậm chí, loại tiền này còn bị cấm ở một số quốc gia. Các quy định pháp lý áp dụng cho tiền kỹ thuật số nhìn chung còn chưa đầy đủ, kể cả ở các quốc gia cho phép giao dịch chúng. Ngay từ khi chưa ra mắt, đồng Libra đã vấp phải nhiều sự phản đối từ một số nhà lập pháp và chính trị gia trên thế giới.

Ngay sau khi ngày công bố 18/6/2019, Facebook đã bị một số Nghị sĩ Mỹ yêu cầu tạm dừng phát triển hoàn toàn dự án Libra và phải điều trần trước Quốc hội; trong khi Bộ trường Tài chính Pháp cho rằng không thể để Libra trở thành một loại tiền tệ tương tự như tiền tệ do NHTW phát hành. Những lo ngại khác bao gồm việc Facebook có thể trở thành một “ngân hàng ngầm”- shadow bank, nguy cơ về hoạt động rửa tiền, tội phạm…

Mặc dù đã có bước tiếp cận và làm việc với các NHTW và Chính phủ một số nước, đặc biệt là các quốc gia cho phép giao dịch tiền kỹ thuật số, song chắc chắn Facebook và các thành viên sáng lập còn rất nhiều việc phải làm trước khi đồng Libra và các ứng dụng khác có thể đi vào hoạt động hợp pháp.

Ngoài ra, vấn đề bảo mật, an toàn vẫn là thách thức lớn đối với việc phát triển của Libra. Nhìn chung Facebook đã thực hiện khá nhiều “động thái” nhằm tạo ra một sự độc lập tương đối giữa hoạt động của Facebook và các vấn đề liên quan đến Libra: (i) thành lập một công ty con Calibra như 1 ví điện tử và nhằm tách dữ liệu thanh toán bằng đồng Libra riêng; (ii) chỉ có một phiếu bầu, tương tự như những thành viên sáng lập khác, đảm bảo quyền bình đẳng và tránh độc quyền thống lĩnh; (iii) cho phép người dùng sử dụng ví Calibra độc lập mà không nhất thiết phải dùng Libra thông qua Facebook, Messenger hay WhatsApp…

Hàng loạt ông lớn rời khỏi Libra

Mastercard, eBay và Stripe đã đồng loạt rút lui khỏi Libra Association, hiệp hội phát triển đồng tiền điện tử Libra do Facebook khởi xướng và thành lập. Một tuần trước đó, dịch vụ thanh toán trực tuyến Paypal cũng đã rút lui khỏi hiệp hội này.

“Chúng tôi rất tôn trọng tầm nhìn của hiệp hội Libra. Tuy nhiên, eBay đã đưa ra quyết định rút lui và không tiến tới với vai trò một thành viên sáng lập của hiệp hội này. Vào thời điểm hiện tại, chúng tôi tập trung vào việc triển khai trải nghiệm thanh toán được quản lý bởi eBay dành cho khách hàng của mình”, đại diện của trang thương mại điện tử eBay cho biết trong một thông cáo đưa ra.

Ảnh minh hoạ.
Ảnh minh hoạ.

Trong khi đó, dịch vụ thanh toán trực tuyến Stripe cũng đưa ra một lời giải thích tương tự eBay cho quyết định của mình.

“Stripe ủng hộ các dự án nhằm mục đích giúp thương mại trực tuyến dễ dàng tiếp cận hơn với mọi người trên khắp thế giới. Libra có tiềm năng này. Chúng tôi vẫn sẽ theo sát tiến trình của nó và vẫn sẵn sàng hợp tác với hiệp hội Libra ở giai đoạn sau”, Stripe cho biết trong một thông cáo đưa ra.

Công ty cung cấp dịch vụ tài chính Mastercard hiện chưa đưa ra bình luận gì về quyết định của mình.

Đáp lại quyết định rút lui của 3 “ông lớn”, Giám đốc chính sách của Hiệp hội Libra - Dante Disparte, đã gửi lời cám ơn đến các các công ty vì đã liên tục hỗ trợ cho hiệp hội này trong thời gian qua.

“Chúng tôi tập trung vào việc tiến tới phía trước và sẽ tiếp tục xây dựng một hiệp hội vững mạnh của các doanh nghiệp hàng đầu thế giới, các tổ chức xã hội và các bên liên quan khác”, Dante Disparte cho biết. “Chúng tôi đang trông đợi cuộc họp đầu tiên của Hiệp hội Libra khai mạc trong vòng 3 ngày tới và sẽ công bố những thành viên đầu tiên của hiệp hội”.

Rủi ro của tiền ảo Libra

Libra là đồng tiền ảo do Facebook khởi xướng và công bố lần đầu tiên vào tháng 6 vừa qua, hợp tác cùng 27 đối tác khác và dự kiến sẽ phát hành vào đầu năm sau. Facebook tự tin tuyên bố Libra là “đồng tiền mã hóa ổn định” nhờ áp dụng cơ chế dùng một “rổ” tài sản đảm bảo để “neo” giá Libra và sẽ không dao động như Bitcoin. Facebook còn vô cùng tự tin khẳng định Libra sẽ tổng hợp tất cả những thứ hay ho nhất của tiền mã hóa và thanh toán điện tử. Không chỉ vậy, mạng xã hội này còn cho phép người dùng gửi Libra cho nhau khi chat trên Messenger hay WhatsApp một cách đơn giản.

Mặc dù được Facebook tâng bốc nhiều như vậy, nhưng kể từ khi ra mắt đồng tiền Libra đã vấp phải không ít sự phản đối của các nhà lập pháp Mỹ và châu Âu ngay vì lo ngại đồng tiền này có nguy cơ cao được sử dụng để rửa tiền và tài trợ cho khủng bố. Ngoài ra, nhiều nghị sĩ tại Mỹ cũng lo ngại tiền ảo sẽ càng tăng lên quyền lực của Facebook, vốn đã rất lớn ở thời điểm hiện tại.

Nhiều công ty đã tham gia vào Hiệp hội Libra do Facebook sáng lập để phát triển đồng tiền ảo của mình hiện đang chịu nhiều sự áp lực, thậm chí là đe dọa từ các chính trị gia và đây có thể là nguyên do khiến các công ty này rút lui khỏi dự án phát triển tiền ảo của Facebook.

Tuy nhiên, không thể phủ nhận, Libra vẫn là ý tưởng và dự án mà Facebook đã khởi động, các đối tác, thành viên sáng lập cũng được tiếp cận và chọn lựa bởi Facebook. Vẫn còn rất nhiều câu hỏi và tranh cãi xung quanh việc Facebook sẽ kiểm soát như thế nào và ở mức độ nào với Libra? Nếu kiểm soát quá mức (như tự mình thực hiện việc phê duyệt từng giao dịch và kiểm soát từng người dùng), Libra có thể biến thành một PayPal thứ hai.

Ngược lại, nếu không nắm toàn quyền kiểm soát (ví dụ giao công việc này cho một sàn giao dịch), Facebook khó có thể kiếm lợi nhuận hơn và khó kiểm soát các hoạt động phi pháp, rửa tiền; việc giao cho Hiệp hội Libra cũng có rủi ro ở chỗ Hiệp hội này được tạo ra thông qua các sự thỏa hiệp và không có gì đảm bảo sẽ giải quyết được vấn đề tìm kiếm lợi nhuận và ngăn chặn rửa tiền cũng như đạt được sự đồng thuận nhanh chóng, hiệu quả khi vận hành trong tương lai.

MINH TUẤN
iconChia sẻ icon Chia sẻ
icon Chia sẻ

Advertisement