26/11/2020 19:45
Hàng không Việt phải mất 3 năm mới phục hồi, Vietjet, Bamboo Airways đồng loạt xin hỗ trợ
Hàng không Việt Nam sẽ theo mô hình chữ V, tức sụt giảm xuống đáy và phát triển nhanh trở lại, nhưng phải mất 3 năm mới về mức như năm 2019.
Các chuyên gia kinh tế cũng đang có những tranh luận trái chiều về câu chuyện Nhà nước hỗ trợ các hãng hàng không vượt qua đại dịch COVID-19. Hãng bay nào cũng đóng góp ngân sách, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, nên khi khó khăn đều phải được hỗ trợ, nhưng không cào bằng.
Hàng không Việt phục hồi theo hình chữ V, mất 3 năm mới quay lại như trước dịch COVID-19
Tại Hội thảo quốc gia “Vượt qua khủng hoảng phát triển bền vững ngành hàng không Việt Nam” diễn ra ngày 26/11, Phó Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam, ông Phạm Văn Hảo, dự báo thị trường hàng không phải mất tới 3 năm mới phục hồi về mức như năm 2019.
Theo dự báo, hàng không Việt phải mất 3 năm mới phục hồi, quay lại trạng thái như trước dịch COVID-19. Ảnh: Zing |
Ông Hảo cho biết theo đánh giá của Tổ chức Hàng không dân dụng Quốc tế (ICAO), sẽ có 2 kịch bản phát triển cho ngành hàng không. Kịch bản thứ nhất, hàng không sẽ phát triển theo mô hình chữ V - sụt giảm theo đáy và phát triển nhanh trở lại. Kịch bản 2 là sẽ theo mô hình chữ U, giảm xuống đáy và kéo dài từ 3-5 tháng đi kèm suy giảm kinh tế. Dự báo thị trường hàng không sụt giảm 48-71% tùy theo diễn biến dịch bệnh.
Với hàng không Việt Nam, ông Hảo cho rằng sẽ theo kịch bản thứ nhất, là từng bước phục hồi theo mô hình chữ V.
“Dự kiến, thị trường hàng không mất tới 3 năm mới phục hồi về mức như năm 2019,” ông Hảo khẳng định.
Trong khi đó ông Nguyễn Tiến Hoàng, Phó Trưởng ban Kế hoạch phát triển Vietnam Airlines, cho hay dự báo thiệt hại hàng không Việt Nam riêng trong năm 2020 là 4 tỷ USD.
Vietjet, Bamboo Airways cùng xin hỗ trợ vốn
Cũng theo ông Nguyễn Tiến Hoàng, đại dịch COVID-19 đã thổi bay một nửa doanh thu của Vietnam Airlines trong năm 2020. Dự kiến năm 2020 hãng lỗ hợp nhất 14.000-15.000 tỷ đồng, thâm hụt dòng tiền khoảng 15.000 tỷ đồng.
Trong tình cảnh khó khăn tương tự, bà Hồ Ngọc Yến Phương, Phó Tổng giám đốc Vietjet, cho biết trước đại dịch, tăng trưởng bình quân của Vietjet đến năm 2019 là trên 30%. Nhưng COVID-19 khiến doanh thu của hãng sụt giảm 70-75% và ảnh hưởng rất lớn thanh khoản. Hãng đã lỗ 2.400 tỷ đồng trong 9 tháng đầu năm.
Vietjet phải bán và chuyển nhượng tài sản tích lũy trong nhiều năm hoạt động của mình, nhưng số nợ đã lên 10.000 tỷ đồng. "Ước tính, chúng tôi đang thiếu hụt hàng ngàn tỷ đồng cho hoạt động kinh doanh”, bà Phương cho biết.
COVID-19 thổi bay hàng ngàn tỷ đồng của các hãng hàng không, gây ra cuộc khủng hoảng chưa từng có trong lịch sử. Ảnh: VietnamNet |
Phó Tổng giám đốc Lê Khắc Hải của Bamboo Airways cũng chia sẻ ước số lỗ của Bamboo Airways hãng bằng 1/3-1/4 Vietnam Airlines. Cao điểm dịch, đội tàu bay của Bamboo Airways chỉ còn hoạt động 2 ngày/chuyến đối với một số đường bay trục chính. Đến 80-90% số tàu bay phải dừng hoạt động.
Phó Tổng giám đốc Vietjet cho rằng dù Vietjet đã cố gắng hết sức để duy trì việc làm cho 6.000 lao động, kể cả đàm phán trả lương phi công theo giờ, giảm 70-80% lương lãnh đạo, nhưng với gánh nợ quá lớn, hãng rất cần được Chính phủ hỗ trợ để vượt qua khủng hoảng.
Theo lãnh đạo Vietjet, trong 2-3 năm tới, các doanh nghiệp hàng không trong nước đều gặp khó về thanh khoản. Vietjet kiến nghị được hỗ trợ vay 4.000 tỷ đồng, với lãi suất ưu đãi trong vòng 3-5 năm bằng nguồn tái cấp vốn Nhà nước từ Ngân hàng Nhà nước tới ngân hàng thương mại. Theo bà Phương, có thể chỉ định 2 ngân hàng nhà nước có tiềm lực mạnh cùng tham gia hỗ trợ. Và Vietjet bắt đầu trả nợ gốc và lãi trong vòng 3 năm, kể từ 2023-2025.
Ông Lê Khắc Hải cũng đồng tình với kiến nghị của Vietjet. Ông cho biết Bamboo Airways đề xuất Quốc hội và Chính phủ xem xét, có gói tài chính hỗ trợ các hãng hàng không tư nhân bằng hình thức tái cấp vốn, như đã hỗ trợ Vietnam Airlines. Theo đó, các hãng sẽ được vay trực tiếp từ ngân hàng thương mại với lãi suất 2-3%/năm trong vòng 2-3 năm, và đảm bảo bằng tài sản.
Các hãng hàng không đều cần hỗ trợ
Tuần trước, Vietnam Airlines đã được Quốc hội thông qua gói cứu trợ 12.000 tỷ đồng, trong đó 8.000 tỷ đồng để phát hành cổ phiếu tăng vốn, 4.000 tỷ là vay ưu đãi thông qua các tổ chức tín dụng.
Mỗi năm, các hãng hàng không đã nộp thuế và phí hơn 20.000 tỷ đồng nên đều cần nguồn vốn hồi phục sau dịch, đóng góp cho ngân sách. Ảnh: Báo Giao thông |
Về việc Quốc hội ra nghị quyết đồng ý hỗ trợ Vietnam Airlines, hãng hàng không quốc gia mà Nhà nước sở hữu 86% vốn, thông qua gói cứu trợ 12.000 tỷ đồng, TS. Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế, cho rằng điều này mang tính thị trường, minh bạch. Song, các hãng hàng không trong nước cũng cần Nhà nước hỗ trợ, như hỗ trợ bằng lãi suất tái cấp vốn.
Ông Thiên nói thêm lúc này các hãng hàng không Việt Nam phải cùng nhau, có những giải pháp căn cơ để kiến nghị lên Thủ tướng.
Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Lê Anh Tuấn cho biết thời gian qua, Chính phủ đã rất quan tâm tới phát triển của ngành hàng không. Ngoài việc bố trí nguồn vốn nhà nước hoặc tạo cơ chế để đầu tư phát triển hạ tầng, Chính phủ đã xây dựng hành lang pháp lý, để tạo môi trường hoạt động hàng không ngày càng thuận lợi.
Trong thời gian dịch bệnh ảnh hưởng tiêu cực tới hoạt động của ngành, Bộ đã có những chính sách hỗ trợ để các doanh nghiệp vượt qua khó khăn, nhanh chóng phục hồi trở lại.
Tuy nhiên, đại dịch kéo dài, ngành hàng không Việt Nam phải đối mặt với những khó khăn, thách thức nghiêm trọng. Nên cả doanh nghiệp lẫn các cơ quan quản lý nhà nước cần chủ động, cùng tìm kiếm giải pháp thích hợp để đảm bảo phát triển, đóng góp tích cực hơn với sự phát triển kinh tế- xã hội của đất nước.
Advertisement
Advertisement