11/06/2021 12:30
Hàng không chuyên chở: 'Miếng ngon' có dễ nuốt?
Theo các nhà phân tích, vận tải hàng hóa đang là điểm tựa cho ngành hàng không Việt Nam trong ngắn hạn, trong bối cảnh vận tải hành khách sụt giảm mạnh.
Cạnh tranh với doanh nghiệp ngoại
Tập đoàn Liên Thái Bình Dương (IPPG) của tỷ phú Johnathan Hạnh Nguyễn vừa có văn bản xin thành lập hãng bay riêng chuyên chở hàng hóa (cargo), đánh dấu một bước chuyển mình mới của ngành hàng không Việt. Bước vào ngành vận tải hàng không, ông Johnathan Hạnh Nguyễn sẽ phải cạnh tranh với các ông lớn nước ngoài đang mạnh tại Việt Nam như UPS, Fedex, DHL, Cathay Cargo, Airbrigde Cargo…và trở thành công ty hàng không Việt đầu tiên chuyên chở hàng hóa.
Cho đến nay, hàng hóa vận chuyển theo đường hàng không ở Việt Nam vẫn chỉ được chở dưới bụng của những chiếc máy bay hành khách. Với không gian chứa hàng hạn chế, lại phải chia sẻ cho việc ưu tiên chứa hành lý của khách đi máy bay, lượng hàng hóa thương mại vận chuyển theo mỗi chuyến bay rất hạn chế.
So với các phương thức vận chuyển khác, hàng không có ưu điểm về mặt tốc độ và thời gian khi có thể giao hàng đến tay người nhận trên khắp thế giới trong vòng 2-3 ngày, nhưng chỉ những mặt hàng có giá trị cao, khối lượng thấp, hàng hóa có nhu cầu vận chuyển đặc biệt mới tìm đến phương thức vận chuyển này.
Hàng không chỉ chiếm một phần nhỏ trong tổng khối lượng hàng hóa vận chuyển của Việt Nam, nhưng chiếm đến 25% tổng giá trị xuất khẩu của đất nước. Ảnh: TL. |
Tại Việt Nam, các sản phẩm chủ yếu sử dụng phương thức vận chuyển hàng không là điện thoại, máy tính bảng, hàng điện tử, mỹ phẩm, hàng dệt may và một số sản phẩm nông nghiệp như thủy sản, hoa, quả. Hàng không chỉ chiếm một phần nhỏ trong tổng khối lượng hàng hóa vận chuyển của Việt Nam, nhưng chiếm đến 25% tổng giá trị xuất khẩu của đất nước.
Theo dự kiến ban đầu, Công ty cổ phần IPP Air Cargo - thành viên của Tập đoàn IPPG, sẽ có tổng mức đầu tư 2.400 tỷ đồng (khoảng 100 triệu USD), trong đó 30% là vốn chủ sở hữu và 70% còn lại là huy động từ các nguồn hợp pháp khác.
Nếu được cấp phép, trong năm đầu tiên đi vào hoạt động, IPP Air Cargo sẽ khai thác 5 tàu bay hàng hóa, sau đó tăng lên 7 chiếc vào năm thứ hai và 10 chiếc vào năm thứ 3. Hãng lên kế hoạch vận chuyển khoảng 115.000 tấn hàng hóa, đạt doanh thu 71 triệu USD.
IPP Air Cargo dự kiến bắt đầu có lãi từ năm thứ 4 kể từ khi cất cánh chuyến bay đầu tiên. Doanh nghiệp này cũng đưa ra mục tiêu nếu được phê duyệt dự án đầu tư, lấy được giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không vào quý III/2021; lấy chứng chỉ nhà khai thác vào quý IV/2021, sẽ thực hiện chuyến bay thương mại vào quý 2/2022.
Nhu cầu vận chuyển hàng hóa bằng đường hàng không tiếp tục cao hơn mức giai đoạn trước COVID-19, tăng 12% so với hồi tháng 4-2019.Ảnh: TL. |
Theo báo cáo dữ liệu về các thị trường vận chuyển hàng hóa bằng đường hàng không toàn cầu tháng 4-2021 của Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế (IATA), nhu cầu vận chuyển hàng hóa bằng đường hàng không tiếp tục cao hơn mức giai đoạn trước COVID-19, tăng 12% so với hồi tháng 4-2019.
Điển hình, với Công ty Cổ phần Dịch vụ Hàng hóa Nội Bài, lũy kế cả năm 2020 đạt tổng doanh thu gần 697 tỷ đồng, giảm 21,6% so với năm 2019. Lợi nhuận sau thuế của Noibai Cargo đạt 206,75 tỷ đồng giảm 14,6%, nhưng tăng 8% so với kế hoạch đặt ra đầu năm. Bước sang quý I/2021, doanh nghiệp này thu hơn 166 tỷ đồng và lãi sau thuế 51 tỷ đồng, giảm không đáng kể so với quý gần nhất.
Quí I/2020, Công ty Cổ phần Dịch vụ Hàng hóa Sài Gòn ghi nhận doanh thu thuần tăng trưởng 6,3% so với cùng kì lên 183,6 tỷ đồng. Cùng với đó, giá vốn tăng chậm hơn giúp lợi nhuận gộp tăng 7,3% lên 146,2 tỷ đồng; biên lãi gộp cải thiện từ 78,8% lên gần 80%.
"Miếng ngon" có dễ nuốt?
Trước đó, năm 2008 Hãng hàng không Trãi Thiên Air Cargo từng được cấp giấy phép chuyên chở hàng hóa nội địa và quốc tế. Hãng cũng đưa ra mục tiêu hướng đến thị trường nội địa và Đông Nam Á, Đông Bắc Á, khai thác bằng máy bay Boeing 737-300 Freighter được chuyển đổi từ máy bay chở khách.
Tuy nhiên sau 3 năm đăng ký nhưng không hoạt động, năm 2011, Trãi Thiên Air Cargo đã bị rút giấy phép.
Theo Cục hàng không Việt Nam, do Việt Nam chưa có hãng hàng không chuyên chở hàng hoá chuyên nghiệp nên đang tận dụng máy bay chở khách để chở hàng hoá. Vì thế, 80% thị phần vận tải hàng hoá hàng không Việt đang do các hãng hàng không nước ngoài thực hiện.
Nhiều lý do khiến hàng không Việt chuyên chở hàng hóa khó cạnh tranh với các hãng nước ngoài nhưng hiện nay hệ thống logistics của Việt Nam chưa phát triển, công nghệ đi chậm hơn so với thế giới 20 năm. Chi phí vận chuyển hàng hóa cao hơn nhiều so với thế giới, làm giảm sức cạnh tranh vì các kho hàng, bến bãi, vận chuyển chưa được đầu tư những hệ thống tự động để giải phóng hàng hóa nhanh cho doanh nghiệp.
Hàng về phải chuyển vòng qua nhiều cảng, thời gian nằm bãi lâu, đẩy chi phí lên cao và giảm chất lượng hàng hóa và chấp nhận bị các hãng bay ngoại “siết” giá. Theo ông Hạnh, khi đại dịch COVID -19 bùng phát, thị trường mua sắm online tăng trưởng mạnh mẽ, nhưng vì không có chuỗi hệ thống logistics chuyên nghiệp nên Việt Nam đã đánh mất nhiều cơ hội.
Thực tế, từ 2020, sau thời gian vắng khách, nhiều hãng bay đã tăng dịch vụ vận chuyển hàng hóa để cầm cự và định hướng phát triển lĩnh vực này. Ông Đặng Anh Tuấn, Trưởng ban Truyền thông Vietnam Airlines, cho biết một trong những định hướng lớn của hãng là thành lập đội máy bay chuyên dụng chở hàng hóa.
Đặc biệt, dịch COVID-19 bùng nổ đã đẩy nhanh xu hướng này, khi vận tải khách suy thoái do ảnh hưởng của dịch bệnh khiến các hãng phải nhanh chóng xoay hướng tăng cường vận chuyển hàng hóa để có doanh thu.
Thực tế, từ 2020, sau thời gian vắng khách, nhiều hãng bay đã tăng dịch vụ vận chuyển hàng hóa để cầm cự và định hướng phát triển lĩnh vực này. Ảnh: TL. |
Một hãng bay khác nuôi tham vọng phát triển chuyên biệt mảng vận chuyển hàng hóa là Bamboo với kế hoạch phát triển Bamboo Airways Cargo. Hãng này trước đó cũng đã triển khai và xây dựng bộ tiêu chuẩn vận chuyển hàng hóa theo tiêu chuẩn của IATA, phát triển các đường bay chở hàng định kỳ như tuyến Hà Nội - Incheon (Hàn Quốc).
Năm ngoái, Vietjet Air là hãng bay đầu tiên trong nước áp dụng phương án tháo dỡ ghế hành khách để vận tải hàng hóa. Trong giai đoạn này, lượng hàng hóa hãng vận chuyển đạt hơn 60.000 tấn giữa các nước, doanh thu vận tải hàng hoá tăng 75% so với năm trước.
Chỉ trong quý IV/2020, doanh thu bán vận chuyển hàng hóa trong và ngoài nước của Vietjet Air tăng nhanh, đạt 75%, cả năm 2020 tăng trưởng 16%.
Lãnh đạo Bamboo Airways mới đây đã khẳng định tại Việt Nam chưa hãng nào phát triển chuyên biệt để vận chuyển hàng hóa và chia sẻ về tham vọng của hãng. Vì vậy, Bamboo Airways sẽ phát triển những máy bay chuyên dụng chở hàng hoá và cho ra đời Bamboo Airways Cargo.
Advertisement
Advertisement
Đọc tiếp