11/03/2020 14:23
Hạn, mặn khiến nông dân miền Tây điêu đứng
Từ hôm nay, 11/3, các địa phương tại Đồng bằng sông Cửu Long bước vào đợt xâm nhập mặn gay gắt, có thể lên cao nhất trong mùa mặn năm nay.
Hạn, mặn kéo dài
Trung tâm khí tượng thủy văn khu vực Nam Bộ dự báo từ nay đến cuối tuần, ranh mặn 4gram/lít trên sông Cái Lớn sẽ xâm nhập vào 55 - 58km tính từ cửa biển. Trên hệ thống sông Cửu Long, phạm vi xâm nhập mặn vào sâu nhất là sông Hàm Luông, từ 68-80km.
Còn trên sông Vàm Cỏ ranh mặn 4gram/lít có thể vào sâu đến 110km. Trong đợt mặn cao điểm này, bà con cần kiểm tra nồng độ mặn trước khi tưới cho cây ăn trái để giảm thiểu thiệt hại.
Hạn, mặn dự kiến sẽ kéo dài đến tháng 4/2020. Ảnh: Vietnamnet. |
Theo cảnh báo của các chuyên gia, nước mặn lấn vào theo triều cường thì khả năng hôm nay (11/4) và hai ngày tới xâm nhập mặn sẽ đạt mức cao nhất của đợt, và cũng có thể là cao nhất của năm 2020 ở một số trạm trên địa bàn các tỉnh: Cà Mau, Bạc Liêu, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bến Tre và Tiền Giang.
Đến thời điểm này, tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long đã có 5 tỉnh công bố tình huống khẩn cấp do hạn mặn, đó là Kiên Giang, Bến Tre, Tiền Giang, Cà Mau và Long An.
Hạn, mặn sẽ kéo dài khiến việc sử dựng nước ngọt để sinh hoạt và sản xuất càng khó khăn hơn.
Nông dân miền Tây điêu đứng
Tại Bến Tre, tất cả các trạm cấp nước đều bị nhiễm mặn từ 3 phần nghìn đến 5 phần nghìn. Hạn mặn đã gây thiệt hại trên 5.000 ha lúa Đông Xuân, 20.000 ha vườn cây ăn trái, 1.000 ha cây giống hoa kiểng bị ảnh hưởng; toàn bộ ao nuôi cá tra bị bệnh, hơn 722 ha tôm càng xanh bị ảnh hưởng, 1100 tấn nghêu bị chết trắng…
Hạn mặn đã gây thiệt hại trên 5.000 ha lúa Đông Xuân. |
Chia sẻ trên báo Đầu Tư, ông Phước, chủ vườn trái cây có diện tích 60 mẫu ở xã Tiên Long ( huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre) cho biết khoảng 70% diện tích trồng sầu riêng hiện nay là mất trắng vì ngập mặn.
Hạn hán từ sau Tết khiến hệ thống kênh rạch tự nhiên xung quanh vườn khô cằn, trong khi nước bị nhiễm mặn vượt mức chịu đựng của cây ( 5‰ so với ngưỡng từ 0,5 - 1‰ của cây sầu riêng).
Tương tự, các đìa nuôi cá tra của công ty CP Gò Đàng (GoDaco) ở khu vực này cũng đang bị ảnh hưởng vì ngập mặt. Đại diện công ty cho biết một ngày một đìa có khoảng 400 con bị chết, có hôm còn lên đến 600 con. Được biết một đìa công ty nuôi hơn 400 nghìn con.
400 con cá nuôi tại ao, hồ chết vì ngập mặn. |
Tại Hậu Giang, hạn, mặn gay gắt đang khiến gần 350 hecta khóm (dứa) ở thành phố Vị Thanh và huyện Long Mỹ bị nhiễm bệnh. Trong đó, phần lớn diện tích bị bệnh héo đỏ lá do virus, một phần nhỏ còn lại là bệnh rệp sáp và thối nọn.
Gần 400hecta dứa nhiễm bệnh do hạn, mặn. Ảnh: VOV. |
Các ngành chức năng khuyến cáo người dân cần tranh thủ trữ nước ngọt nhiều trong các mương khóm để phục vụ tưới cho cây dứa trong mùa khô nhằm hạn chế dịch bệnh tấn công.
Trong đợt mặn cao điểm này, người dân các địa phương đã hạn chế tưới nhằm giảm thiệt hại sản xuất. Diện tích trồng cây ăn trái có giá trị kinh tế cao, chịu mặn kém, trước khi tưới bà con chủ động kiểm tra nồng độ mặn. Người dân tiếp tục mua nước ngọt từ các sà lan để tưới cho vườn sầu riêng, tuy giá cao từ 150 - 200 đồng/m3.
Người dân ấp Tiên Lợi, xã Tiên Long vui mừng khi tiếp nhận được nguồn nước ngọt vào thời điểm thiếu nước trầm trọng. Ảnh: TTXVN. |
Riêng về nước sinh hoạt, bà con có ý thức sử dụng tiết kiệm hơn. Nhiều nơi cũng mở vòi nước công cộng miễn phí phục vụ cho các vùng khó khăn. Các tổ chức, đoàn thể như Hải Quân vùng 2, Quân khu 9, Bộ đội Biên phòng các địa phương tiếp tục chuyển nước ngọt, hỗ trợ dụng cụ chưa nước, giúp bà con vượt qua khó khăn trước mắt.
Bên cạnh ứng phó hạn mặn, người dân ĐBSCL cũng theo dõi sát nguồn nước ngọt bổ sung. Để khi có nguồn nước này, bà con sẽ lấy ngay vào kênh rạch dự trữ. Nhiều vùng khó khăn, người dân cũng chuyển sang canh tác cây trồng chịu hạn mặn, hiệu quả cao hơn.
Advertisement
Advertisement