Advertisement

Nhận bản tin

Liên hệ quảng cáo

Email: banbientap@baocungcau.net

Hotline: 0917 267 237

icon logo

Quên mật khẩu?

Có tài khoản? Đăng nhập

Vui lòng nhập mật truy cập tài khoản mới khẩu

Thay đổi email khác
icon

Hai 'người ngoài hành tinh' Jeff Bezos và Elon Musk sẽ giúp chúng ta chinh phục không gian

Doanh nhân

27/02/2021 13:38

Với việc Blue Origin và SpaceX dân chủ hóa quyền truy cập vào không gian, các startup cũng như nhiều công ty nhỏ trong lĩnh vực này sẽ có cơ hội đóng góp "chất xám" vào công cuộc khai phá vũ trụ.
news

Vào đầu tháng 2 năm nay, trong buổi báo cáo kết quả kinh doanh quý IV/2020, Jeff Bezos, nhà sáng lập Amazon và là một trong những doanh nhân giàu có nhất hành tinh, đã để lại lá thư thông báo việc mình sắp rời khỏi chức vụ CEO tại công ty này sau 27 năm.

Bezos cho biết trong tương lai, ông dự định tập trung vào các sản phẩm mới và các ý tưởng đang được phát triển tại Amazon. Việc rời chức Tổng giám đốc giúp Bezos có thêm thời gian dành cho các dự án bên lề, bao gồm công ty thám hiểm không gian Blue Origin, xây dựng các quỹ từ thiện Bezos Earth Fund, Bezos Day One Fund và tham gia quản lý tòa soạn The Washington Post do ông sở hữu. Trong đó, Blue Origin được xem là một trong những dự án tiềm năng nhất trong lĩnh vực khai phá không gian.

vnreview-vn_2173264(1).jpg

Trước khi các công ty hàng không tư nhân như SpaceX hay Blue Origin được thành lập với mục tiêu tạo ra những công nghệ đổi mới và phát triển bên ngoài không gian, lĩnh vực này chỉ giới hạn dành cho các quốc gia có tiềm lực tài chính hay các công ty quân sự lớn.

Tuy nhiên, trong những năm gần đây, các tỷ phú công nghệ như Bezos, Elon Musk hay Richard Branson đã chứng minh rào cản đối với công nghệ không gian không phải là quá lớn đến nỗi những công ty công nghệ không thể tiếp cận được.

Kể từ khi phóng thành công tên lửa đẩy Falcon 1 vào tháng 9/2008, công ty dẫn đầu trong lĩnh vực bay vũ trụ thương mại SpaceX của Musk đã giảm được đáng kể chi phí cũng như độ phức tạp của mỗi lần phóng tên lửa nói riêng và việc phát triển các tàu vũ trụ nói chung.

Giờ đây, khi có thêm sự gia nhập của Bezos, nhiều chuyên gia nhận định rằng tương lai lĩnh vực không gian sẽ có nhiều thành tựu vượt bậc khi mà rào cản ngăn các công ty công nghệ gia nhập vào ngành này đang ngày càng hạ thấp.

"Lý do tôi thành lập Blue Origin là vì tôi muốn tạo được một hệ thống cơ sở hạ tầng cao cấp cho phép hàng nghìn công ty công nghệ khác đã và đang quan tâm tới lĩnh vực không gian, sẽ có cơ hội học hỏi và phát triển loại hình thương mại này", Bezosphát biểu trong một Hội nghị công nghệ thượng đỉnh tổ chức vào năm 2016.

Bên cạnh đó, tại sự kiện này, Bezos còn chia sẻ rằng để xây dựng được một đế chế Amazon vững mạnh như hiện nay, ngay từ ban đầu, ông đã tập trung đầu tư cho các cơ sở hạ tầng quan trọng - chẳng hạn như dịch vụ bưu chính, hệ thống thanh toán điện tử và Internet.

Bezos nói thêm: "Với sự hiện đại sẵn có của Internet hiện nay, bất cứ 2 cậu sinh viên của trường công nghệ nào đó hợp tác thì cũng có thể sáng tạo lại cả một ngành công nghiệp, tôi đưa ra ví dụ này để nhấn mạnh tầm quan trọng của cơ sở hạ tầng, trong trường hợp này là Internet. Tuy nhiên, nếu bây giờ yêu cầu 2 cậu sinh viên này làm một điều gì đó đổi mới cho không gian thì chắc chắn là họ không thể làm được bởi vì cơ sở hạ tầng của lĩnh vực này hiện tại vẫn còn sơ khai. Tôi đang tận dụng nguồn tài chính dồi dào mà mình có được từ Amazon để xây dựng nên một hạ tầng không gian chưa từng có, nơi sẽ cung cấp cho mọi người khả năng tiếp cận vũ trụ với chi phí thấp".

Trong vòng chưa đầy 20 năm kể từ lần phóng tên lửa đầu tiên của SpaceX, không gian đã thay đổi từ một khu vực dành riêng cho các siêu cường quốc và những tập đoàn giàu có bậc nhất trên thế giới thành một "sân chơi" có quy mô lớn hơn với sự tham gia của hàng loạt nhà sáng tạo và các công ty công khác. Ngày nay, xây dựng một công ty khởi nghiệp không gian không còn là điều quá khó khăn và nó cũng không chỉ dừng ở việc phóng tên lửa.

Khai phá không gian là một lĩnh vực đầy tiềm năng

Trong báo cáo tổng đầu tư không gian thường niên mới nhất do Space Capital công bố, quý IV/2020 chứng kiến số tiền đầu tư kỷ lục, vào khoảng 5,7 tỷ USD cho 80 công ty nghiên cứu không gian, qua đó nâng tổng nguồn vốn đầu tư vào đổi mới không gian trong năm 2020 lên gần 25 tỷ USD. Chưa hết, sự kiện này còn góp phần tăng giá trị cổ phiếu đầu tư vào hơn 1.343 công ty tư nhân thuộc nền kinh tế vũ trụ trong 10 năm qua lên gần 177 tỷ USD.

"Thật điên rồ. Ngành hàng không vũ trụ và du hành không gian đang thay đổi với tốc độ chóng mặt. Tôi đã cảm nhận được điều này từ 10 năm trước, thời điểm mà SpaceX có những khách hàng đầu tiên, họ đã chứng minh những định kiến trước đó là sai cũng như phá bỏ rào cản gia nhập lĩnh vực này đối với các công ty công nghệ khác. Bắt đầu từ lúc này, nguồn vốn đầu tư cho họ liên tục tăng lên và sự phát triển vượt bậc dường như trở thành một điều hiển nhiên phải xảy ra. Thực tế bây giờ đúng là như vậy. Đây sẽ là một kỷ nguyên mới của ngành công nghiệp vũ trụ", Chad Anderson, một nhà phân tích của Space Capital nhận xét.

Ngoài ra, Anderson chia sẻ rằng Space Capital hiện đang tập trung đầu tư 75 triệu USD "tiền hạt giống" cho 3 lĩnh vực phát triển trong nền kinh tế vũ trụ, chủ yếu xoay quanh việc thu thập và sử dụng dữ liệu thu thập được trong không gian: GPS, trí thông minh không gian và truyền thông.

"Càng có nhiều thị trường biên xuất hiện trong không gian – chúng ta đang nói về một thị trường bên ngoài vũ trụ với những chuyến bay thương mại của các trạm vũ trụ tư nhân và các công trình công nghiệp nặng sẽ được xây dựng trên các hành tinh khác như Mặt Trăng và Sao Hỏa. Để làm được điều này, như đã nói cơ sở hạ tầng là yếu tố tiên quyết quan trọng, đây là vấn đề mà SpaceX của Elon Musk cũng như Blue Origin của Jeff Bezos đang tập trung giải quyết. Tuy nhiên, trước khi hạ tầng không gian được hoàn thiện, chúng tôi hay Space Capital sẽ tiếp tục duy trì đầu tư vào ngành kỹ thuật hàng không - vũ trụ để các startup trong lĩnh vực này có bước chạy đà tốt nhất", Anderson cho biết.

Mặc dù ngay bay giờ mọi thứ vẫn còn khá mơ hồ và được đánh giá là chỉ xuất hiện trong các bộ phim khoa học viễn tưởng, Anderson tin rằng với những tiến bộ mà SpaceX đã đạt được và tầm nhìn của Bezos với dự án Blue Origin, việc văn minh con người vượt ra ngoài Trái Đất sẽ sớm thành hiện thực.

"Nhiều người tưởng đây là một lĩnh vực khá xa vời, nhưng thực sự nó đang ngày càng dễ tiếp cận hơn họ nghĩ. SpaceX sẽ đạt được giấc mơ Mặt Trăng sớm hơn dự định, và công ty của Musk vẫn đang nuôi dưỡng mục tiêu đầy tham vọng đó là xây dựng một thành phố trên sao Hỏa bằng cách đưa con người lên tàu vũ trụ khổng lồ với chi phí 100.000 USD cho mỗi cá nhân. Kế hoạch này dự kiến sẽ được triển khai chính thức sau khoảng 4 năm nữa. Do đó, đây là một dấu hiệu rất khả quan cho hàng không vũ trụ trong tương lai", Anderson nói thêm.

Sự "không chắc chắn" từ phía Blue Origin của Jeff Bezos

Tuy nhiên, kỳ vọng của Anderson đối với Blue Origin có lẽ còn hơi sớm. So với một loạt thành tựu cũng như tiến bộ vượt bậc mà SpaceX đã gây dựng được trong nền kinh tế vũ trụ kể từ khi thành lập, Blue Origin tỏ ra lép vế hơn khá nhiều. Đến giờ, công ty của Jeff Bezos vẫn chưa có bất cứ một lần phóng thành công phương tiện nào vào quỹ đạo. Trong khi đó, công ty của Musk lại có nhiều đóng góp đáng giá cho quá trình xây dựng ngành công nghiệp này khi tăng cường hợp tác với NASA cùng vô số startup không gian khác. Đồng thời, hãng hàng không tư nhân còn cam kết thể hiện một tinh thần minh bạch và đoàn kết. Trái ngược với SpaceX, Blue Origin phần lớn giữ văn hóa "bí mật" về các hoạt động của mình và chỉ hợp tác với các nhà thầu quốc phòng lớn cũng như ưu tiên sự tự lực hơn là hợp tác.

"Cách tiếp cận của Blue Origin với nền công nghiệp vũ trụ đang đi lệch hướng, họ không nên thể hiện một đường lối phát triển ích kỷ, thay vào đó, chúng ta cần phải hợp tác. Công ty của Bezos đang xây dựng các phương tiện phóng, trạm vũ trụ cho riêng mình và tất cả công trình này đều được tích hợp theo chiều dọc. Kiến trúc thống trị này đã được Bezos duy trì từ khi thành lập Amazon, do đó, hiếm có khả năng rằng ông sẽ để Blue Origin hợp tác với các startup không gian non trẻ", Anderson phân tích.

Nhiều chuyên gian trong ngành hàng không vũ trụ cũng cho rằng chính sự đối lập trong suy nghĩ của hai nhà lãnh đạo đã tạo ra sự khác biệt giữa SpaceX và Blue Origin. Elon Musk, một doanh nhân tỷ phú ở Thung lũng Silicon là ông chủ của nhiều công ty nổi tiếng đi đầu trong việc sáng tạo công nghệ như Tesla, Boring Company, OpenAI và Neurolink, đồng thời là một kỹ sư đầy tâm huyết cũng như có khao khát cống hiến chuyên môn của mình cho nhiều lĩnh vực kỹ thuật phức tạp. Còn về phía Bezos, nhà sáng lập Amazon lại được biết đến với tư duy lãnh đạo nổi trội và sự nhạy bén ít ai có trong kinh doanh, cũng như việc luôn xây dựng những chính sách nhắm đến thương mại hóa và lợi nhuận.

"Nếu chỉ so sánh Bezos và Musk ở một khía cạnh nào đó, bạn thực sự sẽ không hiểu được tất cả hoặc đánh giá đúng về Bezos. Elon Musk là một kỹ sư của những ý tưởng điên rồ, ông ấy biết bản thân mình có đủ khả năng để nghĩ về những điều đó và dám thực hiện chúng", Tim Ellis, nhà đồng sáng lập kiêm CEO của công ty hàng không vũ trụ Relativity Space cho biết. Trước đây, Ellis từng là kỹ sư phát triển động cơ đẩy và công nghệ in 3D của Blue Origin cho đến năm 2015. Chính vào thời điểm đó, anh cũng thành lập Relativity Space và đến nay công ty này đã ghi dấu ấn trong ngành công nghiệp vũ trụ với việc phát triển thành công một máy in 3D khổng lồ. Thiết bị này có thể tự chế tạo tên lửa và được định giá hơn 2 tỷ USD.

"Elon Musk là một kỹ sư xuất chúng nhưng phong cách lãnh đạo của ông ấy quá độc tài. Trong khi đó, Jeff Bezos đã chứng tỏ mình là một nhà điều hành đẳng cấp thế giới cũng như có đủ năng lực để thành công ở bất cứ ngành công nghiệp nào. Để có được đế chế Amazon hùng mạnh như ngày nay, phần lớn là nhờ công lao của Jeff. Ông đã dành gần 27 năm để chèo lái Amazon từ một cửa hàng sách trực tuyến thành một trong những công ty sáng tạo, quyền lực và nổi tiếng nhất trên thế giới", Ellis chia sẻ.

"Điều tôi thấy ở Bezos là một tầm nhìn dài hạn và sự tập trung cao độ, tôi nghĩ ai từng làm việc với ông ấy đều có thể nhận ra. Ngành hàng không vũ trụ đang phát triển với tốc độ chóng mặt, do đó, tôi nghĩ Bezos sẽ có một cách tiếp cận mang tính đột phá cũng như sự khác biệt. Ông ấy sẽ chấp nhận rủi ro để thuê những người giỏi nhất về xây dựng một đế chế không gian cho riêng mình", Ellis nói thêm.

Giám đốc điều hành của Relativity Space tiết lộ rằng ông vẫn giữ liên lạc với Bezos dù không còn làm việc ở Blue Origin cũng như dành sự tôn trọng đặc biệt cho những gì mà nhà sáng lập Amazon đã thực hiện.

Tuy nhiên, Ellis lo ngại rằng định hướng mà Jeff Bezos đang nhắm tới có thể lấy đi phần lớn nguồn nhân lực và kỹ sư tài năng trong ngành công nghiệp không gian, điều này sẽ khiến các công ty nhỏ hơn không còn nhiều khả năng phát triển.

Trong quá khứ, Amazon đã từng bị cáo buộc vì "sự tham lam" của mình khi chiêu mộ nhân tài nhưng bất chấp tất cả, tập đoàn này vẫn đứng vững và giờ đây là một trong những công ty công nghệ giá trị nhất thế giới. Do đó, không khó hiểu khi mà Jeff quyết định tiếp tục xây dựng Blue Origin theo một con đường tương tự.

"Nếu có bất cứ rủi ro nào mà chính sách này của Jeff có thể gây ra cho nền công nghiệp vũ trụ thì nhiều khả năng là việc khiến các startup không gian ít có điều kiện phát triển hơn. Cho nên, nếu Blue Origin khai thác triệt để nguồn nhân lực, sự đa dạng và tính sáng tạo của ngành sẽ giảm đáng kể. Tôi có thể thấy điều đó đang xảy ra", Ellis bày tỏ mối quan ngại.

Kỷ nguyên mới của nền kinh tế vũ trụ

Sự đổi mới mà Bezos đặt ra đối với hàng không vũ trụ trong bài phát biểu của mình vào năm 2016 đã bắt đầu, nhưng nó vẫn đang diễn ra với một tốc độ hạn chế. Mặc dù mỗi năm có đến hàng tỷ USD tiền đầu tư đổ vào các công ty trong lĩnh vực không gian, nhưng phần lớn bọn họ lại tận dụng dòng tiền này để phát triển những công nghệ góp phần cải thiện cuộc sống trên Trái Đất thay vì tập trung sự sáng tạo cho một nơi khác trong hệ mặt trời.

"Hiện tại có khoảng 3.000 vệ tinh hoạt động trên quỹ đạo, tôi dự đoán rằng trong vòng 5 đến 7 năm tới sẽ có thêm 50.000 vệ tinh được phóng ra ngoài Trái Đất. Vì vậy, tôi nghĩ chạy đua phát triển vệ tinh đang được ưu tiên hơn vì nó được xem là ‘cơn sốt vàng' đối với bất cứ công ty kỹ thuật không gian nào", nhận định bởi Meagan Crawford, nhà đồng sáng lập và đối tác quản lý của SpaceFund, công ty đầu tư không gian đã tài trợ tài chính cho 10 startup trong ngành này kể từ khi thành lập vào năm 2019. Meagan cho biết: "Điều chúng tôi thực sự quan tâm không phải làsố lượng các chòm vệ tinh, không phải các lần phóng, thay vào đó, là các sản phẩm và dịch vụ mà 50.000 vệ tinh sẽ cung cấp. Những kỳ vọng này sẽ thúc đẩy các công ty tạo ra thêm nhiều giá trị cho chùm vệ tinh của mình trong vòng 5 đến 10 năm tới".

Crawford giải thích rằng chi phí phóng vệ tinh đã giảm đáng kể trong những năm gần đây, phần lớn nhờ vào nghiên cứu của SpaceX. "Phóng vệ tinh, vấn đề lớn nhất của quá trình đưa vệ tinh ra ngoài Trái Đất, đã được giải quyết. Hiện nay, có khoảng 9 công ty hàng không vũ trụ tư nhân trên toàn cầu đủ khả năng phóng vệ tinh, trong đó SpaceX hiển nhiên là công ty đi đầu. Và đang có ngày càng nhiều startup không gian cùng nhiều công ty hàng không vũ trụ khác đầu tư vào phóng vệ tinh vì đây là một mảng phát triển vô cùng tiềm năng", Crawford cho biết.

"Trọng tâm của nền kinh tế vũ trụ không còn là việc chạy đua sản xuất ra các công nghệ mới mà là tập trung cải tiến những thứ sẵn có như vệ tinh. Chúng sẽ quyết định những gì sẽ xảy ra tiếp theo trong quá trình xây dựng hạ tầng trong không gian. Bạn sẽ sớm thấy thành quả của sự đổi mới khi các doanh nghiệp không gian đang đua nhau phát triển vệ tinh. Đây mới là những gì đang thực sự diễn ra trên phương tiện phóng, không phải bản thân phương tiện phóng", Crawford nói thêm.

Thêm vào đó, Crawford kỳ vọng rằng ​​việc con người bắt đầu khai thác tài nguyên trên Mặt Trăng và các tiểu hành tinh khác sẽ trở thành hiện thực trong vòng 15 năm tới. Cô nhận xét kế hoạch này rất đáng để thực hiện vì các khoáng chất hiếm trên Trái Đất như vàng, bạch kim, coban, kẽm và sắt tồn tại với một số lượng khổng lồ bên ngoài không gian. Crawford cho biết: "Nếu muốn khai thác được khoáng chất từ Mặt Trăng và các tiểu hành tinh thì chúng ta cần có một chuỗi cung ứng trong không gian để vận chuyển những tài nguyên đó về Trái Đất. Những công nghệ đang được phát triển ở thời điểm hiện tại chính là thành phần của chuỗi cung ứng đó và các công ty sở hữu chúng sẽ là những người hưởng lợi nhiều nhất từ hoạt động này. Mọi thứ đã nằm trong kế hoạch, từ cơ sở sản xuất cho đến kho chứa nhiên liệu cần thiết để khai thác khoáng trong không gian".

Do đó, Crawford tiết lộ rằng SpaceFund đang tích cực tìm kiếm các công ty có đủ khả năng để xây dựng nên một chuỗi cung ứng như vậy. Có lẽ sẽ mất thêm một khoảng thời gian khá dài khi mà ở thời điểm hiện tại, phần lớn các công ty kỹ thuật không gian đều đang tập trung phát triển những công nghệ góp phần cải thiện cuộc sống trên Trái Đất.

Jonathan Fentzke, giám đốc điều hành của chương trình Máy gia tốc không gian Techstars Starburst cho biết: "Tôi coi không gian là cơ sở hạ tầng cho nền kinh tế hiện đại và chủ chốt, chứ không phải tên lửa và bộ đồ vũ trụ.Hầu hết hoạt động nghiên cứu trên quỹ đạo thấp Trái Đất nói riêng và ngoài không gian nói chung đều tập trung vào công cuộc viễn thám với những dự án mở rộng sự hiểu biết về bề mặt Trái Đất và bầu khí quyển. Có thể kể đến như các vệ tinh khí tượng, giúp dự đoán thiên tai và cải thiện năng suất cây trồng".

Theo quan điểm của Fentzke, nền kinh tế vũ trụ có rất nhiều cơ hội cho những tài năng và nhà sáng tạo trong bối cảnh rào cản gia nhập đang ngày càng hạ thấp. Như Bezos đã từng phát biểu thì đây sẽ là "sự bùng nổ kinh doanh của hàng nghìn công ty trong không gian". Fentzke chia sẻ: "Thời kỳ hưng thịnh của nền kinh tế vũ trụ chưa bắt đầu, nhưng nó đang đến gần. Khai thác khoáng trên các tiểu hành tinh cùng nhiều dự án khác vẫn chưa được triển khai, nhưng chúng hoàn toàn có thể thực hiện được. Các công ty khai phá không gian đã chứng minh rằng họ có đủ năng lực để thực hiện những sứ mệnh này".

Hơn nữa, Fentzke tin rằng những công nghệ đột phá như trí tuệ nhân tạo (AI) và học máy (machine learning) sẽ thúc đẩy đáng kể khả năng đổi mới trong không gian của chúng ta, đặc biệt là với sự đầu tư và khả năng tập trung nguồn lực mà các doanh nhân như Bezos sẽ mang lại cho lĩnh vực này.Tuy nhiên, ông dự đoán có thể nền công nghiệp không gian sẽ mất gần 1 thế kỷ để đạt được những thành tựu giống như những gì mà các nhà văn khoa học viễn tưởng từng mô tả.

Cuối cùng, Anderson nhận định rằng những đổi mới công nghệ liên quan đến không gian đang được các startup trong lĩnh vực này theo đuổi sẽ ngày càng ảnh hưởng đến cuộc sống hàng ngày của chúng ta. "Có những thay đổi đang xảy ra ngay bây giờ, không cần phải chờ đến 5 hoặc 6 tháng mà là ngay bây giờ, công nghệ không gian đã bắt đầu có những tác động lên cuộc sống của chúng ta. Nó giống như việc hầu hết các công ty công nghệ ngày nay đều đang chuyển mình thành những công ty hàng không vũ trụ", nhà phân tích của Space Capital kết luận.

(Theo FastCompany)

CHÍ TÔN
iconChia sẻ icon Chia sẻ
icon Chia sẻ

Advertisement