28/08/2020 12:23
Hai huyện Bình Chánh và Hóc Môn sẽ lên quận trong 10 năm tới
Hai huyện Bình Chánh và Hóc Môn có đề án chuyển đổi từ huyện thành quận giai đoạn 2021-2030.
Nhiều dự án đô thị lớn, trường học, bệnh viện sẽ về Bình Chánh
Tại Đại hội Đảng bộ huyện Bình Chánh vừa diễn ra đề ra nhiều chương trình, trong đó có Đề án chuyển huyện Bình Chánh thành quận giai đoạn 2021-2030.
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TP.HCM Trần Lưu Quang đánh giá kinh tế huyện Bình Chánh tiếp tục phát triển ổn định, tỷ trọng các ngành công nghiệp, dịch vụ tăng dần, cơ cấu ngành nông nghiệp chuyển dịch theo hướng nông nghiệp đô thị.
Cơ sở hạ tầng được đầu tư đồng bộ, có trọng tâm, trọng điểm, từng bước hình thành mới và đưa vào sử dụng nhiều khu dân cư, trường học, bệnh viện, trạm y tế, nhà văn hóa, hệ thống giao thông một số tuyến đường trọng yếu được kết nối.
Bình Chánh có lợi thế vị trí cửa ngõ trong liên kết vùng, tiếp cận 13 tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long. Ảnh: VnExpress. |
Một số dự án huyện sẽ phấn đấu hoàn thành trong 5 năm tới, gồm công trình đường Trần Đại Nghĩa (giai đoạn 2); dự án nâng cấp, mở rộng đường Nguyễn Cửu Phú; dự án xây dựng mới cầu Láng Le - Bàu Cò; khởi công xây dựng Dự án nâng cấp, mở rộng đường Vĩnh Lộc…
Phó Bí thư Thành ủy TP.HCM Trần Lưu Quang cho rằng Bình Chánh có lợi thế vị trí cửa ngõ trong liên kết vùng, tiếp cận 13 tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long, trước hết là Long An, một địa phương có sự bứt phá ngoạn mục thời gian qua, trở thành địa phương có kinh tế lớn nhất, mạnh nhất Đồng bằng sông Cửu Long.
Đồng thời huyện cũng nắm giữ lợi thế lực lượng lao động lớn. Vì vậy, nếu biết khai thác tốt tiềm năng, huyện sẽ phát triển được đô thị hóa, công nghiệp hóa trong thời gian tới.
“TP yêu cầu huyện Bình Chánh cần phát huy những lợi thế để tạo sự phát triển không chỉ với Bình Chánh mà của cả thành phố. Đó là khả năng tiếp cận lĩnh vực đất đai, vì trong thời gian tới chắc chắn sẽ có nhiều dự án đô thị lớn, như các bệnh viện, trường học mọc lên ở vùng đất này”, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TP.HCM nhấn mạnh.
Tuy nhiên, ông cũng lưu ý những hạn chế hiện nay như tình hình xây dựng không phép, sai phép không được xử lý kịp thời, hoặc xử lý không triệt để, để tái vi phạm lặp lại nhiều lần, tạo tiền lệ và gây khó khăn cho công tác quản lý đất đai xây dựng về sau…
Hóc Môn chuẩn bị cho "giấc mơ" lên quận
Cũng tại Đại hội Đảng bộ huyện Hóc Môn vừa diễn ra, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TP.HCM Trần Lưu Quang nhấn mạnh Hóc Môn cần chú trọng triển khai thực hiện tốt Đề án Đầu tư xây dựng huyện Hóc Môn đạt hệ thống các tiêu chí để trở thành quận trong 10 năm tới.
Theo đó, Hóc Môn sẽ đẩy mạnh phát triển kinh tế, chuyển dịch cơ cấu kinh tế và cơ cấu lao động, cơ cấu dân cư theo hướng thương mại - dịch vụ, công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, nông nghiệp.
Giai đoạn 2015-2020, kinh tế huyện Hóc Môn tăng trưởng bình quân 15,71%/năm, cơ cấu chuyển dịch đúng hướng thương mại - dịch vụ, công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, nông nghiệp.
Trong đó giá trị sản xuất ngành thương mại - dịch vụ tăng bình quân 19,83%/năm, chiếm tỷ trọng 45,66% trong cơ cấu kinh tế. Nông nghiệp đã từng bước phát triển mô hình nông nghiệp theo hướng đô thị, ứng dụng công nghệ cao.
Hiện thu nhập bình quân đầu người của huyện Hóc Môn đạt 63,7 triệu đồng/người/năm, tăng 31% so với năm 2015.
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TP.HCM Trần Lưu Quang lưu ý công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch phải đi trước một bước để chuẩn bị tốt nhất cho quá trình chuyển mình của huyện thành quận phải hiện đại, thông minh, xanh, phát triển hài hòa, bền vững cả về kinh tế, xã hội, môi trường. Trong đó, chú trọng nâng cao hiệu quả quản lý của chính quyền các cấp gắn với xây dựng chính quyền đô thị.
Advertisement