09/10/2017 06:05
Hà Tĩnh, Quảng Bình tiếp tục hứng thêm bão lũ
Dự báo của Trung tâm dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương cho thấy, đường đi của áp thấp nhiệt đới (số thứ tự quốc tế 23) đang hướng về Quảng Bình, Hà Tĩnh trong sáng ngày mai 10/10. Quảng Bình và Hà Tĩnh cũng là hai tỉnh bị tàn phá của siêu bão Doksuri đổ bộ vào tháng 9 vừa qua.
Hồi 16 giờ ngày 9/10, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới (ATNĐ) ở vào khoảng 16,6 độ Vĩ Bắc; 110,3 độ Kinh Đông, cách bờ biển các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Quảng Trị khoảng 370km về phía Đông Đông Nam. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm ATNĐ mạnh cấp 7 (50-60km/giờ), giật cấp 9.
Dự báo trong 6 giờ tới, ATNĐ di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 25km và có khả năng mạnh lên thành bão. Đến 22 giờ ngày 9/10, vị trí tâm bão ở vào khoảng 16,9 độ Vĩ Bắc; 109,1 độ Kinh Đông, cách bờ biển các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Quảng Trị khoảng 310km về phía Đông Đông Nam. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (60-75km/giờ), giật cấp 10.
Dự báo trong 6 đến 18 giờ tiếp theo, bão tiếp tục di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 25km, đi vào đất liền các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Quảng Trị và suy yếu thành ATNĐ. Đến 10 giờ ngày 10/10, vị trí tâm ATNĐ ở vào khoảng 17,7 độ Vĩ Bắc; 106,5 độ Kinh Đông, trên khu vực đất liền các tỉnh Hà Tĩnh-Quảng Bình. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm ATNĐ mạnh cấp 6-7 (40-60km/giờ), giật cấp 9.
Để chủ động ứng phó ATNĐ gần bờ có khả năng mạnh lên thành bão, chiều 9/10, Ban chỉ đạo trung ương về phòng chống thiên tai đã lên phương án khẩn cấp đối phó.
Theo báo cáo của Bộ tư lệnh Bộ đội biên phòng, hiện lực lượng Biên phòng tuyến biển đã phối hợp với Ban chỉ huy phòng chống thiên tai các Tỉnh/TP bao gồm Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Ngãi thông báo, kiểm đếm, hướng dẫn cho 50.077 tàu/231.123 lao động biết vị trí, diễn biến, hướng di chuyển của ATNĐ để chủ động di chuyển hoặc thoát khỏi vùng nguy hiểm. Bên cạnh đó, lực lượng rà soát cũng sẵn sàng triển khai các phương án ứng phó với mưa, lũ, lũ quét, sạt lở đất, các hồ chứa xung yếu, nhất là các hồ chứa nhỏ đã tích đầy nước do địa phương quản lý đảm bảo an toàn công trình và khu vực hạ du.
Do ảnh hưởng của ATNĐ, từ ngày 9/10, các tỉnh từ Thanh Hóa đến Quảng Ngãi có mưa to đến rất to với tổng lượng mưa cả đợt phổ biến 100-200mm; riêng Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị 200-300mm, khu vực Nam Đồng Bằng Bắc Bộ, Hòa Bình, Phú Thọ, Yên Bái và Nam Sơn La có mưa vừa, mưa to 70-150mm, có nơi trên 200mm.
Từ đêm nay (9/10), lũ trên các sông từ Thanh Hóa đến Quảng Ngãi sẽ lên nhanh. Trong đợt lũ này mực nước trên các sông ở Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị có khả năng lên mức báo động 2 - báo động 3; các sông ở Thanh Hóa, Nghệ An, Thừa Thiên Huế lên mức báo động 1 và trên báo động 1. Các sông ở Quảng Nam, Quảng Ngãi dưới mức báo động 1.
Nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất ở vùng núi, ngập úng cục bộ ở vùng trũng thấp tại các tỉnh ở vùng núi phía Bắc như: Lạng Sơn, Cao Bằng, Bắc Cạn, Thái Nguyên, Hà Giang, Tuyên Quang, Lào Cai, Yên Bái, Sơn La, Hòa Bình và các tỉnh từ Thanh Hóa đến Quảng Ngãi.
Advertisement
Advertisement