29/09/2017 08:32
Hà Nội, Sài Gòn cùng kiến nghị dừng Uber, Grab
Trong khi Sở GTVT TP.HCM đề nghị Uber, Grab tạm ngưng kết nối thêm xe mới thì Hiệp hội Taxi Hà Nội kiến nghị dừng khẩn cấp thí điểm xe ứng dụng công nghệ ngay tháng 9.
Hiệp hội taxi Hà Nội vừa có văn bản gửi các bộ ngành báo cáo về kế hoạch thí điểm triển khai ứng dụng khoa học công nghệ hỗ trợ quản lý và kết nối hoạt động vận tải hành khách theo hợp đồng. Theo Hiệp hội này, trước và trong quá trình thực hiện đề án đã bộc lộ nhiều sai phạm và đang gây ra những hệ lụy.
Tuần trước, Sở Giao thông Vận tải (GTVT) TP.HCM cũng đề nghị Uber, Grab tạm ngưng kết nối thêm xe mới, do lo ngại quy hoạch taxi bị phá vỡ khiến tình hình giao thông ngày càng phức tạp.
Bộ GTVT không giới hạn số phương tiện tham gia đề án
Theo Hiệp hội taxi Hà Nội, Bộ GTVT đã không giới hạn số lượng phương tiện tham gia thí điểm, dù UBND TP. Hà Nội và TP.HCM kiên quyết phản đối. “Ngày 16/11/2015, Sở GTVT TP. Hà Nội đã có văn bản gửi Bộ GTVT, đề nghị quy định rõ số lượng tham gia thí điểm.Tuy nhiên, đề nghị đã không được quan tâm”, văn bản của Hiệp hội Taxi Hà Nội nêu.
Hiệp hội taxi Hà Nội cho rằng việc không giới hạn số lượng xe của đề án đã làm cho số xe hoạt động như taxi tăng vọt, ùn tắc giao thông là điều khó tránh khỏi.
Tại Hà Nội hiện có 19.265 taxi và khoảng 25.000 xe hợp đồng hoạt động như taixi. Trong khi đề án quy hoạch đến năm 2020 mới là 25.000 xe và 2030 là 30.000 xe.
Ngoài những phần trên, Hiệp hội taxi Hà Nội còn tố Uber, Grab vi phạm pháp luật, hoạt động trái phép, gây bất bình đẳng ở sân bay, làm thất thu ngân sách Nhà nước.
Uber, Grab phải có tên thống nhất
Hiệp hội này còn đề nghị dừng ngay việc gia tăng các phương tiện tham gia thí điểm (như Bộ GTVT đã làm để hạn chế lượng xe taxi tại Hà Nội năm 2011). Đồng thời ban hành ngay văn bản yêu cầu các địa phương dừng cấp phù hiệu xe tham gia thí điểm (hiện đã tăng đến 50.000 xe chỉ trong 18 tháng).
Phải thống nhất về bản chất và tên gọi loại hình dịch vụ Grab, Uber tại Việt Nam.
Bộ cũng phải có quy định quản lý xe kinh doanh vận tải hành khách đến 9 chỗ ngồi ứng dụng công nghệ thông tin như taxi về số lượng, chất lượng, phạm vi hoạt động, đưa vào trong quy hoạch vận tải hành khách bằng taxi tại Hà Nội đến năm 2030.
Các xe tham gia loại hình này cũng phải chịu quy định cụ thể về kích thước, màu sắc, logo, đảm bảo rõ ràng, dễ nhận biết. Sở GTVT địa phương sẽ chịu trách nhiệm in và cấp phát logo nhận diện.
Hiệp hội này còn yêu cầu các công ty kiểu Uber và Grab phải tuân thủ pháp luật Việt Nam và không trái với thông lệ quốc tế.
Cụ thể đó là phải đặt máy chủ tại Việt Nam, sử dụng tên miền Internet của Việt Nam, dữ liệu phải được kết nối với hệ thống giám sát của Bộ GTVT. Định kỳ các công ty công nghệ phải truyền tải thông tin tự động theo chuẩn về Tổng cục đường bộ và Sở GTVT, nơi quản lý để phân tích dữ liệu tập trung.
Grab, Uber phải chia sẻ toàn bộ dữ liệu số lượng xe, danh sách xe, dữ liệu giám sát hành trình, số giờ lái xe, doanh thu chịu thuế 20% phía Grab và Uber đang hưởng, còn 80% doanh thu thuộc về đối tác... cho các cơ quan quản lý Nhà nước.
Lượng xe dưới 9 chỗ tại TP.HCM tăng vượt kiểm soát
Tại TP.HCM, Sở GTVT cũng vừa đề xuất các giải pháp quản lý loại hình kinh doanh xe hợp đồng điện tử lên UBND TP.HCM, trong đó có đề nghị Uber, Grab tạm ngưng kết nối thêm xe mới.
Việc hạn chế kết nối xe mới được lý giải nhằm ổn định tình hình vận tải trên địa bàn trong thời gian chờ Bộ GTVT tổng kết 2 năm thí điểm triển khai ứng dụng khoa học công nghệ hỗ trợ quản lý và kết nối hoạt động vận tải hành khách theo hợp đồng (taxi mới) từ tháng 1/2016.
Số liệu thống kê cho thấy lượng xe hợp đồng dưới 9 chỗ tại TP.HCM tăng nhanh chóng. Điều này là một trong những nguyên nhân khiến tình trạng kẹt xe trên địa bàn thành phố thêm nghiêm trọng.
Cuối năm 2015, TP.HCM chỉ có 200-300 xe dưới 9 chỗ chạy hợp đồng đi đường dài. Đầu năm 2016, khi bắt đầu thí điểm Grabtaxi, số lượng xe tăng lên 2.437 xe. Tới tháng 6/2016 vọt lên hơn 15.000 xe, và đến nay đã có hơn 22.000 xe.
Bên cạnh 22.000 xe dưới 9 chỗ được cấp phép hợp đồng điện tử, TP.HCM còn có hơn 11.000 taxi truyền thống.
Như vậy, lượng ôtô dưới 9 chỗ kinh doanh vận tải hành khách trên địa bàn thành phố đang hơn 33.000 chiếc, phá vỡ quy hoạch taxi trên địa bàn.
Theo quy hoạch phát triển giao thông đường bộ đến năm 2020, số lượng taxi tại TP.HCM không vượt quá 12.700 xe.
Tăng cường xử phạt xe dưới 9 chỗ kinh doanh vận tải hành khách
Về giải pháp trước mắt, Sở GTVT sẽ cung cấp danh sách ôtô 9 chỗ ngồi trở xuống được cấp phù hiệu “xe hợp đồng” cho Công an TP.HCM, nhằm phục vụ tốt nhất cho công tác kiểm tra, xử lý vi phạm. Từ đó, Sở đề nghị Công an TP.HCM chỉ đạo các lực lượng tăng cường tuần tra, kiểm soát và xử lý nghiêm vi phạm đối với ôtô 9 chỗ ngồi trở xuống kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng.
Các hành vi vi phạm quy định mà Sở GTVT đưa ra bao gồm, điều khiển xe chở hành khách không có hoặc không gắn phù hiệu; không niêm yết hoặc niêm yết không đầy đủ tên, số điện thoại của đơn vị kinh doanh vận tải ở phần đầu mặt ngoài hai bên thân xe, hoặc mặt ngoài hai bên cánh cửa xe; không gắn thiết bị giám sát hành trình của xe hoặc gắn nhưng thiết bị không hoạt động…
Liên quan đến hoạt động của taxi công nghệ, từ đầu năm đến nay, Thanh tra Sở GTVT TP.HCM đã xử phạt hàng trăm triệu đồng đối với Grab, Uber. Riêng trong tháng 9, Thanh tra Sở đã lập biên bản 55 vụ vi phạm, số tiền xử phạt 230 triệu đồng.
Advertisement